|
|||
Sử dụng hiệu quả nguồn cây trồng bản địa Bắt đầu từ ý tưởng phát triển các loài, giống rau mới có khả năng kháng bệnh cao và trồng được ở những vùng đồi núi trọc, Sannamfood đã đầu tư liên tục hơn 10 năm qua để nghiên cứu, phát hiện, nhân giống, trồng, thương mại hóa và đăng ký bản quyền tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho một số loại cây rau rừng núi Tản với các tên gọi như: Rau Báng, Rau Tai Sóc, Rau Bướm Trắng… Đây là các loại rau được bán tại hệ thống các nhà hàng núi Tản tại Hà Nội và được khách hàng đánh giá cao với độ sạch tự nhiên cùng các chất dinh dưỡng và axit amin vượt trội so với các loại rau truyền thống. Nhân giống Tai sóc bằng hạt Hiện nay, trên thị trường đã có một số sản phẩm bột rau - củ - quả đóng gói và đóng lọ nhập khẩu từ Mỹ và một số nước với khối lượng khác nhau như: bột nghệ, gừng, ớt bột, bột cà rốt, rau Spinash, rau câu... Tại Việt Nam theo khảo sát của Sannamfood thì chưa có đơn vị nào có ý tưởng sản xuất bột rau, đặc biệt là bột rau rừng có bản quyền, được trồng và thu hoạch ở quy mô kinh tế tại các vùng miền núi, nơi mà đa số nông dân còn rất nghèo. Từ những thành công ban đầu, Sannamfood tiếp tục thực hiện ý tưởng chế biến các loại lá rau rừng thành các loại bột rau rừng tự nhiên và đóng vào túi để có thể bảo quản, vận chuyển dễ dàng và bán cho các nhà hàng nấu thức ăn hoặc các công ty làm bánh… Vì vậy, với sự hỗ trợ của Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam –Phần Lan (IPP) triển khai thực hiện dự án “Nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm bột rau rừng núi Tản” là cơ hội lớn để Sannamfood quyết tâm hiện thực hóa ý tưởng chế biến bột rau rừng núi Tản. Đây là bước tiếp theo của việc hiện thực hóa chiến lược lâu dài của Sannamfood là sáng tạo và tạo ra những nông sản mới chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về thực phẩm tự nhiên và có lợi cho sức khỏe con người. Nông sản chất lượng cao vì sức khỏe người tiêu dùng Công ty Sannamfood bắt đầu hiện thực hóa ý tưởng phát triển các loài cây rừng, hoang dại từ phát hiện, thuần hóa trồng trọt, thu hoạch và sơ chế các sản phẩm an toàn từ rau rừng, đảm bảo rau sạch tự nhiên, rau an toàn và dinh dưỡng. Công ty đã đầu tư nghiên cứu, phân tích, bước đầu nhân giống, khảo nghiệm giống, trồng sản xuất, mở rộng diện tích các loài rau rừng và thương mại rau rừng tươi… nhưng vẫn chưa thành công trong việc sản xuất bột rau chất lượng cao do thiếu kinh nghiệm và trang thiết bị thử nghiệm tại chỗ. Thương hiệu "Bột rau rừng núi Tản" hấp dẫn người tiêu dùng Trong việc thực hiện chế biến, vấn đề lớn nhất Sannamfood gặp phải là thiếu sự tư vấn quốc tế về kỹ thuật và các thiết bị thử nghiệm để sản xuất bột rau rừng núi Tản. Đó là một máy sấy phun nhỏ và một máy đóng gói để thử nghiệm hiệu quả từ đó làm cơ sở để đầu tư tiếp dây chuyền sản xuất bột lớn hơn cho các loài rau rừng được bảo hộ. Do vậy, nhờ sự hỗ trợ của IPP cộng với lợi thế hiện có về trang trại trồng rau rừng, nhà máy, nhân lực, thị trường… Sannamfood đã triển khai thực hiện dự án “Nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm bột rau rừng núi Tản” làm cơ sở để tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất và tăng cường khả năng hoạt động. Trên cơ sở đó, nhóm thực hiện dự án lựa chọn và làm việc với chuyên gia tư vấn quốc tế cùng nghiên cứu xây dựng bản thảo thiết kế quy trình công nghệ sản xuất bột rau rừng phù hợp. Đồng thời lên danh sách các loại máy móc cần thiết cho dây chuyền thử nghiệm để có thể sản xuất thử nghiệm cho 30-50kg bột/ngày. Cùng với đó là lựa chọn và nhập khẩu thiết bị thử nghiệm (gồm 1 máy sấy phun bột nhỏ và máy đóng gói theo tư vấn của chuyên gia). Sau đó tiến hành các đợt sản xuất thử để xác định quy trình công nghệ phù hợp với từng loại bột rau rừng. IPP đã hỗ trợ Sannamfood công nghệ chế biến để sản xuất bột rau với nhãn hiệu “Bột rau rừng núi Tản”. Dự án sử dụng nguồn nguyên liệu mới, liên tục tái tạo tự nhiên là lá các cây rau rừng thân gỗ, trồng một lần có thể thu hoạch lá hàng chục năm. Sản xuất bột rau rừng cần kèm theo hoạt động trồng và thu hoạch nguyên liệu lá tươi. Do vậy, vùng sản xuất được hình thành và tạo công ăn việc làm cho người nông dân vùng trung du miền núi, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và đối phó với biến đổi khí hậu. Hơn nữa, công nghệ áp dụng để sản xuất bột rau của dự án được áp dụng cho các loại rau giàu vitamin khác, cho những người có thu nhập trung bình ở Việt Nam. Sau một thời gian, Sannamfood đã thử nghiệm, sản xuất thành công bột rau rừng núi Tản cho 03 loại rau: Báng; Bướm Trắng và Tai sóc với hàm lượng dinh dưỡng cao và mùi vị đặc trưng nhất của các loại rau rừng được trồng tại chân núi Tản. Bột rau rừng còn mang đến sự tiện lợi cho người tiêu dùng, giúp bỏ qua các công đoạn sơ chế bột rau theo phương thức truyền thống. Bột rau rừng có thể dùng để nấu cháo, canh, trộn bột, giúp các món ăn thêm đa dạng về dinh dưỡng và mùi vị.. Hiện, Sannamfood đã giới thiệu và bán các loại bột rau rừng cho các nhà hàng núi Tản để nấu súp và phối hợp với Eropa Bakery tiến hành làm các loại bánh có sử dụng bột rau rừng. