|
|||
Nhiều diễn biến bất thường
Đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội là một đoạn sông vừa phân lạch, vừa phân lưu rất phức tạp. Nhưng phức tạp hơn là sự tác động không có uy hoạch của con người với mức độ ngày càng nhiều vào lòng sông, làm cho dòng không hoàn toàn vận động theo quy luật tự nhiên, mà bị chi phối theo yếu tố cưỡng bức. Những năm gần đây đã có những dấu hiệu dòng sông đang chuyển dòng chảy theo hướng bất lợi cho lợi ích con người. GS.TS. Lương Phương Hậu cho rằng, sự xuống cấp, hư hỏng của các công trình chỉnh trị sông và nạn khai thác cát một cách bừa bãi không có quy hoạch là hai nguyên nhân chính gây tình thế bất lợi cho đoạn sông Hồng qua Hà Nội. Nhóm nghiên cứu của đề tài “Giải pháp khoa học – công nghệ chỉnh trị đoạn sông Hồng qua Hà Nội do GS.TS. Lương Phương Hậu làm Chủ nhiệm đã tiến hành nghiên cứu và thấy rằng, các cụm công trình chỉnh trị như cụm 14 mỏ than Tầm xá được xây dựng vào những năm 1994 – 1996, đến nay đã mất hết tấm chắn, một số cọc ở các đầu mũi mỏ hàn đều bị nghiêng, gãy đổ. Tại vùng bờ hạ lưu của hầu hết các gốc mỏ hàn đều xuất hiện các vũng nước lớn, khoét sâu vào trong bờ. Hay như cụm công trình hướng dòng Phú Gia - Tứ liên cũng đang trong tình trạng hư hỏng nặng. Nơi đây, công trình hư hỏng tạo ra các bãi đá nhấp nhô, ngổn ngang giữa vùng sông nước tạo thành mối nguy hiểm cho người dân… Thạc sỹ Nguyễn Thị Hải Lý (ĐH Xây dựng Hà Nội) cho biết: "Kết quả phân tích số liệu cao trình mặt bãi tại 25 mặt cắt ngang từ năm 1979 đến nay cho thấy, cao độ trung bình bãi sông hiện nay đã cao hơn 0,7-0,8m ở bờ trái và khoảng 1m ở bờ phải. Như vậy, báo động 1 sẽ không còn là mức nước bắt đầu tràn bãi nữa. Hiện tượng này phần lớn là do cư dân trong quá trình lấn chiếm bãi sông đã tôn cao nền đất ở và đất vườn. Khi có quá nhiều vật cản trên bãi, dòng chảy lũ tràn bãi lại nông, vận tốc nhỏ sẽ gây ra bồi lắng trên bãi. Việc nâng cao cao trình mặt bãi sẽ làm thay đổi thế sông và kèm theo là giảm khả năng thoát lũ. Hiện tượng hạ thấp mực nước mùa kiệt gây khó khăn đối với giao thông thủy và lấy nước dẫn tưới đang là một loại thiên tai gây nhiều tổn thất không kém lũ lụt mà Hà Nội đang gặp phải". Đặc biệt, những năm gần đây, hiện tượng khai thác cát không có quy hoạch đã trở thành vấn nạn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng sông Hồng. Dọc tuyến sông Hồng qua khu vực Hà Nội, từ xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm kéo xuống tận Lĩnh Nam, huyện Thanh Trì, cả hai bên tả hữu có tới hàng chục điểm khai tác cát. Hàng ngày có hàng chục xe tải lớn nhỏ nối đuôi nhau chờ vào bến bốc cát, còn dưới lòng sông là các loại tàu hút dùng vòi rồng hút cát lên bãi. Nguy hiểm hơn là các loại vòi rồng này còn có thể xỉa vào thân đê, chân cầu, luồng chạy để hút cát. Việc khai thác cát bừa bãi này làm thay đổi lượng cát đến, thành phần hạt và quá trình biến đổi của nó; làm thay đổi độ dốc của đoạn sông; phá hoại trạng thái cân bằng cuả lòng dẫn đã được xác lập trong một thời gian dài, gây xói bồi ngoài quy luật…do đó, cần nhanh chóng có quy hoạch và lập lại trật tự cho hoạt động này để cứu đoạn sông Hồng qua Hà