Bản in
Truyền thông KH&CN: kinh nghiệm từ các nước trên thế giới
Hoạt động truyền thông Khoa học và Công nghệ (KH&CN) là lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam, vì vậy việc học tập kinh nghiệm truyền thông KH&CN của các nước trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản, Úc… – một trong những nước triển khai thành công hoạt động truyền thông KH&CN là hết sức quan trọng.

Kinh nghiệm của các nước này sẽ góp phần cung cấp cho Việt Nam những ý tưởng mới có thể vận dụng linh hoạt, hiệu quả và phù hợp với hoàn cảnh thực tế của mình nhằm tạo ra những bước đột phá cho hoạt động truyền thông KH&CN.

Từ kinh nghiệm từ các nước lớn

Nhật Bản là quốc gia hàng đầu thế giới về KH&CN, nhờ có KH&CN mà Nhật Bản trở thành một cường quốc về kinh tế, là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ ba toàn cầu sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hiện nay, Nhật Bản là đất nước sở hữu nhiều nhà khoa học đạt giải Nobel nhất ở Châu Á.

Theo Cục KH&CN Nhật Bản (JST) thuộc Bộ Giáo dục – Văn hóa – Thể thao – KH&CN (MEXT), lĩnh vực KH&CN luôn được Chính phủ Nhật Bản quan tâm và dành một khoản ngân sách lớn, trong đó kinh phí dành cho các hoạt động thúc đẩy truyền thông KH&CN  và phổ biến thông tin KH&CN khoảng 10 – 15% tổng chi ngân sách cho KH&CN. Bên cạnh ngân sách nhà nước, sự đầu tư cho hoạt động KH&CN và truyền thông của các tổ chức, doanh nghiệp cũng luôn được ưu tiên.

Là nước có nền KH&CN phát triển, Nhật Bản hiểu rất rõ muốn phát triển KH&CN thì không chỉ chú trọng đầu tư trực tiếp cho nghiên cứu phát triển hay đội ngũ các nhà khoa học, mà về lâu dài cần phải tạo dựng được một xã hội có tinh thần khoa học “ khoa học trong xã hội, xã hội vì khoa học” và phấn đấu đưa “đưa khoa học trở thành một văn hóa lớn”. Để làm được điều này, Nhật Bản đã xác định cần phải thúc đẩy hoạt động truyền thông KH&CN.

Từ năm 1958, ngay sau “cú sốc Spunik” (sự kiện Liên Xô phóng thành công Sputnik 1, vệ tinh nhân tạo đầu tiên), Cục KH&CN Nhật Bản lần đầu tiên xuất bản “Sách Trắng” về KH&CN. Đây là ấn phẩm phản ánh bức tranh toàn cảnh về hiện trạng phát triển KH&CN hàng năm của Nhật Bản, cung cấp các thông tin mới nhất về KH&CN trong nước và thế giới. Nhật Bản thường xuyên chú trọng đổi mới nội dung của Sách Trắng, với mục tiêu tạo được sự ghi nhận của công chúng về KH&CN và thúc đẩy khai sáng tư duy khoa học, nhận thức của thế hệ trẻ. Từ năm 1960, Nhật Bản đã tổ chức “Tuần lễ KH&CN Quốc gia” vào tháng 4 hàng năm với hàng loạt các sự kiện được tổ chức trên khắp đất nước Nhật Bản nhằm lôi cuốn và truyền cảm hứng cho mọi người dân ở mọi lứa tuổi đến với KH&CN. Đây là dịp để người dân có thể đi thăm các viện bảo tàng khoa học, dự triển lãm khoa học, tham quan các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm, nghe các nhà khoa học thuyết trình,… Những năm 1980 đến năm 2000 là giai đoạn “bùng nổ” các bảo tàng khoa học ở Nhật Bản, chỉ trong vòng 20 năm (1981-2000) đã có đến 275 bảo tàng được xây dựng. Từ năm 1992, Nhật Bản có thêm festival khoa học cho giới trẻ, tổ chức nhiều buổi trình diễn, triển lãm, hội thảo,…với nhiều chủ đề lôi cuốn giới trẻ.

Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản còn thường xuyên đổi mới nội dung và phương pháp truyền thông về KH&CN. Trong đó, đẩy mạnh mô hình phối hợp giữa các viện, trung tâm nghiên cứu với các trường phổ thông, trường đại học nhằm thúc đẩy sự tương giao giữa các nhà khoa học với học sinh, sinh viên. Đặc biệt, hình thành các quán “cà phê khoa học” nơi sinh hoạt, giao lưu giữa các nhà khoa học với công chúng. Họ đến đó vừa ăn uống, vừa trò chuyện, trao đổi các thông tin KH&CN hoặc dự các buổi nói chuyện về lĩnh vực KH&CN chuyên sâu.

