Bản in
Công nghệ Oxindus: Biến chất thải thành sản phẩm có giá trị
Ngày 26/11, tại Hà Nội dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ và Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, Cục ứng dụng và Phát triển công nghệ (SATI) phối hợp với Công ty Nghiên cứu phát triển nguồn lực tự nhiên (NRD), Công ty Hóa chất, Kim loại và Khoáng sản (CMM) - Cộng hòa Pháp tổ chức Hội thảo “Công nghệ Oxindus: Biến chất thải thành sản phẩm có giá trị” nhằm giới thiệu công nghệ xử lý và tái chế bụi thép trong quá trình sản xuất thép bằng công nghệ lò hồ quang điện tới doanh nghiệp và xúc tiến chuyển giao công nghệ này vào Việt Nam.

 Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh tham dự và chủ trì Hội thảo. Cùng dự Hội thảo có lãnh đạo và đại diện một số đơn vị trong Bộ KH&CN; đại diện Phái đoàn Chính phủ Pháp đang ở thăm Việt Nam nhân dịp Tuần lễ Văn hóa Việt-Pháp năm 2010; đại diện Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Tổng Công ty thép Việt Nam, Hiệp hội thép Việt Nam; Tổng giám đốc các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp thép Việt Nam; lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở KH&CN, Sở Công thương Thành phố Hà Nội và Hải Phòng; cùng với đại diện Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam.      

        
                            Thứ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá cao sáng kiến của SATI đã phối hợp với NRD, CMM về việc tổ chức Hội thảo. Thứ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường là vấn đề quan tâm ưu tiên của Bộ KH&CN trong giai đoạn hiện nay. Ngoài các yếu tố về vốn đầu tư, thị trường, lao động, tài nguyên… thì yếu tố công nghệ đóng góp quan trọng vào hiệu quả của quá trình sản xuất. Đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp là yếu tố có vai trò quyết định nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa, tăng cường năng lực cạnh tranh của quốc gia, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tại Hội thảo, công nghệ Oxindus giúp giải quyết vấn đề bụi thép (bụi thép sinh ra từ lò hồ quang điện - Electric Arc Furnace Dusts - EAFD) được giới thiệu gồm có 2 quy trình: tái chế hoàn toàn bụi thép (quy trình Black Line), triển khai tại nhà máy thép, tập trung ở khâu trộn bụi thép với các chất phụ gia và tái tuần hoàn vào lò hồ quang cho phép thu hồi lượng sắt hao hụt, nâng cao hàm lượng các kim loại có giá trị (kẽm) chứa trong bụi, giảm phát thải các khí độc hại và thu hồi được một loại bụi mới, giàu kẽm và chứa rất ít sắt ; xử lý tinh (quy trình White Line), xử lý triệt để bụi thu hồi được từ quy trình Black Line, cho phép loại bỏ Chlore và giảm thiểu hàm lượng Fluor, được xử lý tập trung trong một nhà máy có khả năng tiếp nhận toàn bộ lượng bụi thép từ các nhà máy thép tại Việt Nam. 

Công nghệ Oxindusđược các nhà khoa học đánh giá là công nghệ hiệu quả, đem lại giải pháp khả thi về môi trường và kinh tế trong sản xuất thép bằng công nghệ Lò hồ quang điện. Toàn bộ quy trình không làm phát sinh chất thải độc hại. Sản phẩm thu được, gọi là OxIndus, là một nguyên liệu phụ cho công nghiệp sản xuất kim loại kẽm.

“Trong lĩnh vực công nghiệp môi trường, Bộ KH&CN đã và sẽ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường góp phần phát triển các tổ chức nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; phát triển doanh nghiệp công nghiệp môi trường đủ năng lực đáp ứng cơ bản nhiệm vụ bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên đưa ngành công nghiệp môi trường thành một ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong cơ cấu phát triển ngành công nghiệp Việt Nam”, Thứ trưởng Chu Ngọc Anh cho hay.  

Theo đánh giá của Tổng công ty thép Việt Nam, tổng lượng bụi thép sinh ra ở Việt Nam được ước lượng khoảng 70.000 tấn vào năm 2010 và sẽ đạt mức 100.000 tấn vào năm 2011. Đây là chất thải dạng bụi có chứa sắt (khoảng 40%) và các nguyên tố khác được sinh ra trong quá trình luyện thép. Bụi thép này được xếp vào loại chất thải độc hại (vì sự hiện diện của dioxines và nguy cơ thẩm thấu vào môi trường của các kim loại nặng) và bị cấm xuất khẩu theo công ước Bale. Bởi vậy, nếu Việt Nam áp dụng công nghệ Oxindus để xử lý và tái chế các loại bụi thép thì sẽ giảm được ô nhiễm môi trường.
 
PN