|
|||
Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, đại diện Lãnh đạo SATI, 200 đại biểu đại diện các Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng các tỉnh phía Nam, các doanh nghiệp, Hiệp hội chuyên ngành, Viện nghiên cứu, Trường đại học trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông vận tải. Về phía Hàn Quốc có đại diện Bộ Giao thông Vận tải – Hạ tầng – Đất đai của Hàn Quốc, đại diện KAIA, Hiệp hội Công nghệ mới Xây dựng – Giao thông (KCNET), Hiệp Hội Sáng Chế (KIPA) và 8 doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông. Hội thảo được tổ chức theo phương thức mở (vừa tham luận vừa tọa đàm trao đổi trực tiếp) nhằm tăng cường hiểu biết, chia sẻ thông tin giữa doanh nghiệp hai nước, mở rộng hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Đây sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các công nghệ mới trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông vận tải cũng như tìm kiếm khả năng hợp tác đầu tư.
Hội thảo là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm khả năng hợp tác đầu tư Tại hội thảo các đại biểu đã được nghe giới thiệu về các công nghệ mới nhất của Hàn Quốc ứng dụng trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông như: Hệ thống khe co giãn sử dụng trong cầu đường; công nghệ thi công dầm bê tông tổ hợp dạng vòm liên tục; hệ thống neo mặt đất kiểu mới tăng tối đa ứng suất và nhờ vào đầu neo mỏ rộng & tấm bản mã chịu lực trên mặt đất nền yếu/ đá cứng; cầu, hệ dầm cầu PSC, PSC beam, dầm bê tông cốt thép; phương pháp lắp đặt cốt thép chịu độ bền cắt hình xoắn ốc để nâng cao hiệu quả chịu lực cắt của cấu trúc tấm phẳng; công nghệ thi công cầu cáp căng dây băng sử dụng các tấm bê tông đúc sẵn liên kết bởi cáp căng neo đất không trụ đỡ… Trên cơ sở đó các đại biểu đã cùng thảo luận về tình hình nghiên cứu và các ứng dụng trong xây dựng hạ tầng giao thông của Việt Nam và Hàn Quốc, các tiềm năng hợp tác. Trong khuôn khổ Hội thảo, Chủ tịch KCNET đã ký kết văn bản hợp tác với Hội Khoa học Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh để nắm bắt nhu cầu công nghệ từ phía doanh nghiệp Việt Nam, tìm hiểu lợi thế và định hướng phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông. Thông qua SATI, KCNET sẵn sàng chuyển giao các công nghệ đã được nghiên cứu thành công cho doanh nghiệp Việt Nam hoặc triển khai các hoạt động nghiên cứu theo nhu cầu đặt hàng từ doanh nghiệp Việt Nam. Được biết, đây là hoạt động thường niên của SATI phục vụ các địa phương phía Nam, được giao cho Văn phòng đại diện của SATI tại Thành phố Hồ Chí Minh phụ trách. Từ những hoạt động kết nối cung cầu như vậy, SATI sẽ từng bước hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và khai thác các công nghệ mới, tiên tiến trên thế giới, thông qua Chương trình đổi mới công nghệ Quốc gia. Tin, ảnh: Bảo Chi |