Bản in
Khỏi bệnh ung thư nhờ một đề tài khoa học
Chị Nguyễn Thị Sau thoát khỏi căn bệnh ung thư sau khi được chữa bằng phương pháp điều trị ung thư bằng hóa trị liều cao, điều trị đích, kết hợp với ghép tế bào gốc tạo máu tự thân cho phép tiêu diệt tận gốc tế bào ung thư. Thành công nói trên là kết quả một đề tài khoa học lần đầu ứng dụng tại Bệnh viện T.Ư Huế. Từ đây mở ra triển vọng áp dụng cho nhiều người bị bệnh hiểm nghèo như ung thư vú và ung thư buồng trứng.

Chị Nguyễn Thị Sau (52 tuổi), quê ở Thủy Tân, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) trông già nua, khắc khổ. Người phụ nữ lam lũ, tần tảo ấy chưa được hưởng thành quả lao động thì đã mắc căn bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn muộn (IIIC).

Chưa hết bàng hoàng, chị Sau kể lại câu chuyện của mình hai năm về trước: Lúc ấy, thấy bụng cứ đau đau, rồi càng ngày càng to lên cho nên tôi đi khám. Khi bác sĩ thông báo tôi bị ung thư buồng trứng, tôi tưởng "trời đất như sập xuống".

Hai vợ chồng chị Sau làm nghề nông, hết mùa thì đi phụ thợ nề kiếm tiền nuôi con ăn học.
Hơn 20 triệu đồng dành dụm mãi mới có được nhanh chóng cạn kiệt khi chị Sau phải dùng số tiền nói trên để ba lần làm hóa trị trong gần ba tháng.

Trong suốt thời gian chị ở bệnh viện, chồng chị phải ở lại bệnh viện chăm sóc, không đi làm được, tiền bạc trong nhà ngày càng cạn kiệt. Hai vợ chồng bàn nhau xin bác sĩ tạm thời ra viện, trở về quê. Sáu tháng sau, tích cóp, chạy vạy ngược xuôi vay mượn được ít tiền, chị Sau trở lại Bệnh viện T.Ư Huế chuẩn bị cho ca phẫu thuật.

Không như mong đợi của chị Sau, ca phẫu thuật không thực hiện được khi kích thước khối u buồng trứng hai bên quá lớn, có nhiều nốt sùi dễ chảy máu và xâm lấn nhiều tổ chức trong ổ bụng. Các bác sĩ tiên lượng, sự sống của chị chỉ đếm được từng ngày. Bởi lẽ, điều trị củng cố bằng hóa trị liều cao không áp dụng được với trường hợp chị Sau khi sức khỏe quá yếu, dễ rơi vào tình trạng suy đa phủ tạng, thậm chí suy tủy không hồi phục, dẫn đến tử vong. Khi chuẩn bị khăn gói về quê, chị Sau bất ngờ nhận được tin vui của bác sĩ trực tiếp điều trị: Chị sẽ là người đầu tiên được Bệnh viện T.Ư Huế cho miễn phí chữa bệnh theo phương pháp chữa trị mới.

PGS, TS Nguyễn Duy Thăng, Phó Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế cho biết: "Khi bảo vệ đề tài khoa học sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân để điều trị ung thư trước Hội đồng cấp Nhà nước, các chuyên gia đầu ngành về ung thư và các chuyên ngành khác liên quan vấn đề ung thư vú và ung thư buồng trứng có những quan điểm khác nhau, nhưng tôi tuyên bố chịu trách nhiệm trước người bệnh, trước pháp luật và trước khoa học, đó là khó khăn đầu tiên. Vì phương pháp này chưa bao giờ triển khai ở Việt Nam cho nên để người bệnh hiểu được là vấn đề khó nhất. Nhiều người bệnh đang điều trị lại bỏ giữa chừng cho nên phải thuyết phục cả gia đình, người bệnh và hỗ trợ mọi phương tiện thuận lợi nhất để họ cùng hợp tác. Khó nữa là phải huy động tập thể hoạt động nhịp nhàng phục vụ người bệnh.

