Bản in
Ứng dụng ô định vị bảo vệ sinh thái rừng
Theo đánh giá của Viện Điều tra quy hoạch rừng, hệ thống ô định vị là một biện pháp hiệu quả nhằm bảo vệ tài nguyên rừng hiện nay của Việt Nam.

Từ năm 1991, Viện Điều tra quy hoạch rừng thực hiện Chương trình điều tra đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng trên phạm vi toàn quốc chu kỳ 5 năm. Đến nay, Viện đã thực hiện được 4 chu kỳ (1991-2010) trong đó có nội dung hình thành các hệ thống ô định vị. Đến nay, Viện đã thiết lập được 3.600 ô định vị và ô sơ cấp. Sau 2010, Viện sẽ đưa số liệu cụ thể trong quá trình tính toán, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.  

Hệ thống ô định vị có vai trò quan trọng trong việc thu thập những thông tin về tài nguyên rừng trên phạm vi cả nước. Ô định vị đo đếm số loài cây, xác định chiều cao, khả năng tái sinh, nghiên cứu thổ nhưỡng, cây bụi, đưa vào tính toán khả năng tăng trưởng của rừng ở khu vực có các loài cây đó, khả năng tái sinh, diễn thế, tính toán chỉ số đa dạng sinh học, chỉ số sinh thái. Từ những số liệu đó đưa ra những căn cứ khoa học xác đáng phục vụ cho các kế hoạch sử dụng lâu bên tài nguyên rừng.

TS Nguyễn Huy Dũng, Viện Điều tra quy hoạch rừng cho rằng, để phát huy hiệu quả của hệ thống các ô định vị nên kết hợp sử dụng các ô nghiên cứu định vị vào công tác quan trắc đa dạng sinh học tại các khu rừng đặc dụng, kết hợp thông tin điều tra theo dõi thực địa tại các ô nghiên cứu để giám sát các biến động về sinh thái và đa dạng sinh học tại khu bảo tồn. Hệ thống các ô định vị nên được tăng cường cả về số lượng cũng như bổ sung nội dung thu thập thông tin để đáp ứng tốt hơn yêu cầu nghiên cứu sinh thái và quan trắc đa dạng sinh học trên cả nước.

 

Ngoài những thông tin, số liệu từ ô định vị, TS. Nguyễn Huy Dũng cho biết thêm, nên kết hợp sử dụng ô định vị với ảnh vệ tinh để thu được kết quả tốt hơn. Thực tế, mỗi giai đoạn có công nghệ ảnh khác nhau, độ phân giải khác nhau. Độ phân giải càng cao, tài liệu càng rõ nét, chính xác,…Hiện tại, chúng ta vẫn phải mua ảnh từ nước ngoài do trạm thu ảnh của ta kỹ thuật bước đầu được xây dựng chưa đáp ứng nhu cầu, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Hơn nữa, mua ảnh nước ngoài có giá thành khá cao và nhiều khi không kịp thời gian thống kê, phân tích. Do vậy, cần tăng cường đầu tư trang thiết bị cho hệ thống ảnh vệ tinh.

Nguyễn Uyên