Bản in
Hội thảo về ứng dụng công nghệ CAS tại Việt Nam
Sáng ngày 17/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Công nghệ CAS (Cells Alive System) và khả năng ứng dụng công nghệ CAS trong bảo quản hải sản và nông sản tại Việt Nam. Hội thảo là sự kiện đánh dấu kết quả bước đầu hợp tác giữa Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng với Tập đoàn ABI, Nhật Bản.

Nội dung của hội thảo tập trung thảo luận một số vấn đề chính như công nghệ CAS là gì; những kết quả bước đầu sau gần 1 năm hợp tác; những khó khăn thuận lợi trong quá trình sản xuất, bảo quản nông sản tại Việt Nam. Đặc biệt, các đại biểu tham dự hội thảo cũng sẽ thảo luận tìm giải pháp để đẩy mạnh ứng dụng CAS vào sản xuất nông sản tại Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các báo cáo của các đại biểu đến từ Nhật Bản với chủ đề “Công nghệ CAS và ứng dụng CAS trong bảo quản hải sản, nông sản và thực phẩm ở Nhật Bản”; “Giới thiệu công nghệ CAS và khả năng ứng dụng CAS trong bảo quản hải sản, nông sản và thực phẩm tại Việt Nam” của ông đại diện đến từ Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng; “ Thực trạng công nghệ bảo quản hải sản và vấn đề đặt ra trong công nghệ bảo quản hải sản/ca ngừ đại dương của công ty cố phần Bá Hải, tỉnh Phú Yên” của đại diện công ty CP Bá Hải, Phú Yên và báo cáo tham luận “Thực trạng thu hoạch và bảo quản cam Cao Phong – Hòa Bình” của đại diện công tu CP Thương mại Hoa – Qủa Cao Phong.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Tất Khương, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển vùng, Bộ KH&CN nhận định, KH&CN luôn được coi là quốc sách hàng đầu, động lực phát triển kinh tế - xã hội, điều kiện quan trọng quyết định thành công sự nghiệp Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước. Việt Nam là một đất nước có nền sản xuất nông nghiệp phong phú với nhiều loại nông sản có giá trị kinh tế cao nhưng vẫn chưa thực sự được khai thác đúng mức. Nhiều mặt hàng nông, thủy sản vẫn được đưa ra thị trường và xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị kinh tế thấp.

Vì lý do đó, trong thời gian qua Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao cho Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng hợp tác với Công ty ABI Nhật Bản để tiếp nhận công nghệ CAS và chuyển giao cho doanh nghiệp Việt Nam.

Sau gần một năm nghiên cứu ứng dụng công nghệ CAS, hiện nay Viện đã làm chủ được quy trình và chế độ công nghệ CAS để bảo quản một số đối tượng sản phẩm hải sản, trái cây; Công nghệ CAS bảo quản tôm sú; Công nghệ CAS bảo quản cá ngừ; Công nghệ CAS bảo quản quả nhãn, quả vải, quả cam.

Hiện nay, Viện đang nghiên cứu thực nghiệm CAS bảo quản các đối tượng sản phẩm hải sản hàu, cua ghẹ, nghêu, trứng cá tầm,…và một số loại trái cây như quả thanh long, quả dứa, quả bơ,…

Nhiều ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, để công nghệ CAS có thể được ứng dụng trong các doanh nghiệp bảo quản chế biến hải sản, nông sản và thực phẩm Việt Nam, hiện có những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và rủi ro, ở cả môi trường chính sách, bản thân doanh nghiệp, và cả quá trình từ sản xuất – bảo quản chế biến bằng CAS – thị trường.

Tin, ảnh: Phương Hoàn