|
|||
Một trong những nguyên nhân trực tiếp là do biến đổi khí hậu toàn cầu gây nên, dẫn đến nguy cơ cháy rừng rất cao, tình hình cháy rừng diễn biến phức tạp. Hiện nay, ở một số cơ sở chữa cháy rừng đã được trang bị một số thiết bị chữa cháy rừng (máy thổi gió, máy bơm nước, xe ôtô chữa cháy...) nhưng hiệu quả chữa cháy không cao, không phù hợp với điều kiện địa hình ở Việt Nam. Việc chữa cháy rừng hiện nay ở các địa phương chủ yếu là thủ công như dùng cành cây dập lửa, vỉ dập lửa nên năng suất dập lửa thấp, tốn nhiều nhân lực, hiệu quả chữa cháy không cao. Trước tình hình đó, năm 2008, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao nhiệm vụ cho Trường Đại học Lâm Nghiệp, chủ trì thực hiện đề tài trọng điểm cấp nhà nước “Nghiên cứu công nghệ và thiết kế chế tạo các thiết bị chuyên dụng chữa cháy rừng”, nhằm xây dựng công nghệ chữa cháy rừng cho phù hợp với mọi địa hình, loại rừng và phù hợp với thiết bị chữa cháy hiện có, đồng thời nghiên cứu thiết kế chế tạo ra một số thiết bị chuyên dụng chữa cháy rừng phù hợp với địa hình và chất chữa cháy tại chỗ. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành tính toán thiết kế, chế tạo được xe chữa cháy rừng đa năng bao gồm: hệ thống cắt cây lắp ở phía trước xe và làm sạch cỏ rác lắp ở phía sau xe để tạo băng trắng cách ly đám cháy; hệ thống cắt đất, hút đất, phân phối đất và phun đất vào đám cháy để dập lửa; hệ thống chứa nước, bơm nước và phun nước vào đám cháy để dập tắt đám cháy. Các hệ thống trên được lắp ráp cố định trên xe, khi hoạt động mở ra, khi không sử dụng thu gọn lại, nguồn động lực để cho các hệ thống hoạt động được lấy từ động cơ xe ôtô. TS. Dương Văn Tài - Chủ nhiệm đề tài cho biết, xuất phát từ điều kiện thực tế, quá trình chữa cháy rừng cần phải thực hiện song song ba quá trình (chữa cháy tại chỗ; thiết bị chữa cháy tại chỗ; lực lượng chữa cháy tại chỗ) thì quá trình chữa cháy mới đạt hiệu quả cao, khi có đám cháy sẽ dập tắt được ngay, hiệu quả chữa cháy rừng cao hơn hẳn các cách thông thường. TS. Nguyễn Văn Tài cũng cho biết thêm: sau khi thiết kế, chế tạo thành công máy chữa cháy rừng, đề tài tiến hành khảo nghiệm các thiết bị tại ba miền có địa hình, loại vật liệu cháy đặc trưng (vùng núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên và vùng rừng tràm U Minh) cho thấy xe chữa cháy rừng đa năng của nhóm nghiên cứu đã đạt được một số thành công trong việc tính toán và giảm nhẹ nguy cơ cháy rừng. Đặc biệt, xe chữa cháy rừng bằng sức gió có cấu tạo gọn, trọng lượng nhẹ và sử dụng đơn giản, có thể hoạt động ở nơi độ dốc cao, địa hình phức tạp, năng suất và hiệu quả chữa cháy cao. Công dụng của máy có thể để dập lửa, có thể sử dụng trong công nghệ đốt phản, trong phòng cháy rừng caosu. Vốn đầu tư mua thiết bị thấp, nên có thể trang bị rộng rãi cho các đơn vị chữa cháy rừng trong cả nước. P. Hoàn |