|
|||
Thưa Bộ trưởng, tôi là một ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương, cá tôi bắt lên rất tươi ngon, tuy nhiên, giá thành bán ra chỉ được bằng có 1/3, 1/4 so với cá ngừ cùng loại của Nhật Bản. Qua tìm hiểu thông tin, tôi biết rằng nguyên nhân là cách đánh bắt, bảo quản và chế biến chưa chuẩn nên giá cá bán không được cao. Vậy, Bộ KH&CN sẽ có hướng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đánh bắt, bảo quản như thế nào để cá chúng tôi đánh bắt sẽ bán được giá cao hơn? Bộ trưởng Nguyễn Quân: Trước hết chúng ta thấy rằng, điều này xuất phát từ thực tế ở ngành ngư nghiệp với quy mô còn nhỏ lẻ. Chúng ta chưa có nhiều tàu đánh bắt cỡ lớn với trang bị dịch vụ đầy đủ để bảo quản sơ bộ cá ngừ ngay sau khi đánh bắt, trong khi thời gian từ biển về đến đất liền mất nhiều ngày, do vậy khi về đến bờ cá đã bị mất phẩm chất, giảm giá trị và chỉ bán với giá trị chỉ bằng 1/3 - 1/4 giá trị tươi ngon của cá. Vấn đề này cũng đã được Bộ KH&CN quan tâm. Cách đây 2 năm, Bộ đã tiếp nhận một công nghệ của Nhật Bản, công nghệ này không chỉ để bảo quản cá ngừ mà còn giúp một số loại quả, thủy hải sản khác có thể bảo quản lâu dài mà vẫn giữ được vị tươi ngon như vừa mới đánh bắt.Công nghệ trên đang được thí nghiệm trên tôm sú, cá ngừ, vải và một số loại quả khác. Hiện tại Bộ KH&CN vẫn đang vẫn tiếp tục tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ phía Nhật Bản, trước mắt chúng tôi hợp tác với tỉnh Phú Yên xây dựng một nhà máy bảo quản cá ngừ cho Phú Yên và Bình Định. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng ta vẫn cần có một quy trình đánh bắt chặt chẽ đối với sản phẩm đánh bắt tại ngoài khơi đến khi quay vào bờ. Để hướng tới đánh bắt bền vững, nâng cao năng suất và giá trị chất lượng hải sản, chúng tôi cũng dự kiến sẽ làm một tàu dịch vụ để bảo quản cá ngừ đại dương ngay ở trên biển, có thể bảo quản cho cá ngừ loại 1 nhằm tạo điều kiện cho xuất khẩu. Tuy nhiên, để có một tàu dịch vụ như vậy, cũng cần có sự hỗ trợ của nhà nước trong thời gian tới. Hiện nay, phía Nhật Bản đã bước đầu chuyển giao công nghệ trên theo từng lộ trình, đầu tiên là việc bảo quản sơ bộ. Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng sẽ tiến hành nghiên cứu quy trình làm đá lạnh từ nước biển để có nhiệt độ làm lạnh sâu hơn, giúp cho việc bảo quản cá ngừ ở mức sơ chế tốt hơn trong tương lai. Thưa Bộ trưởng, tôi là một người trồng tỏi ở Quảng Ngãi. Vất vả lắm mới trồng được cây tỏi nhưng giá bán chỉ được có 30 nghìn, nhiều nhất là 50 nghìn đồng/kg. Tôi nghe nói, chỉ với một quy trình công nghệ có thể biến tỏi trắng thành tỏi đen, giá bán có thể lên tới 5 triệu đồng/kg. Tôi cũng được biết, ở Việt Nam đã nghiên cứu thành công công nghệ này, vậy tại sao không được ứng dụng chuyển giao để nâng giá trị sản phẩm cho những người nông dân? Việc chế biến tỏi trắng sang tỏi đen xuất phát từ công nghệ của Nhật Bản với hai đề tài nghiên cứu cấp nhà nước. Thời gian qua, Bộ KH&CN đã giao cho Học viện Quân y nghiên cứu và đã thành công trong việc chế biến tỏi trắng thành tỏi đen. Quy trình công nghệ chỉ đơn giản là lên men với nhiệt độ thích hợp để chuyển từ tỏi trắng sang đen, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa thể ứng dụng vào đại trà được, nguyên nhân xuất phát từ hai vấn đề: Thứ nhất, tỏi làm dưới dạng quy mô công nghệ, dược liệu, công nghệ dược phẩm hoặc là dùng cho quy mô công nghiệp phải được trồng theo quy trình khoa học đảm bảo chất lượng. Ví dụ, giống phải đồng đều, công nghệ bảo vệ thực vật phải đảm bảo an toàn, hệ thống chế biến, bảo quản hoàn chỉnh. Vấn đề này không phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng có thể làm được nếu như không đảm bảo được đầu ra. Thứ hai, công nghiệp dược phẩm của Việt Nam hiện nay chưa đủ năng lực để tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm, vì thế các doanh nghiệp cũng e ngại trong quá trình đầu tư, bởi họ không nhìn thấy lợi nhuận mang lại. Hiện nay, Học viện Quân y đã làm chủ công nghệ này. Nếu doanh nghiệp nào ở vùng trồng tỏi có mong muốn xây dựng một dây truyền chế biến tỏi phục vụ bà con nông dân, chúng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ trên, đồng thời, sẵn sàng hợp tác với đơn vị đó để đầu tư dây truyền chế biến tỏi trắng thành tỏi đen nhằm