Bản in
Hai nhà khoa học xuất sắc được nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu
Giáo sư Nguyễn Hữu Việt Hưng và tiến sĩ Nguyễn Bá Ân được Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu do có các công trình nghiên cứu xuất sắc.

Ngày 17/5, lần đầu tiên Bộ Khoa học và công nghệ tổ chức Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2013. Tham dự buổi lễ có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Nguyễn Quân cùng 300 nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, xã hội, sinh viên thuộc các trường đại học và các tổ chức khoa học công nghệ...

Công trình “Các đồng cấu giữa các đại số Dickson- Mùi xem như các Moodun trên đại số Steenrod” của Giáo sư tiến sỹ khoa học Nguyễn Hữu Việt Hưng, Khoa Toán trường Đại học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Công trình khoa học này nghiên cứu Đại số Dickson-Mùi gồm tất cả các bất biến dưới tác động của nhóm tuyến tính tổng quát của một đại số đa thức hoặc tensor của một đại số ngoài với một đại số đa thức, tuỳ theo đặc số của trường cơ sở là một số nguyên tố chẵn hay lẻ. Đó là một môđun trên đại số Steenrod.

Nghiên cứu đại số Dickson-Mùi là một bộ phận hữu cơ trong toàn bộ nghiên cứu của GS. Nguyễn Hữu Việt Hưng hơn 35 năm qua.

Công trình đã xác định tường minh tất cả các đồng cấu A-môđun giữa các đại số Dickson- Mùi và tất cả các tự đẳng cấu A-môđun của các đại số Dickson-Mùi; chỉ ra rằng đại số tất cả các tự đồng cấu A-môđun của đại số Dickson-Mùi đẳng cấu với một thương của đại số đa thức một biến, và do đó nó giao hoán. Công trình chứng minh rằng đại số Dickson-Mùi là một nguyên tử theo nghĩa sau: Nếu một tự đồng cấu A-môđun của đại số đó khác không trên phần tử sinh có bậc dương nhỏ nhất, thì nó là một đẳng cấu. Nói riêng, đại số Dickson-Mùi thu gọn là một A-môđun không phân tích được.

Những kết quả tương tự cũng được chứng minh cho các đại số Dickson.

Giáo sư tiến sỹ khoa học Nguyễn Hữu Việt Hưng (Ánh Tuyết – Mai Hà)

Công trình “Đồng viễn tạo trạng thái lượng tử thông qua các trạng thái W và kiểu W” của TS. Nguyễn Bá Ân, Viện Vật lý Hà Nội.

Thông tin lượng tử là một lĩnh vực rất mới có nhiều ứng dụng quan trọng trong tương lai như truyền thông lượng tử, bảo mật tuyệt đối và máy tính lượng tử.

Để bảo mật thông tin, năm 2008, Tiến sỹ Ân và một giáo sư Hàn Quốc đã đề xuất giao thức mới, đặt tên là Đồng viễn tạo trạng thái lượng tử. Tên gọi này đã được các tác giả khác trên thế giới sử dụng rộng rãi và khá nhiều công trình cũng được công bố theo hướng mới này.

Để thực hiện “Đồng viễn tạo”, các đối tác phải chia sẻ một tài nguyên lượng tử đặc biệt, là các trạng thái rối, thường là các trạng thái GHZ. Tuy nhiên, còn có nhiều trạng thái rối khác, chẳng hạn như trạng thái W, là trạng thái dễ chế tạo hơn và bền vững hơn so với GHZ.

TS. Nguyễn Bá Ân (người ngồi bên phải trừ trái sáng), Viện Vật lý Hà Nội

Có thể thực hiện “Đồng viễn tạo” hay không nếu sử dụng kênh lượng tử là các trạng thái W hoặc kiểu W? Câu trả lời là “Không”, dựa trên các phân tích theo hướng như đã làm khi sử dụng các trạng thái GHZ. Song, theo bài báo năm 2010 của TS Ân, câu trả lời lại là “Có”. Bài báo này lần đầu tiên đưa ra một cách tách thông tin khôn khéo, nhờ đó đồng viễn tạo trạng thái lượng tử thông qua các trạng thái W và dạng W vẫn có thể thành công.

Ngoài ra, cùng với các cộng sự ông đã mở rộng bài toán “Đồng viễn tạo” cho nhiều tình huống thực tế khác nhau, đặc biệt đã cải tiến phương pháp thực hiện để đạt được xác suất thành công là 100%.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ dành cho các nhà khoa học Việt Nam là tác giả của công trình nghiên cứu cơ bản xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và các nhà khoa học Việt Nam, nước ngoài có đóng góp tích cực cho nghiên cứu cơ bản của Việt Nam.

Giải thưởng được xét, tặng hàng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản, có đóng góp thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng và khoa học công nghệ Việt Nam nói chung tiếp cận trình độ quốc tế, tạo tiền đề cho khoa học và công nghệ của đất nước hội nhập và phát triển.

Cơ cấu Giải thưởng bao gồm: từ 1 đến 3 giải thưởng chính và 1 giải thưởng nhà khoa học trẻ (dưới 30 tuổi, tính đến thời điểm kết thúc nộp hồ sơ) dành cho tác giả của công trình khoa học xuất sắc; 1 giải thưởng dành cho nhà khoa học có đóng góp tích cực cho nghiên cứu cơ bản của Việt Nam.

Thời hạn nhận hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm. Lễ trao Giải thưởng được tổ chức vào tháng 5 năm sau. Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia là cơ quan thường trực của Giải thưởng. Năm 2013 là năm đầu tiên có giải thưởng này.

 

Bài, ảnh: Ánh Tuyết – Mai Hà