Điểm “thú vị”nữa là Nhật Bản cũng thay đổi cả quan điểm về việc tôn vinh, tạo dựng hình ảnh nhà khoa học. Không chỉ xây dựng tượng đài hoặc in chân dung các nhà khoa học lớn trên tiền giấy, Nhật Bản còn đưa hình ảnh họ lên chai rượu hoặc lon bia. Điều này, cho thấy truyền thông khoa học Nhật Bản đang tiến hết mức đến sự gần gũi với cuộc sống.

Ngoài ra, cứ mỗi tháng một lần, Cục KH&CN Nhật Bản lại tổ chức họp báo giới thiệu những vấn đề nổi cộm về KH&CN. Hàng năm, có hơn 1.000 bài báo được đăng trên các báo, tạp chí có nội dung về KH&CN. Các đơn vị quản lý KH&CN phối hợp với các tổ chức KH&CN dày công tạo nên mạng lưới các website. Dù ở bất kỳ đâu, người dân Nhật Bản cũng có thể truy cập được rất nhiều thông tin về KH&CN.

Có thể nói, ở Nhật Bản truyền thông KH&CN đã có những bước tiến dài và thực sự góp phần to lớn vào phát triển KH&CN để công chúng thấy được KH&CN có ý nghĩa, hấp dẫn và đầy đam mê.

Cũng như các nước phát triển, Chính phủ Úc cũng luôn quan tâm, chú trọng đến phát triển KH&CN, với quan điểm KH&CN là yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc duy trì, nâng cao chất lượng xã hội, kinh tế và môi trường. Vì thế truyền thông KH&CN cũng là một bộ phận không thể thiếu được trong chiến lược phát triển KH&CN của Úc.

Hoạt động truyền thông KH&CN, quảng bá các sản phẩm công nghệ mới luôn được Chính phủ Úc cũng như các tổ chức, doanh nghiệp dành sự quan tâm, đầu tư phát triển. Trung tâm KH&CN Questacon là đầu mối Trung ương về lĩnh vực truyền thông KH&CN, là trung tâm giáo dục khoa học hàng đầu của Úc. Questacon có khoảng 4.500 hiện vật trưng bày, thu hút khoảng 450.000 người dân đến tham quan. Questacon là đầu mối Trung ương hiện đang triển khai các hoạt động truyền thông KH&CN trong cả nước như: Tuần lễ khoa học quốc gia; Gánh xiếc khoa học; Quỹ Khai mở tiềm năng Australia; Giải thưởng của Thủ tướng về khoa học;…

Úc đã liên tục đầu tư cho các chương trình truyền thông KH&CN từ năm 1988 khi đưa ra chương trình nâng cao nhận thức về KH&CN, tiếp đó là Chiến lược quốc gia nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo năm 2001 và Chương trình kết nối khoa học năm 2006.

Ông Brenton Honeyman – Giám đốc Chiến dịch Truyền cảm Australia và Quan hệ đối tác của Questacon, Trung tâm KH&CN Quốc gia, Cục Công nghiệp, Chính phủ Australia cho biết: một trong những nét nổi bật nhất trong hoạt động truyền thông của Úc là xây dựng được Chiến lược truyền thông quốc gia về KH&CN vào năm 2009 nhằm tiếp nối các chương trình truyền thông trên, đó là sáng kiến “ truyền cảm Australia” với mục tiêu là tăng cường hoạt động truyền thông tới các tổ chức KH&CN, trường học, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư; khơi dậy tinh thần sáng tạo của người dân.

Tổ chức trưng bày một số kết quả nghiên cứu khoa học tại Việt Nam

nhằm thúc đẩy hoạt động truyền thông KH&CN

Đến thực tiễn tại Việt Nam

Đảng và Nhà nước ta luôn coi phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển nhanh và bền vững. Điều này đã được khẳng định tại Nghị quyết 20-NQ/TW của BCHTW Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Luật KH&CN năm 2013 và Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020.

Truyền thông KH&CN không chỉ cung cấp thông tin về những thành tựu KH&CN mà còn có vai trò định hướng dư luận và đưa các cơ chế, chính sách đến với công chúng. Truyền thông là công cụ hữu hiệu, là cầu nối giữa nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân. Hiện nay, Việt Nam có hơn 720 cơ quan báo chí, trong đó có nhiều ấn phẩm đã có chuyên trang KH&CN.

Thời gian qua, các cơ quan báo chí truyền thông đã có những đóng góp đáng kể trong công tác chuyển tải thông tin về hoạt động KH&CN đến với công chúng bao gồm: cơ chế chính sách phát triển KH&CN; các thành tựu nổi bật; tôn vinh điển hình tiêu biểu trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân trên mọi lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng KH&CN.