tạo điều kiện cho bà con có cơ hội nâng cao giá thành sản phẩm, đem lại ích kinh tế cao hơn. Thưa Bộ trưởng, mới đây, xem điểm báo ở Bản tin tài chính kinh doanh tôi thấy có thông tin ở bên Nhật Bản, 5 quả vải có giá bán cả mấy trăm nghìn. Vậy mà cả 1kg vải của chúng tôi bán ra ở đây chỉ có được 7 nghìn đến 8 nghìn đồng. Chúng tôi bỏ nhiều công sức vất vả chăm bón, đến vụ thu hoạch lại phải bán đổ bán tháo, chịu lỗ vì quả chín thu hoạch không để được lâu. Bộ trưởng có cách nào giữ được vải tươi lâu để chúng tôi có thể mang vải sang Nhật bán với giá trị cao hơn không? Chúng tôi chia sẻ những khó khăn của người nông dân khi phải bán đổ bán tháo những sản phẩm với giá nhiều khi không bù được chi phí sản xuất phải bỏ ra. Chính vì điều này, cách đây 2 năm, Bộ KH&CN đã hỗ trợ vùng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhờ đó giá bán đã cao hơn, bà con cũng bớt phải bán vải ồ ạt vào vụ chín rộ. Tuy nhiên, đó mới chỉ là giải pháp ngắn hạn. Về lâu dài, chúng tôi vẫn mong muốn có một công nghệ bảo quản sau chế biến. Hai năm trước, Bộ KH&CN đã hợp tác với Nhật Bản trong việc nhập công nghệ CAS (Công nghệ bảo quản tế bào sống) giúp bảo quản sản phẩm sau thu hoạch trong thời gian rất dài, thậm chí lên đến chục năm nhưng vẫn giữ được tươi nguyên như khi vừa được thu hoạch, sản xuất. Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân phát biểu tại buổi Lễ khánh thành Phòng thí nghiệm công nghệ CAS. (Ảnh: Ngũ Hiệp) Việc triển khai công nghệ này đến nay đã kết thúc giai đoạn 1 - nhập khẩu công nghệ từ Nhật Bản, hiện nay, chúng tôi đã thí nghiệm thành công với 3 sản phẩm gồm: quả vải, tôm sú và cá ngừ. Đối với quả vải, Bộ đang đàm phán với phía Nhật Bản, bởi lọai quả này, nếu như xuất sang các nước phát triển, phải qua nhiều công đoạn kiểm tra gắt gao. Chúng tôi đang thí điểm chuyển cho họ sản phẩm mẫu, sau khi kiểm tra, nếu họ chấp nhận tiêu thụ thì chúng tôi mới tiến hành ký hợp đồng. Tuy nhiên, ngay cả khi được các thị trường được coi là khó tính chấp nhận, đặc biệt là việc đưa sản phẩm vải vào một quốc gia có tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn rất cao như Nhật Bản và các nước Châu Âu khác là vấn đề không dễ dàng. Để phát triển chất lượng mang tính bền vững, người nông dân trồng vải ở nước ta cần phải hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng hiện đại, gieo trồng chăm bón theo tiêu chuẩn trước mắt là Việt GAP, sau đó là tiêu chuẩn Global - chuẩn quốc tế. Một tín hiệu đáng mừng là năm nay, Công-ten-nơ đầu tiên với 10 tấn vải thiều Lục Ngạn sẽ được xuất sang thị trường Nhật Bản tuần tới. Nếu sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn của nước bạn, năm sau, chúng tôi sẽ hỗ trợ người dân xuất khẩu nhiều hơn sản phẩm trên. Thưa Bộ trưởng, trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời lần trước, tôi có thấy Bộ trưởng có nói là đã đầu tư nhiều triệu đô la cho đề án bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp, vậy xin Bộ trưởng cho biết đề án ấy đi đến đâu rồi và ở đâu rồi? Địa phương tôi cũng đang làm đề án mua công nghệ chế biến sau thu hoạch bảo quản quả vải, vậy đề án Trung ương có chồng chéo lên đề án địa phương không? Đơn vị nào quy hoạch và liệu có lãng phí không? Đúng là có đề án như vậy, như trên tôi đã nói, đó là công nghệ CAS. Tôi cũng xin đính chính thông tin trong câu hỏi trên là: đề án đó không phải là nhiều triệu USD mà chưa tới 1 triệu USD, bao gồm cả công đoạn nhận chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ cũng như tiến hành các thí nghiệm ban đầu để làm chủ công nghệ chuyển giao. Trong giai đoạn 2 và 3 chúng tôi sẽ nhận chuyển giao toàn bộ công nghệ này. Hy vọng thời gian tới, sẽ có các doanh nghiệp đầu tư công nghệ trên nhằm góp phần mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho bà con nông dân. Về việc địa phương đầu tư mua công nghệ, tôi khẳng định là không có sự chồng chéo. Tập đoàn ABI của Nhật Bản đã thỏa thuận với Bộ KH&CN, và Bộ KH&CN Việt Nam là đầu mối duy nhất chuyển giao công nghệ này để từ đó hợp tác chuyển giao cho doanh nghiệp. Nếu địa phương nào muốn có công nghệ này, phải hợp tác với Bộ KH&CN. Như vậy, không có chuyện địa phương và Trung ương cùng đầu tư, bà con yên tâm, không có chuyện lãng phí như vậy. Ngũ Hiệp (Ghi) |