Bản in
Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh Đồng bằng sông Hồng lần thứ X
Sáng 13/5, tại Hải Phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và UBND thành phố Hải Phòng đã phối hợp tổ chức Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ các tỉnh Đồng bằng sông Hồng lần thứ X. Sự kiện này diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng thành phố Hải Phòng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo đánh giá của Vụ phát triển KH&CN địa phương và tập trung thảo luận kết quả hoạt động KH&CN vùng ĐBSH giai đoạn 2011-2015 những vấn đề đã làm được, những khó khăn cần được tháo gỡ, đồng thời thảo luận những định hướng phát triển KH&CN của các địa phương trong thời gian tới giai đoạn 2016-2020.

Theo Vụ phát triển KH&CN địa phương, trong thời gian qua, hoạt động KH&CN của các tỉnh, thành phố vùng ĐBSH đã góp một phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương, của vùng và cả đất nước. Cụ thể, các tỉnh vùng ĐBSH đã thực hiện được 91 dự án KH&CN cấp nhà nước, cấp bộ.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực nông nghiệp, các nhiệm vụ nghiên cứu - ứng dụng đã tập trung nghiên cứu tuyển chọn được dòng, giống lúa thuần chất lượng cao như HT16, M15, Hương ưu 98, DT68, TBR27… Đến nay, 80% diện tích gieo trồng lúa của vùng đồng bằng được sử dụng giống cải tiến. Năng suất lúa bình quân đạt trên 60 tạ/ha cao hơn trung bình của cả nước.

Hay trong lĩnh vực công nghiệp, các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đã hướng tới việc nghiên cứu hoàn thiện các sản phẩm, phát triển các sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường. Đồng thời, chú trọng giải quyết các yêu cầu của sản xuất, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến… Tiêu biểu, là việc nghiên cứu thành công giàn khoan tự nâng với tổng trọng lượng trên 12.000 tấn hoạt động ở độ sâu đến 90m nước đạt tiêu chuẩn quốc tế; hệ thống thiết bị lọc bụi tĩnh điện cho nhà máy nhiệt điện công suất 600 MW; dây chuyền thiết bị sản xuất xi măng lò quay công suất từ 1-2 triệu tấn xi măng/năm…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thẳn thắn chỉ ra những hạn trong hoạt động KH&CN của Vùng ĐBSH trong thời gian qua như: đầu tư cho KH&CN chủ yếu vẫn dựa vào nguồn ngân sách của nhà nước; hoạt động nghiên cứu triển khai còn dàn trải, chưa bám sát vào cơ cấu của địa phương; thiếu sự liên kết trong nghiên cứu phát triển sản phẩm mang tính chất vùng, miền; quá trình đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp còn rất chậm;…

Toàn cảnh Hội nghị

Để thúc đẩy KH&CN vùng ĐBSH phát triển hơn nữa, đa số các ý kiến cho rằng các địa phương cần cân bố bổ sung ngân sách từ địa phương để đảm bảo tối thiếu 2% tổng chi ngân sách địa phương cho KH&CN, đặc biệt là việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh/thành phố. Theo đó, để tập trung nguồn lực để hình thành Chương trình KH&CN cấp vùng để tập trung phát triển một số sản phẩm có tính liên vùng, sản phẩm thương hiệu Việt; hình thành một số trung tâm Nghiên cứu ứng dụng cấp Vùng, cấp quốc gia, đảm bảo giải quyết các vấn đề lớn đáp ứng yêu cầu của từng vùng sản xuất; xác định các nội dung trọng tâm về hoạt động KH&CN bám sát cơ cấu kinh tế của Vùng, của địa phương; hướng trọng tâm hoạt động KH&CN phải gắn với hoạt động của doanh nghiệp sản xuất, đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc;...

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc khẳng định, hội nghị giao ban vùng ĐBSH lần này được tổ chức tại Hải Phòng rất có ý nghĩa đúng dịp Hải Phòng kỉ niệm 60 năm ngày giải phóng thành phố Hải Phòng. Trong những năm qua, khu vực ĐBSH với 11 tỉnh, thành phố luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với nước ta trong cả lịch sử và hiện tại. Đây là khu vực có thủ đô Hà Nội, có cảng Hải Phòng và có nhiều khu kinh tế, là trung tâm văn hóa – kinh tế trong suốt chiều dài lịch sử. Dấu ấn về văn hóa, dấu ấn lịch sử của khu vực này là rất lớn. Bên cạnh đó, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn hội nghị lần này rất mong nhận được các ý kiến của đại diễn lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các sở KH&CN về những nội dung cơ bản. Đặc biệt là từ hội nghị giao ban vùng ĐBSH lần thứ IX đến nay trong công tác chỉ đạo điều hành, lãnh đạo đối với hoạt động KH&CN có những vấn đề gì, KH&CN đã có những đóng góp như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cũng cho biết sau khi Luật KH&CN năm 2013 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 hàng loạt các văn bản, cơ chế chính sách do Bộ KH&CN phối hợp với các Bộ, ngành đã được ban hành, hiện tại đã đi vào cuộc sống như thế nào, có những khó khăn, vướng mắc cũng rất cần được kiến nghị để các cơ quan nhà nước, TW điều chỉnh các chính sách này. Qua đó, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN sẽ giải đáp các thắc mắc của các địa phương. Đồng thời, ghi nhận các ý kiến, các vướng mắc để khi thực hiện các văn bản pháp quy ở địa phương sẽ tham mưu cho Chính phủ, Lãnh đạo Bộ KH&CN xây dựng lại các văn bản pháp quy này cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Bên cạnh Hội nghị, còn diễn ra các hoạt động  trưng bày một số sản phẩm đặc sản của các địa phương trong vùng với sự tham gia của các Sở KH&CN vùng đồng bằng sông Hồng và các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các đặc sản, sản phẩm làng nghề tiêu biểu đã được bảo hộ trong Vùng. Đây là cơ hội để các các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các đặc sản, sản phẩm làng nghề của các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Hồng giới thiệu, quảng bá các đặc sản, sản phẩm làng nghề đã và đang được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đến người dân thành phố và du khách trong và ngoài nước, qua đó tạo điều kiện và cơ hội để các làng nghề trong Vùng tiếp cận thị trường và tăng cường giao thương.

Tin, ảnh: Ánh Tuyết