Đặc biệt, năm nay là lần đầu tiên Bộ KH&CN tổ chức ngày KH&CN 18/5 với hàng loạt các sự kiện được diễn ra như Tuần lễ KH&CN Quốc gia diễn ra từ ngày 8-18/5 với chủ đề “KH&CN- động lực phát triển nhanh và bền vững”.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh: Để ngày KH&CN thực sự trở thành ngày hội của toàn dân, hàng loạt các hoạt động, sự kiện về KH&CN được tổ chức thống nhất, với nội dung, hình thức phong phú trên phạm vi toàn quốc, với sự tham gia của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty và doanh nghiệp gồm: lễ công bố ngày khoa học và công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Bộ KH&CN; lễ công bố và trao giải thưởng Tạ Quang Bửu, lãnh đạo Chính phủ gặp mặt 300 nhà khoa học tiêu biểu; trưng bày hình ảnh về thành tựu KH&CN qua các thời kỳ; tổ chức các hội thảo chuyên đề, tọa đàm giữa các nhà khoa học đầu ngành với học sinh, sinh viên…

Tại Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Đại học Quốc gia, các viện nghiên cứu, trường đại học, các hoạt động hưởng ứng ngày KH&CN diễn ra sôi nổi như: hội thi sáng tạo, trao Giải thưởng KH&CN, tổ chức triển lãm, giới thiệu các kết quả nghiên cứu, kết nối cung cầu công nghệ, giao lưu giữa các thế hệ nhà khoa học,…

Tại 63 tỉnh thành cũng có nhiều hoạt động sôi nổi như diễn đàn tuổi trẻ sáng tạo và khoa học công nghệ; phát động học sinh, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học… Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng tổ chức tôn vinh các cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp cho hoạt động nghiên cứu, phát triển KH&CN.
 
Đặc biệt, tại Đà Nẵng, Bộ KH&CN phối hợp với Đại học Đà Nẵng, Sở KH&CN Đà Nẵng tổ chức trưng bày một số kết quả nghiên cứu khoa học, hình ảnh hoạt động tiêu biểu về KH&CN TP Đà Nẵng, tổ chức chương trình giao lưu với sinh viên, tổ chức các Hội thảo, Hội nghị quốc tế về truyền thông KH&CN - Chiến lược và hành động, Hội thảo cơ chế chính sách và tài chính trong KH&CN và đổi mới sáng tạo, mở cửa các phòng trưng bày, phòng tiết kiệm năng lượng, phòng thử nghiệm, thí nghiệm, tổ chức tổng kết giải thưởng sáng tạo KH&CN năm 2013,…Đây là một trong những hoạt động tiêu biểu nhằm thúc đẩy công tác truyền thông KH&CN trong thời gian qua.

Để hoạt động truyền thông đạt được hiệu quả cao, theo TSKH Nghiêm Vũ Khải một trong những giải pháp cần đẩy mạnh là đa dạng hóa hình thức, nội dung, đối tượng, lực lượng tham gia truyền thông KH&CN. Trong một thế giới truyền thông cạnh tranh gay gắt hiện nay, truyền thông KH&CN phải tìm cho mình cách đến được với công chúng nhiều hơn, nhất là giới trẻ. Muốn vậy, hình thức, nội dung truyền thông phải phong phú, hấp dẫn, dễ tiếp cận; biến những điều khô khan, phức tạp thành đơn giản, dễ hiểu. Sao cho hoạt động KH&CN không chỉ là công việc của những nhà khoa học mà phải lôi cuốn, thu hút các doanh nghiệp, công nhân, nông dân và đông đảo người dân tham gia. Một trong những việc cần làm là tuyên truyền về những điển hình có hoạt động nghiên cứu, ứng dụng đem lại hiệu quả thiết thực.

Lực lượng tham gia truyền thông KH&CN cần được đào tạo nghiệp vụ, hỗ trợ phương tiện làm việc;  bồi dưỡng kiến thức chuyên môn KH&CN, tình yêu nghề, yêu khoa học. Truyền thông KH&CN không chỉ là nhiệm vụ của nhà báo, phóng viên. Chính các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nhân…cũng cần phải tham gia, ủng hộ nhiệt tình hoạt động truyền thông KH&CN. Truyền thong KH&CN phải không ngừng hiện đại hóa, tiến kịp trình độ quốc tế.

Tuy nhiên, hoạt động truyền thông ở Việt Nam có tính đại chúng chủ yếu được thực hiện qua các phương tiện thông tấn báo chí, phương thức triển lãm, bảo tàng, diễn đàn,…chưa được phổ biến. Trong thời gian tới, công tác truyền thông KH&CN cần có bước đi bài bản, định hướng lâu dài và đầu tư thỏa đáng; đội ngũ những người làm truyền thông về KH&CN cần được đào tạo cả lý thuyết và kỹ năng cơ bản để có thể làm việc hiệu quả; cần tăng cường năng lực và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin, báo chí; phổ biến những thành tựu về KH&CN đến với đông đảo nhân dân. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến phản hồi xã hội về KH&CN. Một trong những giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông KH&CN là sự kết hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học có tinh thần báo chí và các nhà báo có tinh thần khoa học để chuyển hóa các thông tin KH&CN vốn khô khan, thiếu tính hấp dẫn đến với công chúng.

Bài, ảnh: Đăng Minh