|
|||
Đến dự Hội thảo, về phía Bộ KH&CN có ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ KH&CN cùng nhiều đại diện Lãnh đạo các đơn vị chức năng. Về phía các tỉnh, thành phố vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UNBD tỉnh Khánh Hòa; ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cùng đại diện lãnh đạo các Sở KH&CN và các sở, ban ngành có liên quan. Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện các Viện, trường, các doanh nghiệp, các nhà khoa học và các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương. Hội thảo đã tập trung vào một số vấn đề chính như: Đề xuất định hướng phát triển và giới thiệu các giải pháp công nghệ, các tiến bộ kỹ thuật để khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển các sản phẩm chủ lực của Vùng Nam trung Bộ và Tây Nguyên; Những vấn đề KH&CN phục vụ phát triển kinh tế biển (đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản) Vùng Nam trung Bộ; Những giải pháp để tăng cường công tác ứng dụng, chuyển giao công nghệ từ các tổ chức KH&CN, các nhà khoa học tới các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trong vùng; Vai trò của khoa học và công nghệ phục vụ phát triển tiềm năng du lịch Vùng Nam trung Bộ và Tây Nguyên. Theo đó, Hội thảo đã có 10 báo cáo được trình bày, các báo cáo đề cập đến một số vấn đề phát triển KH&CN chung của vùng đó là, Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế biển duyên hải Nam Trung Bộ và định hướng phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; Triển khai quy hoạch và phát triển bền vững nghề nuôi chim yến vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên;… Hội thảo thu hút hàng trăm đại biểu tham gia Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định, vùng Nam Trung bộ và Tây nguyên là một khu vực có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về địa lý, kinh tế, chính trị, văn hóa và an ninh quốc phòng, đồng thời cũng có nhiều ưu thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội. Cùng với vùng Nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên là một trong sáu vùng kinh tế lớn của nước ta, là vùng có nhiều ưu đãi về tài nguyên thiên nhiên. Tây Nguyên có điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành nông nghiệp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: cà phê, cao su, chè, hồ tiêu, các loại rau hoa, quả ôn đới. Tây Nguyên được mệnh danh là “thủ phủ cà phê,” đồng thời là một trong những điểm sản xuất cao su lớn của Việt Nam và thế giới. Dựa trên tiềm năng lợi thế này, Tây Nguyên hoàn toàn có thể đẩy mạnh sản xuất, chế biến các mặt hàng phục vụ cho xuất khẩu. Đóng góp nổi bật nhất của KH&CN trong vùng là việc đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, tập trung nghiên cứu các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của Vùng, nhất là tập trung vào các sản phẩm chủ lực của Vùng như cao su, hồ tiêu, cà phê, chè… đã đưa năng suất các giống cây trồng này cao gấp nhiều lần so với trước đây; đã đưa vào nuôi một số loài thủy sản nước lạnh nhập ngoại có gía trị kinh tế cao (như cá tầm, cá hồi); hình thành các cụm nông nghiệp sinh thái ở vùng Tây Nguyên. Ở vùng Nam Trung Bộ việc áp dụng các kỹ thuật tiến bộ trong việc nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản như: đánh bắt và chế biến cá ngừ đại dương, nuôi tôm sú, tôm hùm, cua biển, rong biển… và chế biến thành các sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhìn chung việc ứng dụng KH&CN đã góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản của vùng, tạo nhiều công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo và từng bước làm giàu cho người dân trong vùng. Do đó, Bộ KH&CN cũng đang triển khai một số vấn đề như tìm hiểu công nghệ bảo quản tiên tiến của thế giới có thể áp dụng được trong Vùng thông qua đại diện KH&CN tại nước ngoài, ví dụ như công nghệ bảo quản CAS đã đang được thử nghiệm tại Khánh Hòa. Ngoài ra, còn có một số công nghệ khác như làm lạnh bằng công nghệ nano, công nghệ sản xuất đá siêu mịn bằng nước biển, nếu công nghệ này phù hợp với Vùng thì có thể nghiên cứu chuyển giao. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, để phát triển mạnh hơn nữa KH&CN vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cần chú ý một số vấn đề như xác định rõ vấn đề cần nghiên cứu để đặt hàng các đơn vị nghiên cứu, khi đã có công nghệ thì nghiên cứu chuyển giao hiệu quả vào sản xuất và đặc biệt quan tâm đến vấn đề quyền sở hữu trí tuệ và giải pháp phát triển du lịch có tính liên vùng theo hướng bền vững. Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các địa phương triển khai các vấn đề trên theo hướng phù hợp với từng địa phương trong vùng. Tin, ảnh: Hoàng Anh |