|
|||
Tại Hội nghị, Ông Vũ Xuân Hợi, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Yên Bái đã báo cáo với đoàn công tác của Bộ về tình hình hoạt động KH&CN của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 - 2014. Theo đó, hoạt động KH&CN của tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực, bám sát các yêu cầu thực tiễn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT - XH của tỉnh. Nhiều thành tựu KH&CN mới và kết quả nghiên cứu của địa phương đã được áp dụng vào sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp. Công tác KH&CN từng bước được đổi mới, góp phần thúc đẩy phát triển KH&CN của địa phương. Giai đoạn 2012 – 2014 trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã triển khai 133 đề tài, dự án, mô hình nông, lâm nghiệp, trong đó lĩnh vực nông, lâm nghiệp gồm 90 đề tài, dự án, chiếm 67,66%; lĩnh vực khoa học và nhân văn 29 đề tài, dự án, chiếm 21,80% và lĩnh vực các lĩnh vực khác 14 đề tài, dự án, chiếm 10,54%. Hầu hết, các đề tài, dự án KH&CN được đẩy mạnh hương hướng nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phát triển của từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm; Ưu tiên phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là trong sản xuất nông lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; Đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả của các đề tài, dự án khoa học có khả năng áp dụng và nhân rộng cao. Hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ, sử dụng công nghệ sạch. Tăng mức hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ cho một số ngành sản xuất chủ yếu; Đa dạng hóa các nguồn vốn cho hoạt động khoa học công nghệ; Đổi mới chính sách phát triển và sử dụng nguồn nhân lực khoa học công nghệ của tỉnh, đồng thời tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của Trung ương và các tỉnh bạn; Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học công nghệ về trình độ chuyên môn và năng lực quản lý về khoa học công nghệ. Công tác thẩm định công nghệ của các dự án chuẩn bị đầu tư mới luôn được tỉnh Yên Bái quan tâm, chú trọng. Giai đoạn 2012 – 2014 đã thẩm định được 11 dự án. Về công tác sở hữu trí tuệ, tính đến nay toàn tỉnh Yên Bái có 175 đơn vị đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp, trong đó 155 đơn vị đăng ký nhãn hiệu; làm tốt công tác quản lý an toàn bức xạ, hạt nhân. Công tác thông tin KH&CN, phổ biến tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất và đời sống; hoạt động thanh tra KH&CN, công tác quản lý tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2012 - 2014, tổng kinh phí chi cho sự nghiệp KH & CN là 55.210 triệu đồng, trong đó kinh phí chi cho các hoạt động KH&CN là 47.423 triệu đồng.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, đối với vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, số lượng cũng như tổng kinh phí thực hiện các dự án đều được tăng cao hơn so với những năm trước. Đối tượng được hưởng lợi trong các đầu tư dự án, mô hình sản suất hầu hết đều là nông dân thông qua hỗ trợ về giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật mới trong chăn nuôi, trồng trọt. Tổng số các dự án cấp tỉnh và cấp bộ của tỉnh Yên Bái được thực hiện từ 2011 đến 2013 là 132 dự án với tổng kinh phí là 21,143 tỷ đồng. Bên cạnh những thành tựu đạt được, ông Vũ Xuân Hợi cũng cho biết hoạt động KH&CN của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, tồn tại do một số địa phương, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến vai trò, vị trí của KH&CN; chưa thực sự coi KH&CN là động lực, là lực lượng sản xuất trực tiếp làm tăng năng suất lao động, biến đổi cơ cấu sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm nên chưa mạnh dạn đầu tư cho nghiên cứu khoa học; đầu tư tài chính cho hoạt động KH&CN từ ngân sách của địa phương vẫn còn thấp so với yêu cầu thực tế, nhất là đầu tư đổi mới công nghệ; Chưa thành lập được quỹ phát triển KH&CN; Chế độ thù lao cho tác giả có công trình, đề tài nghiên cứu đem lại hiệu quả KT-XH chưa xứng đáng... Cũng tại Hội nghị, tỉnh Yên Bái đã nêu lên những đề xuất, kiến nghị với đoàn công tác của Bộ KH&CN một số vấn đề liên quan đến các hoạt động KH&CN đến năm 2020 của tỉnh Yên Bái, như: tiếp tục quan tâm, tăng kinh phí đầu tư để triển khai các dự án của tỉnh Yên Bái trong những năm tiếp theo; tăng cường tổ chức tập huấn nghiệp vụ về xây dựng kế hoạch, quy hoạch, chiến lược phát triển KH&CN cho đội ngũ cán bộ tại các địa phương. Trong đó chú trọng về quy trình, thủ tục xây dựng quy hoạch, chiến lược; phương pháp đánh giá, tính toán những đóng góp của KH&CN vào phát triển KT-XH; xây dựng mối quan hệ hợp tác trên cơ sở Bộ KH&CN hỗ trợ về đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, cơ sở vật chất kỹ thuật... Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đánh giá cao những kết quả hoạt động KH&CN của tỉnh Yên Bái đã đạt được trong những năm qua. Đồng chí cũng lưu ý tỉnh Yên Bái cần quan tâm đến việc triển khai ứng dụng chuyển giao KH&CN hiện đại vào thực tiễn cuộc sống, góp phần thúc đẩy KT – XH của tỉnh. Trong lĩnh vực tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng cần có sự đầu tư xây dựng các dự án, đặc biệt là đối với lĩnh vực y tế; các doanh nghiệp chủ động xây dựng các thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch; đổi mới mạnh mẽ cơ chế, quản lý trong lĩnh vực KH&CN, chuyển giao KH&CN phù hợp với quy mô phát triển kinh tế và thực tế ở địa phương. Tin, ảnh: Bùi Hiếu
|