|
|||
- Thời gian đầu thành lập (tháng 8/1974), Ban Thanh tra Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước (KH&KTNN) – tiền thân của Thanh tra Bộ KH&CN chỉ có 2 cán bộ. Năm 1990, Pháp lệnh thanh tra được ban hành. Lực lượng thanh tra chuyên ngành KH&CN cũng được thành lập và hình thành mối quan hệ có tính hệ thống từ trung ương đến địa phương.
Cuộc thanh tra chuyên đề về bảo vệ môi trường năm 1997 được đánh dấu lần đầu tiên có lực lượng thanh tra chuyên ngành đồng loạt ra quân thanh tra một nội dung, có sự chỉ đạo sát sao từ Trung ương đến địa phương. Kết quả, đã thanh tra gần 9.400 cơ sở, đạt 138% chỉ tiêu kế hoạch đề ra (dự định 6.000 cơ sở), xử phạt vi phạm hành chính gần 4.400 cơ sở với gần 1,6 tỷ đồng. Đợt thanh tra đã tạo những chuyển biến tích cực trong nhận thức của các đối tượng thanh tra, bước đầu nâng cao trách nhiệm và đảm bảo hiệu lực Luật Bảo vệ môi trường.
Từ đó đến nay, Thanh tra KH&CN liên tục triển khai nhiều cuộc thanh tra chuyên đề, tạo được dư luận tốt trong xã hội, kịp thời chấn chỉnh nhiều sai phạm, góp phần lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chỉ tính từ năm 2006 đến nay, thanh tra ngành KH&CN đã tiến hành thanh tra hơn 47.000 cơ sở, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính gần 8.200 cơ sở với tổng số tiền 16,752 tỷ đồng, thu hồi và tiêu hủy nhiều sản phẩm hàng hóa vi phạm khác.
Loại bỏ yếu tố vi phạm trong các tang vật vi phạm về sở hữu công nghiệp. Ảnh: Thanh tra Bộ
Tính riêng 3 cuộc thanh tra diện rộng chuyên đề năm 2008 (về xăng dầu), năm 2009 (về hàng đóng gói sẵn theo định lượng) và năm 2010 (về an toàn bức xạ hạt nhân), thanh tra KH&CN đã thanh tra hơn 9.100 cơ sở, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 1.770 cơ sở với tổng số tiền phạt nộp ngân sách hơn 6,844 tỷ đồng.
Trong đó, cuộc thanh tra về đo lường chất lượng xăng dầu đã kiểm tra sự đúng đắn trong phép đo, đảm bảo yêu cầu về đo lường với hơn 14.000 cột đo nhiên liệu; phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 797 cơ sở, tổng số tiền phạt hơn 3,8 tỷ đồng; kiên quyết rút giấy phép đủ điều kiện kinh doanh của 52 cơ sở có sai phạm nghiêm trọng. Đây là cuộc thanh tra được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế và có ý nghĩa lớn với xã hội, được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện KH&CN năm 2008. - Những khó khăn gặp phải trong công tác thanh tra KH&CN thời gian qua và giải pháp khắc phục những khó khăn đó là gì thưa ông? - Khó khăn lớn nhất là lực lượng thanh tra chuyên ngành còn quá mỏng đặc biệt là của địa phương, thanh tra sở KH&CN hiện nay nhiều nhất cũng chỉ 4 – 5 người, chưa kể lực lượng này không ổn định do phải điều chuyển làm công tác khác. Trong khi đó, lĩnh vực của ngành rất lớn và phức tạp, gồm có: khoa học, công nghệ, tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng, sở hữu trí tuệ (SHTT), an toàn bức xạ và hạt nhân. Thực tế ấy đòi hỏi cán bộ thanh tra ngoài nghiệp vụ thanh tra còn phải hiểu biết sâu, có kiến thức chuyên môn trong những lĩnh vực tiến hành thanh tra.
Tuy nhiên, những năm qua chúng tôi cũng đã làm tốt việc phối hợp với lực lượng thanh tra và lực lượng quản lý của các đơn vị, phối hợp với các lực lượng khác để cùng giúp nhau bổ sung kiến thức chuyên môn, tạo nên sức mạnh chung.
Ngành thanh tra KH&CN đã thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra chuyên đề nhằm tạo điều kiện tập huấn sâu về nghiệp vụ chuyên môn lĩnh vực cho lực lượng thanh tra; phối hợp với Trường Quản lý KH&CN của Bộ tổ chức các khóa tập huấn nghiệp vụ, chuyên ngành KH&CN, bổ sung kỹ năng trong hoạt động thanh tra,…
Thêm nữa, lãnh đạo bộ KH&CN qua các thời kỳ luôn quan tâm, coi trọng công tác thanh tra và tạo mọi điều kiện để công tác thanh tra đạt hiệu quả cao nhất. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để hoạt động thanh tra đạt kết quả cao. Đồng thời Thanh tra Bộ cũng nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực thanh tra chuyên ngành KH&CN, đã thường xuyên chủ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ xây dựng những văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ, kịp thời đảm bảo có cơ sở pháp lý tốt cho hoạt động thanh tra. - Ông cho biết nhiệm vụ trọng tâm của trong công tác thanh tra KH&CN thời gian tới?
- Thời gian tới, thanh tra KH&CN sẽ phát huy tốt hơn nữa sức mạnh và sự tác động của cả hệ thống thông qua việc triển khai thường xuyên, định kỳ hoạt động thanh tra chuyên đề diện rộng và tập trung vào những vấn đề cụ thể hơn trên toàn quốc. Đồng thời đẩy mạnh việc hình thành các tổ chức chuyên trách trong từng lĩnh vực nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ của lực lượng thanh tra chuyên ngành. Qua đó, giúp kiện toàn hệ thống thanh tra, đưa ra những định hướng quản lý tốt hơn.
Hiện nay, SHTT và tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng là 2 lĩnh vực phức tạp và ảnh hưởng nhiều nhất với người tiêu dùng, với xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế có những lĩnh vực khác chúng tôi cũng rất quan tâm và sẽ chọn thời điểm phù hợp để thanh tra như chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học. Đồng thời tăng cường hoạt động thanh tra trách nhiệm, thanh tra hành chính nhằm đẩy mạnh hoạt động điều hành của lãnh đạo, thủ trưởng các đơn vị cũng như công tác phòng và chống tham nhũng. Thanh tra KH&CN tiếp tục xác định “mọi hoạt động là phục vụ tốt cho công tác quản lý trong từng giai đoạn và trong yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước”. Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hạnh thực hiện
|