|
|||
Đối với các trường đại học danh tiếng quốc tế, nghiên cứu khoa học cùng với đào tạo, giảng dạy là những nhiệm vụ quan trọng. Nhiều người giảng dạy đã đạt được các bằng phát minh quan trọng, nhiều kết quả nghiên cứu từ các trường đại học đã được chuyển giao, thương mại hóa, góp phần vào sự phát triển của quốc gia và nhân loại. Đáng chú ý, những trường đại học thành công chỉ có thể là các trường phát minh ra các giải pháp mới giải quyết các thách thức của kinh tế - văn hóa - xã hội và môi trường. Nền tảng của sáng tạo thường bắt nguồn từ sự đặt hàng của doanh nghiệp, xã hội; từ nhu cầu thực tiễn của cuộc sống; từ các dự báo phát triển kinh tế, xã hội cũng như các khám phá mới. Ở Việt Nam, nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo bàn về hoạt động khoa học công nghệ trong trường đại học được tổ chức mới đây cho thấy, hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường vừa ít về số lượng, vừa yếu về chất lượng. Trong đó, nổi lên vấn đề đa phần các nghiên cứu từ xuất phát từ trường đại học là các nghiên cứu lý thuyết, thiếu các nghiên cứu ứng dụng và càng ít các nghiên cứu, đề tài được thương mại hóa. Điều này cũng được thể hiện rõ đối với kênh công bố quốc tế. Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt Phạm Duy Hiển cho biết, các công bố quốc tế (ISI) của Việt Nam chủ yếu là các công bố về lý thuyết, ít công bố thuộc các ngành và môn có tác động nhiều đến quốc kế dân sinh, các công bố thuộc khoa học liên ngành, công nghệ và xã hội nhân văn. Hơn nữa, nếu như chỉ số trích dẫn được coi là thước đo chất lượng các công bố quốc tế thì chỉ số này của các nghiên cứu có địa chỉ từ Việt Nam cũng nhỏ bé. Để hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường đại học đạt hiệu quả, Chủ tịch Hội đồng Bảo đảm chất lượng ĐH Quốc gia Hà Nội Mai Trọng Nhuận cho rằng, các nhà khoa học trong nhà trường cần xuất phát từ nhu cầu của thị trường, của doanh nghiệp, từ những câu thúc mạnh mẽ của đời sống xã hội để nghiên cứu. Cần phải nói thêm, từ xưa đến nay, các nghiên cứu khoa học đa phần xuất phát từ ý thích, năng lực và suy nghĩ chủ quan của chính các nhà khoa học thay vì xung phong giải các bài toán của doanh nghiệp và đời sống. Chính kiểu nghiên cứu trong lãnh địa của ý thích, ý tưởng và điều kiện tiêu chuẩn khu biệt của mình kéo theo các kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học không thể chuyển giao và thương mại hóa. Điều này đồng thời cũng góp phần làm giảm sự quan tâm của xã hội và doanh nghiệp vào hoạt động nghiên cứu trong các nhà trường, giảm đi nguồn lực và động lực cho hoạt động nghiên cứu. Đối với một nước còn nghèo như Việt Nam, còn rất nhiều bài toán đặt ra trong phát triển kinh tế xã hội. Cụ thể, các vấn đề xóa đói giảm nghèo; biến đổi khí hậu; phát triển nông nghiệp hàng hóa; tai nạn và ùn tắc giao thông; đổi mới giáo dục; chấn hưng đạo đức, văn hóa lối sống… đang đòi hỏi lời giải tối ưu từ các nhà khoa học. Rõ ràng, khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng như lời Bác Hồ tại Đại hội lần thứ Nhất của Hội phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam năm 1963. Khi các ý tưởng, đề tài dự án nghiên cứu đã xuất phát từ nhu cầu thực tiễn rồi, các nhà khoa học cũng cần lắng nghe các phản ứng và mong muốn của thị trường, của doanh nghiệp để hoàn thiện sản phẩm. Khi những nghiên cứu trở thành sản phẩm với tính ứng dụng cao và có khả năng ứng dụng thực tế, lúc đó sẽ có thị trường khoa học công nghệ. Đi cùng với đó, theo ông Mai Trọng Nhuận, cần phải có đánh giá thật công bằng, khách quan về các sản phẩm khoa học. Không nên đánh giá chỉ dựa vào việc đăng trên các tạp chí chuyên ngành có chỉ số trích dẫn impact factor cao, vốn đang là một làn sóng được ưa thích. Hết sức cẩn thận với kiểu đánh giá này, bên cạnh các trích dẫn đích thực thì đây cũng là mảnh đất của con buôn khoa học. Ngược lại, cũng không nên đánh giá các nghiên cứu khoa học chỉ dựa trên đòi hỏi tính ứng dụng cao của xã hội. Điều cần thiết là cần phải dung hòa, kết hợp cả hai phương cách đánh giá này. Trong đó, việc đầu tiên là các phát minh khoa học nên đáp ứng yêu cầu của đời sống, xã hội, thị trường trước, giải những bài toán đang đặt ra với đất nước là cái gốc. Từ đó hoàn thiện các ý tưởng, ứng dụng để đăng tạp chí chuyên ngành. Cùng với đó, các đánh giá, ghi nhận, khen thưởng cũng cần dựa vào giá trị thực của các nghiên cứu, đề tài. Các yếu tố tiếp theo có thể thúc đẩy quá trình nghiên cứu khoa học trong trường đại học là các chính sách, thể chế cũng cần đổi mới theo hướng xóa bỏ các rào cản hành chính rối rắm, tạo động lực thu hút người trẻ say mê với khoa học. Chính sách bổ nhiệm cán bộ cần quan tâm thỏa đáng đến các nghiên cứu có tính ứng dụng và giá trị thực, giải quyết được những vấn đề của đời sống xã hội. Chính sách ưu đãi nên tập trung vào hỗ trợ về thuế, tài chính cho các doanh nghiệp có những ứng dụng, chuyển giao khoa học mới. Đồng thời, mở rộng các hoạt động liên kết, hợp tác quốc tế giữa các trường đại học nhằm kế thừa và trao đổi các thành quả nghiên cứu khoa học, học hỏi kinh nghiệm hoặc cùng giải quyết các vấn đề chung của đời sống. Triển khai Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang xây dựng và trình nhiều chính sách nhằm khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường đại học. Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, thời gian tới, chính sách sẽ tập trung dành kinh phí và biên chế thỏa đáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, việc thành lập các trung tâm ươm tạo và chuyển giao công nghệ trong trường đại học sẽ được triển khai như là cầu nối giữa người nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp, hỗ trợ nuôi dưỡng các ý tưởng mới, hoàn thiện và thương mại hóa các ý tưởng, sáng kiến, kết quả nghiên cứu. Ngoài ra, chính sách xác định phân chia lợi nhuận đối với tác giả, những người nghiên cứu khoa học cũng đang được xây dựng nhằm bảo đảm quyền lợi bản quyền chuyển giao một cách đích đáng cho người nghiên cứu. Với những chính sách đột phá mới về phát triển KH-CN, tin tưởng sẽ tạo động lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường đại học với nhiều thành tựu, ứng dụng mới. |