Bản in
Chế tạo thành công nhiều sản phẩm cơ khí xi măng
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp xi măng, chế tạo những thiết bị cơ khí cho ngành xi măng đã trở thành yêu cầu cấp thiết. Một số thiết bị cơ khí quan trọng đã được Viện Nghiên cứu cơ khí - Bộ Công Thương nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng thành công tại một số DN xi măng, góp phần tăng sức cạnh tranh của DN cũng như góp phần nội địa hóa sản phẩm cơ khí.
Trong dây chuyền sản xuất xi măng lò quay, các thiết bị của hệ thống đóng bao xi măng tự động; hệ thống khớp nối từ và cụm phanh điện từ trong hệ thống truyền động của thiết bị cào, rải liệu… đã được nhiều hãng nổi tiếng trên thế giới chế tạo thành công và xây dựng được thương hiệu uy tín. Ở Việt Nam, nhiều năm qua, ngành xi măng đã có sự phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, do chưa thể làm chủ công nghệ sản xuất các thiết bị cơ khí cho ngành xi măng nên để đáp ứng nhu cầu sử dụng, các DN trong nước vẫn phải nhập khẩu những thiết bị này từ nước ngoài với giá rất đắt. Không những vậy, việc nhập khẩu còn khiến DN phụ thuộc vào nước ngoài ở khâu sửa chữa, thay thế thiết bị. Cho nên, việc nghiên cứu, thiết kế và chế tạo những sản phẩm trên là vô cùng cấp thiết.
Nhận thức được vấn đề này, thời gian qua, Viện Nghiên cứu cơ khí - Bộ Công Thương đã thực hiện nghiên cứu và chế tạo thành công một số thiết bị cho nhà máy xi măng, góp phần nội địa hóa thiết bị cơ khí cho ngành công nghiệp xi măng.
Theo đó, nhiều nhóm đề tài đã tập trung nghiên cứu, thiết kế và chế tạo những sản phẩm cơ khí quan trọng cho ngành xi măng như 9 loại thiết bị chính của hệ thống đóng bao tự động bao gồm: Van điện B250, bunke cân, máng khí động B500x18m, gầu nâng B500x25m, sàng rung, máy làm sạch bao, thiết bị xuất bao xi măng lên ôtô và hệ thống điện điều khiển, đồng thời tích hợp 9 loại thiết bị này đưa vào dây chuyền sản xuất của nhà máy. Cho đến nay, toàn bộ những thiết bị trên đã được sản xuất, lắp đặt và chạy thử tại Nhà máy xi măng Sông Thao. Sau một thời gian sử dụng, những thiết bị này đều hoạt động tốt, an toàn, đạt những yêu cầu kỹ thuật đề ra. Bên cạnh đó, hệ thống còn hoạt động rất ăn khớp với hệ thống sản xuất xi măng chung của nhà máy. Đặc biệt, so với dây chuyền nhập ngoại của Trung Quốc, hệ thống thiết bị này đã được kiểm chứng có chất lượng tương đương. Đây là dây chuyền thiết bị đồng bộ đầu tiên do Viện Nghiên cứu cơ khí làm tổng thầu EPC thành công trong ngành công nghiệp xi măng. Với giá trị nội địa hóa lên đến 50%, những thiết bị này đã mở ra một hướng mới cho việc thiết kế, chế tạo những dự án có quy mô, công suất tương đương và những dự án mở rộng.
Các thiết bị khớp nối từ và cụm phanh điện từ của hệ thống truyền động trong thiết bị cào, rải liệu cũng là những sản phẩm quan trọng trong ngành công nghiệp xi măng. Tuy nhiên, trước đây, những sản phẩm này phải nhập khẩu hoàn toàn. Sau khi Viện Nghiên cứu cơ khí và Công ty Xi măng Bỉm Sơn hợp tác nghiên cứu, một số sản phẩm của hệ thống này đã được sản xuất và hiện sử dụng tại Nhà máy xi măng Bỉm Sơn. Sau một thời gian vận hành, thiết bị này cũng chứng tỏ có chất lượng tương đương với sản phẩm nhập ngoại và hoạt động ăn khớp với cả hệ thống sản xuất xi măng tại nhà máy. Những thiết bị này đã giúp DN xi măng trong nước không còn phụ thuộc vào nước ngoài từ việc nhập khẩu đến việc sửa chữa và thay thế thiết bị. Bên cạnh đó, giá bán của sản phẩm nội địa chỉ bằng khoảng 1/2-1/3 giá của những thiết bị nhập khẩu cùng loại.
Việc tiến tới nội địa hóa và làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị cơ khí cho nhà máy xi măng không chỉ mở ra cơ hội mới cho các nhà máy xi măng trong việc giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh mà còn mở ra hướng đi mới - làm chủ công nghệ sản xuất thiết bị cơ khí - cho các DN cơ khí trong nước./.
Bảo Ngọc