Bản in
Ứng dụng công nghệ truyền hình lai ghép băng rộng và quảng bá
Công nghệ này là sự kết hợp giữa truyền hình quảng bá và truyền hình internet tạo ra ưu thế vượt trội so với từng công nghệ truyền hình riêng lẻ.

Ngày 30/5 tại Hà Nội, Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.01/11-15 – Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức phiên họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước đề tài Nghiên cứu ứng dụng công nghệ truyền hình lai ghép băng rộng và quảng bá (HbbTV) mang mã số KC.01.11/11-15. Đề tài do nhóm của Th.S Trần Nam Trung (VTV Broadcom) làm chủ nhiệm.

Theo nhóm nghiên cứu, công nghệ truyền hình lai nghép BbbTV kết hợp cả hai công nghệ gồm truyền hình quảng bá và truyền hình internet trên cùng một nền tảng thống nhất với việc phân phối dữ liệu hợp lý, tạo ra ưu thế vượt trội so với từng công nghệ truyền hình riêng lẻ.

Công nghệ này cho phép khách hàng có thể xem đồng thời truyền hình quảng bá truyền thống và truyền hình internet thông qua các thiết bị đầu cuối truyền hình như Smart TV hoặc thiết bị truyền hình cũ kết hợp với bộ giải mã đầu thu (Set-top box). Hiện công nghệ HbbTV đã được triển khai cung cấp các kênh truyền hình tại Đức, Pháp,…

Do đó, truyền hình HbbTV vừa khắc phục đặc điểm không có kênh tương tác ngược của truyền hình quảng bá, vừa không đòi hỏi băng thông đường truyền internet phải lớn, người sử dụng chỉ cần dùng đường truyền internet thông thường của hộ gia đình cũng có thể đáp ứng được các ứng dụng, dịch vụ.
Một hệ thống truyền hình HbbTV bao gồm 03 thành phần chính gồm: hệ thống truyền hình quảng bá; hệ thống truyền hình internet và thiết bị đầu cuối lai nghép.

Căn cứ vào những nghiên cứu lý thuyết về công nghệ truyền hình lai ghép HbbTV, nhóm đề tài đã xây dựng mô hình hệ thống HbbTV bao gồm: hệ thống phát quảng bá; hệ thống datacenter và ứng dụng; đầu thu HbbTV.
Mục tiêu của HbbTV thu được là: xây dựng thành công 01 hệ thống truyền hình HbbTV trong phòng thí nghiệm gồm hệ thống truyền hình quảng bá phát video/audio và báo tín hiệu HbbTV, hệ thống server lưu trữ ứng dụng tương tác và dữ liệu trên internet; tự thiết kế, chế tạo thành công đầu thu HbbTV; xây dựng các ứng dụng tương tác cơ bản cho hệ thống.

Cũng theo Th.S Trần Nam Trung, đề tài KC.01.11/11-15 đã thực hiện thành công các mục tiêu nghiên cứu trong việc xây dựng hệ thống truyền hình lai ghép HbbTV thử nghiệm tại Việt Nam. Công nghệ trên sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển các dịch vụ ứng dụng, dịch vụ gia tăng trên truyền hình nhằm đem lại nhiều lợi ích đối với khách hàng sử dụng. Kết quả của đề tài là cơ sở để nhóm nghiên cứu tiến hành xây dựng hệ thống phát sóng HbbTV trên quy mô toàn quốc trên cơ sở hạ tầng truyền hình số mặt đất DVB-T2 và truyền hình số cáp DVB-C của Đài Truyền hình Việt Nam.

Tin, ảnh: Ngũ Hiệp