Bản in
Giúp học sinh nghiên cứu,sáng tạo khoa học, kỹ thuật
Nhằm khuyến khích học sinh nghiên cứu, sáng tạo khoa học, kỹ thuật (KHKT) và vận dụng những kiến thức đã học trong nhà trường, xã hội vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, từ năm 2013, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) tổ chức cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh THPT. Năm nay, cuộc thi được tổ chức ở hai điểm là khu vực phía bắc tại tỉnh Vĩnh Phúc và khu vực phía nam tại Cần Thơ.

Thứ trưởng Bộ GD và ÐT Nguyễn Vinh Hiển, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: Cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh THPT không chỉ khuyến khích các em nghiên cứu, sáng tạo mà còn nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động này. Thông qua cuộc thi, không chỉ các em học sinh có dự án mà nhiều học sinh khác có thêm động lực trong quá trình học tập, nghiên cứu KHKT và thúc đẩy việc thực hành tiếng Anh. Mới là năm thứ hai, nhưng cuộc thi đã thu hút thêm năm đơn vị tham dự và số dự án tăng gấp hai lần.

Tại cuộc thi ở khu vực phía bắc, nhìn chung, các dự án dự thi được ban tổ chức đánh giá cao vì tính sáng tạo cũng như khả năng ứng dụng vào thực tiễn. Ðáng chú ý, cuộc thi còn là sân chơi khoa học bổ ích nhằm thực hiện tốt phương châm học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Các em học sinh được phát triển năng lực xã hội, được rèn luyện phương pháp tự học, tự sáng tạo để tiếp tục học lên bậc cao hơn. Thực tế cho thấy, cuộc thi đã và đang thu hút, tập hợp được nhiều nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học tham gia, hướng dẫn, góp ý, chấm thi; chọn các dự án tham gia từ cấp tỉnh, thành phố đến cấp quốc gia. Thông qua cuộc thi, nhiều trường đại học trong nước và quốc tế cũng đã đến tham dự, trao giải và công bố chính sách ưu tiên trong tuyển sinh đào tạo bậc đại học của đơn vị mình đối với các thí sinh đoạt giải.

Trong bốn giải nhất của cuộc thi khu vực phía bắc, dự án máy đánh bắt ngao của em Trần Thị Lan Anh, học sinh lớp 11A6, Trường THPT Tây Tiền Hải (Thái Bình) được đánh giá rất cao vì dự án xuất phát từ thực tiễn và giải quyết nhu cầu thực tiễn. "Chủ nhân" của chiếc máy đánh bắt ngao tâm sự: Gia đình em ở vùng ven biển, kinh tế phụ thuộc vào việc nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, nhất là nuôi ngao.

Gia đình em có diện tích nuôi ngao gần 100 ha. Ở xã Ðông Minh quê của Lan Anh, vào mùa thu hoạch ngao, các gia đình phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để thuê nhân công, việc đánh bắt ngao theo cách thủ công không chỉ tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí mà còn làm giảm chất lượng con ngao vì bị dập nát trong quá trình đánh bắt. Chính vì vậy, đầu năm 2013, Lan Anh có ý tưởng và triển khai "sản xuất" thành công chiếc máy đánh bắt ngao.

Nguyên lý vận hành máy đánh bắt ngao rất đơn giản. Máy đánh bắt ngao đã giảm thấp nhất chi phí thu hoạch ngao cho người dân. Thực tế cho thấy, nếu đánh bắt ngao theo phương pháp thủ công, mỗi gia đình phải bỏ ra chi phí từ 50 đến 70 triệu đồng/ha để thuê khoảng 30 nhân công đánh bắt trong thời gian chín ngày. Với máy đánh bắt ngao, người dân chỉ bỏ ra chi phí từ năm đến bảy triệu đồng tiền thuê nhân công và một triệu đồng tiền xăng, dầu với thời gian cao nhất là ba ngày. Không những thế, khi đánh bắt bằng phương pháp thủ công bằng cào, cuốc còn làm ngao chết, dập; tỷ lệ là một tạ ngao hỏng/một tấn ngao đánh bắt được. Với máy đánh bắt ngao, một tấn ngao chỉ bị dập, hỏng từ 2 đến 3 kg. Ngoài ra, việc đánh bắt ngao bằng phương pháp thủ công chỉ có thể đánh bắt khi mực nước cạn (một tháng đánh được từ bốn đến sáu ngày tùy theo con nước), nhưng khi dùng máy đánh bắt, người dân có thể đánh bắt được gần như tất cả các ngày trong năm với mực nước từ 0,6 đến gần 2 m.

Khi Lan Anh có ý tưởng làm một chiếc máy cào ngao và sau này gọi là máy đánh bắt ngao, người phản đối đầu tiên chính là người cha của em, anh Trần Văn Chín. Anh Chín nghĩ, trẻ con biết gì về KHKT mà chế tạo máy. Nhưng sau nhiều lần nghe con gái trình bày, phân tích, anh đã bị thuyết phục và giúp con thực hiện ý tưởng này. Hiện nay, gia đình anh Chín có khoảng mười máy, trong đó phần lớn là máy đầu nổ, có công suất lớn. Thầy giáo Ðặng Ngọc Thắng, giáo viên dạy môn tiếng Anh, Bí thư Ðoàn Trường THPT Tây Tiền Hải cho biết: Dự án của em Trần Thị Lan Anh là sản phẩm duy nhất của nhà trường tham gia cuộc thi. Trước khi em Lan Anh đi dự thi, Ban Giám hiệu nhà trường ngày đêm trăn trở để tìm các phương án tốt nhất giúp em có thể trình bày dự án một cách ngắn gọn, dễ hiểu và hiệu quả. Sau các vòng thi, cuối cùng, em đã mang vinh dự, niềm tự hào về cho nhà trường, cho tỉnh Thái Bình khi đoạt giải nhất.

Hiện nay, nhiều gia đình nuôi ngao ở xã Ðông Minh và các xã ven biển huyện Tiền Hải thường xuyên tìm đến nhà em Trần Thị Lan Anh để thuê máy đánh bắt ngao. Chia sẻ với chúng tôi, em Trần Thị Lan Anh và gia đình mong muốn máy đánh bắt ngao sẽ được đăng ký bản quyền tác giả và phổ biến rộng rãi ở các tỉnh, thành phố có biển.