Bản in
Chương trình nông thôn miền núi: Ứng dụng công nghệ để chủ động sản xuất
Sau 15 năm thực hiện chương trình nông thôn miền núi (Chương trình), các dự án của Chương trình đã thực sự tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực trên địa bàn thực hiện dự án, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, từng bước hình thành thị trường công nghệ ở nông thôn, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi.

Nhiều tín hiệu khởi sắc

Qua 15 năm triển khai, Chương trình Nông thôn miền đã thực hiện hơn 800 dự án tại 62 tỉnh, thành phố. Trong đó, đã thực hiện ứng dụng và chuyển giao có hiệu quả 4.804 công nghệ và 2.516 mô hình về ứng dụng công nghệ. Các mô hình này chính là những mẫu hình về chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN có tính đại diện cho địa bàn triển khai, do chính người dân sau khi được tập huấn kỹ thuật trực tiếp thực hiện, đó chính là các điểm trình diễn cho các tổ chức và cá nhân  người nông dân đến tham quan học tập,  từ đó tạo được sức lan tỏa nhân rộng cho các tổ chức và cá nhân khác đầu tư vốn để tổ chức sản xuất nhân rộng kết quả của mô hình. Việc nhân rộng mô hình chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ là mục tiêu nói riêng của chương trình nông thôn - miền núi và cũng là yếu tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, miền núi.

Bên cạnh đó, Chương trình đã lựa chọn được những công nghệ tiên tiến, phù hợp, xây dựng được những mô hình ứng dụng KH&CN có hiệu quả hướng vào giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội có tầm quan trọng đối với địa phương như nâng cao năng suất, chất lượng và đa đạng hóa các sản phẩm nông nghiệp hàng hoá, có tiềm năng về thị trường và phát huy lợi thế của từng vùng; hỗ trợ các doanh nghiệp hiện có ở nông thôn đổi mới công nghệ hoặc hỗ trợ hình thành các ngành nghề mới nhằm phát huy các lợi thế về ngành nghề truyền thống.

Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Lê Ngọc Anh cho biết: Nhìn tổng thể, các dự án thuộc chương trình Nông thôn, miền núi đã thực sự là điểm sáng về ứng dụng KH&CN vào sản xuất. Cụ thể, về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng việc đưa các cây trồng có giá trị kinh tế cao vào công thức luân canh để tăng hiệu quả kinh tế tổng hợp trên một đơn vị diện tích (mô hình phát triển trồng cây mây nếp tại Ba Vì, hoa cây cảnh ở Thụy Hương (Chương Mỹ), mô hình ứng dụng KH&CN trồng lan Hồ điệp ở Đan Phượng, mô hình trồng nấm ở Mỹ Đức…). Các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, phát triển ứng dụng, cũng có những mô hình, sản phẩm được thị trường ghi nhận. Chương trình còn xây dựng được các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để sản xuất các sản phẩm an toàn và chất lượng như mô hình sản xuất dưa chuột và xà lách không dùng đất tại Hoài Đức…

Thành công nhờ chính sách phù hợp

Theo ông Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh: mặc dù còn khó khăn nhưng trong những năm qua Nhà nước đã rất quan tâm cho chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng nông thôn, miền núi nói chung và Chương trình chuyển giao khoa học công nghệ phát triển nông thôn miền núi nói riêng. Chương trình này cũng đã được bố trí nguồn kinh phí một cách tương đối phù hợp, bao gồm: Nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương, nguồn kinh phí hỗ trợ từ địa phương và nguồn kinh phí đối ứng của doanh nghiệp, người dân.

Cùng quan điểm trên ông Nguyễn Văn Liễu – Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật cho rằng, gần đây Nhà nước đã ban hành một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 trong đó doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được hưởng nhiều ưu đãi về đất đai, về thuế, về đào tạo nhân lực về phát triển thị trường và ứng dụng KH&CN. Gần đây thực hiện nghị quyết của Chính phủ (Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 5/3/2014) về việc chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN thực hiện việc cho vay thí điểm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Thống đôc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1050/QĐ-NHNN ngày 28/5/2014 cho vay thí điểm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết 14. Theo Quyết định này thì đối tượng cho vay cũng chủ yếu là các doanh nghiệp với lượng vốn vay có thể tới 70% tổng đầu tư của dự án và lãi suất vay thấp, thời gian vay dài và hưởng các ưu đãi trong hai năm đầu, các năm sau như vay thương mại.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư cho KH&CN trong nông nghiệp, theo ông Nguyễn Văn Liễu cần phải sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hàng năm khoảng 80 - 90 triệu USD cho lĩnh vực nông nghiệp trên toàn quốc. Bằng việc xác định đúng nhiệm vụ cần nghiên cứu, thực hiện cơ chế đặt hàng, cơ chế liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức KH&CN để đảm bảo kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN có địa chỉ ứng dụng và cơ quan đề xuất đặt hàng chịu trách nhiệm nhân rộng kết quả nghiên cứu KH&CN theo đề xuất đặt hàng của mình.

Ngoài ra, cần có những cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn đầu tư của DN, của xã hội để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Ví dụ như trích một phần giá trị thu nhập tính thuế thu nhập DN theo Nghị định 95/2014/ NĐ-CP quy định DN nhà nước phải trích 3-10% giá trị tính thuế thu nhập DN và DN ngoài nhà nước được trích tới 10% giá trị tính thuế thu nhập DN để lập quỹ phát triển KH&CN của DN dùng cho các hoạt động nghiên cứu triển khai của DN cũng như hỗ trợ các quỹ phát triển KH&CN khác.

Trong giai đoạn tới, chương trình sẽ có những điều chỉnh về việc lựa chọn công nghệ. Trong đó nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, công nghệ bảo quản chế biến nông sản, công nghệ xử lý rác thải nông thôn, công nghệ thông tin ứng dụng trong nông nghiệp, truyền thông KH&CN gắn với phát triển kinh tế nông thôn sẽ được chú trọng hơn.

Bài, ảnh: Tuyết Hoàn