Nội. Cứu lấy “không gian vàng” của Hà Nội Đã và đang có nhiều nghiên cứu, nhiều dự án và cũng nhiều tranh cãi về vấn đề công trình ổn định lòng dẫn sông Hồng đoạn qua Hà Nội. Ổn định lòng dẫn ở thế sông có lợi nhất là tiền đề bắt buộc để thực hiện các quy hoạch khai thác đối với bất kỳ đoạn sông nào. Đoạn sông Hồng qua Hà Nội đang được quan tâm đặc biệt vì những yêu cầu đầy tham vọng trong cây dựng một thủ đô hiện đại, văn minh. Thạc sỹ Lê Đức Ngân (Viện Khoa học Thủy lợi) cho rằng, việc chỉnh trị chính là "thỏa thuận lại" với dòng sông. Theo đó, những đoạn phân lạch từ cầu Thăng Long đến cửa sông Đuống và từ cửa sông Đuống đến cầu Thăng Long có thể duy trì hai lạch nhưng cần ổn định lạch chính ở bờ trái để bảo đảm tàu chạy thuận lợi. Những đoạn bờ cong có tác dụng định hướng thế sông như đoạn Tầm Xá, Ngọc Thụy, Thanh Trì chỉ nên sử dụng giải pháp gia cố bờ trực tiếp, không nên sử dụng mỏ hàn, công trình cọc để hướng dòng chảy... Việc điều chỉnh tuyến đê tuy không có tác dụng lớn đến việc thoát lũ nhưng từ đó thành phố có thể có thêm quỹ đất cho phát triển đô thị. Riêng đối với vùng bãi, có thể chia thành ba bậc để xây dựng công trình dân sinh, khu vui chơi giải trí theo mùa và đường dạo ven sông vào mùa kiệt như một số nước đã làm rất thành công. Bên cạnh giải pháp này thì hướng giải pháp bố trí công trình trong lòng dẫn chính cũng là một trong những quan hướng quan tâm của các nhà khoa học. Giải pháp này sẽ cho phép bố trí 5 công trình chỉnh trị là: đoạn từ Thượng Cát đến cầu Thăng Long; đoạn từ cầu Thăng Long đến cửa Đuống; đoạn từ cửa Đuống đến cảng Hà Nội; đoạn từ cảng Hà Nội đến cống Xuân Quan và cuối cùng là đoạn cong Duyên Hà đến Ninh Sở. Biện pháp cuối cùng được đề cập đến là giải pháp vùng bến bãi. Phương pháp này yêu cầu cần điều chỉnh tuyến đê cho phù hợp. Trong tình hình hiện nay, việc điều chỉnh tuyến đê ở mức độ nào đó có thể cải thiện được chế độ dòng chảy nhưng không có tác dụng lớn thoát lũ mà mà chủ yếu phục vụ khai thác vùng bãi. Điều đó cũng rất cần cho việc cải tạo bộ mặt thủ đô trên đoạn sông Hồng. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là khi đã điều chỉnh tuyến đê thì nhất thiết phải dỡ bỏ đê cũ và giải toả toàn bộ cư dân trên bãi sông. Trong giải pháp vùng bãi nhóm nghiên cứu đề tài cũng đã đưa ra giải pháp khác là giải pháp khai thác vùng bãi theo 3 bậc cao trình. Theo đó, thềm bãi sông được chia thành 3 bậc cao trình: bậc +11,5m có thể xây dựng công trình nhà cửa; bậc +10m là khu vực vui chơi giải trí theo mùa và +8m là đường ven sông mùa kiệt. Theo GS.TS. Lương Phương Hậu, bên cạnh những giải pháp khoa học và công nghệ trên thì việc làm cấp bách phải thực hiện sớm để cứu lấy đoạn sông Hồng qua Hà Nội là cần có ngay một quy chế cụ thể quản lý tác động đối với sông Hồng qua địa phận Hà Nội và xúc tiến thực hiện việc xây dựng một bảo tàng sinh thái cho sông Hồng… Việt Nam đang có một đội ngũ các nhà khoa học chỉnh trị sông và Viện nghiên cứu lớn, nếu cho có cơ hội thì các nhà khoa học sẽ làm được những yêu cầu cấp bách để sông Hồng mãi là không gian “vàng” cho hoạt động kinh tế - xã hội cho Thủ đô ngàn năm văn hiến. Phương Hoàn
|