Bản in
Gần 900 nhiệm vụ được thực hiện tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc
Là một trong những kết quả nổi bật trong lĩnh vực KH&CN được đưa ra tại Hội nghị Giao ban KH&CN các tỉnh trung du miền núi phía Bắc lần thứ XV do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức ngày 4/7 tại Bắc Kạn.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đánh giá cao việc đưa nhanh các kỹ thuật tiến bộ vào trồng trọt (nông lâm nghiệp), chăn nuôi (gia súc và nuôi trồng thủy sản cá nước lạnh); tập trung nghiên cứu cây dược liệu, rau bản địa, rau hoa chất lượng cao, giống lai có năng suất cao, chất lượng tốt đưa vào sản xuất,…  trong vùng thời gian qua. Trong đó, có các hoạt động nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế sử dụng đất nông nghiệp; công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giới thiệu mô hình KH&CN, đặc biệt là việc cải tiến, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong các doanh nghiệp, làm tăng năng lực canh tranh trên thị trường.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc Hội nghị

Mục tiêu của Hội nghị nhằm đánh giá kết quả hoạt động KH&CN của vùng và từng địa phương trong vùng giai đoạn 2012 – 2014; kết quả các hoạt động KH&CN phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương; tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển tiềm lực KH&CN (tổ chức, nhân lực, tài chính,…); trao đổi kinh nghiệm về tổ chức quản lý hoạt động KH&CN; trao đổi, thảo luận các biên pháp giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực tế triển khai các hoạt động KH&CN; những biện pháp đẩy mạnh chuyển giao và nhân rộng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất đời sống; định hướng công tác của hoạt động khoa học và thực tiễn đề xuất giải pháp khai thác tiềm năng thế mạnh của vùng,…

Thứ trưởng thông báo tại Hội nghị một số cơ chế chính sách mới trong lĩnh vực KH&CN như: Luật KH&CN năm 2013 và có hiệu lực thi hành từ tháng 1/1/2014; Bộ KH&CN đang tham mưu  cho Chính phủ ban hành các Nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành luật (hiện nay đã có 4/5 Nghị định đã được Chính phủ ban hành). “Đây chính là những hành lang pháp lý quan trọng cần được triển khai, tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển KH&CN của đất nước trong thời gian tới” Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo báo cáo tại Hội nghị, giai đoạn 2012-2014, các sở KH&CN thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã tích cực, chủ động tham mưu cho tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh trong vùng ban hành 47 văn bản pháp quy về KH&CN ở địa phương và tích cực triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN ở Trung ương và địa phương. Nguồn nhân lực của 14 sở KH&CN vùng trung du và miền núi phía Bắc có 1.001 người, trong đó có 10 tiến sỹ, 104 thạc sỹ, 672 người có trình độ đại học. Tổng kinh phí sự nghiệp khoa học được Trung ương bố trí cho 14 tỉnh trong vùng giai đoạn 2012-2014 là 652,364 tỷ đồng (6/14 tỉnh được UBND tỉnh cân đối kinh phí cao hơn mức Trung ương phân bổ, 6/14 được UBND tỉnh cân đối kinh phí bằng mức Trung ương phân bổ, 2 tỉnh bố trí kinh phí không đạt mức kinh phí Trung ương phân bổ).

Toàn cảnh Hội nghị

Trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, giai đoạn 2012-2014, các tỉnh trong vùng đã thực hiện 878 nhiệm vụ KH&CN, trong đó có 423 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 48,18%), 123 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ (chiếm 14,01%), 232 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (chiếm 26,42%), 71 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học y dược (chiếm 8,09%), 29 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên (chiếm 3,03%).

Các nhiệm vụ KH&CN được triển khai thực hiện đã bám sát các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với chủ trương các nhiệm vụ KH&CN ở địa phương phải tập trung theo hướng ứng dụng là chính nên nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tế sản xuất và đời sống (số lượng các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng và triển khai nhân rộng tăng, trung bình đạt 50-70% tổng số các kết quả nghiên cứu ứng dụng).

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH&CN của vùng trung du và miền núi phía Bắc cũng còn một số tồn tại cần có giải pháp khắc phục: các địa phương mới chỉ bố trí đạt gần 62% vốn đầu tư phát triển do Trung ương cân đối thông qua ngân sách địa phương; việc bố trí kinh phí sự nghiệp khoa học cho các nhiệm vụ KH&CN ở một số địa phương còn mang tính dàn trải, chưa có nhiều địa phương xây dựng được các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm phục vụ phát triển các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có tính liên tỉnh, liên vùng; công tác xã hội hóa trong hoạt động KH&CN chưa được đẩy mạnh, nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước chi cho KH&CN còn thấp; hoạt động nghiên cứu triển khai trong các doanh nghiệp chưa được đẩy mạnh; nhiều sản phẩm có thế mạnh của vùng chưa được đầu tư phát triển một cách thỏa đáng.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá những kết quả và tồn tại trong hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN như: tiêu chuẩn đo lường chất lượng, quản lý công nghệ và an toàn bức xạ hạt nhân, sở hữu trí tuệ, thông tin KH&CN, thanh tra KH&CN, hoạt động KH&CN cấp huyện; tập trung thảo luận một số vấn đề: tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển tiềm lực KH&CN, trao đổi kinh nghiệm về tổ chức quản lý hoạt động KH&CN, những giải pháp đẩy mạnh chuyển giao và nhân rộng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống, định hướng công tác KH&CN giai đoạn 2014-2016…

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng biểu dương những thành tích trong hoạt động KH&CN trong vùng thời gian qua, tuy nhiên,  hoạt động KH&CN của các tỉnh trung du miền núi phía Bắc cần tiếp tục tập trung triển khai thực hiện một cách đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật của Đảng và Nhà nước về KH&CN (đặc biệt là Nghị quyết lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Luật KH&CN năm 2013 và các nghị định, thông tư hướng dẫn và một số văn bản quan trọng khác); sử dụng hiệu quả cơ chế quỹ tại địa phương; đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng các hoạt động về bảo hộ, chỉ dẫn địa lý; nâng cao tỷ lệ các đề tài/dự án được triển khai và nhân rộng vào thực tế sản xuất và đời sống; tăng cường sự phối hợp giữa UBND tỉnh và Bộ KH&CN mà đầu mối là các sở KH&CN với các đơn vị chức năng trong Bộ,...

Tin, ảnh: Ngũ Hiệp – Bùi Hiếu