Sau khi được gia đình đồng ý áp dụng phương pháp mới, chị Sau được chuyển sang Trung tâm Huyết học - Truyền máu để huy động và thu thập đủ số lượng tế bào gốc máu ngoại vi cần thiết. Các tế bào gốc được bảo quản trong bình ni-tơ lỏng và sẵn sàng ghép trở lại cho người bệnh nếu xảy ra biến chứng suy tủy không hồi phục do hóa trị liều cao và điều trị đích. Theo các bác sĩ ở Bệnh viện T.Ư Huế, chưa có ca mổ nào cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các khoa từ sản phụ, trung tâm ung bướu, trung tâm huyết học và truyền máu, trung tâm tim mạch đến gây mê hồi sức... như trường hợp của chị Sau.

Phương pháp điều trị ung thư bằng hóa trị liều cao, điều trị đích, kết hợp với ghép tế bào gốc tạo máu tự thân cho phép tiêu diệt tận gốc các tế bào ung thư di căn. Khi bắt đầu hóa trị liều cao, có nghĩa là gấp ba đến bốn lần điều trị thông thường, chị Sau rơi vào tình trạng suy tủy hoàn toàn mà không hồi phục. Trước đây, khi điều trị hóa chất và điều trị hóa trị liều cao, người bệnh thường không chịu nổi và suy đa phủ tạng, thậm chí có giai đoạn suy tủy, dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, Bệnh viện T.Ư Huế có trung tâm sản xuất từ tế bào gốc tự thân của người bệnh để có thể hỗ trợ khi điều trị liều cao. Vì vậy, với phương pháp mới, các bác sĩ tách tế bào gốc của chị Sau để giữ lại. Sau khi tiêu diệt tế bào ung thư, lúc này tủy của bệnh nhân bị sụt, do vậy các bác sĩ ghép tủy trở lại.

Ưu điểm của phương pháp này là có thể hóa trị với liều cao hơn nhiều so với liều cơ bản vì thế các tế bào ung thư bị tiêu diệt triệt để hơn mà không sợ biến chứng suy tủy vì đã có tế bào gốc tự thân (của chính người bệnh) dự trữ sẵn để ghép vào khi xảy ra biến chứng.

Theo PGS, TS Nguyễn Duy Thăng, vấn đề sống còn của người bệnh là phải ở trong môi trường vô trùng tuyệt đối trong thời gian kéo dài hằng tháng để ghép tủy, truyền các chế phẩm máu, hồng cầu, tiểu cầu. Bởi lẽ, người bệnh gần như không còn sự bảo vệ nào, chỉ cần nhiễm trùng sẽ dẫn đến tử vong. Lợi thế là Bệnh viện T.Ư Huế có địa điểm thực hiện vô trùng tuyệt đối (Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn). Các y sĩ, bác sĩ phải tuân thủ chế độ nghiêm ngặt sau khi qua ba lần vô trùng khác nhau mới đến điều trị cho người bệnh.

TRẢI qua hơn ba tháng điều trị, chị Sau được hóa trị hai đợt. Có những lúc tưởng chừng thất bại khi cơ thể người bệnh suy kiệt, song đội ngũ y tá, bác sĩ đã xử lý kịp thời trong những diễn biến phức tạp của bệnh để đem lại sự sống cho chị Sau, mở ra nhiều cơ hội cho những người bệnh nữ ung thư khác.

PGS, TS Nguyễn Duy Thăng cho biết thêm: Trong thời gian tới, Bệnh viện T.Ư Huế sẽ tiếp tục điều trị cho người bệnh ung thư vú và ung thư buồng trứng trong trường hợp những phương pháp điều trị thông thường bế tắc nhằm kéo dài thời gian cho người bệnh sống tốt và có thể lao động gần như người bình thường. Sau khi thực hiện thành công đối với chị Sau, nhiều người bệnh ung thư vú và buồng trứng đã đến đăng ký thực hiện. Trước mắt, bệnh viện mới ứng dụng miễn phí cho mười người bệnh tiếp theo.

Xuất phát từ những thất bại trong công tác điều trị cho những người bệnh ung thư vú và ung thư buồng trứng giai đoạn muộn (III-IV, nghĩa là đã bị di căn nhiều cơ quan, tỷ lệ tử vong cao), nhóm bác sĩ tại Bệnh viện T.Ư Huế đã thực hiện thành công Đề tài cấp nhà nước độc lập đầu tiên "Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng" do PGS, TS, BS Nguyễn Duy Thăng làm chủ nhiệm đề tài, được Bộ Khoa học và Công nghệ giao Bệnh viện T.Ư Huế thực hiện. Thành công của đề tài mở ra phương pháp mới trong điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng nói riêng và ngành ung thư Việt Nam nói chung.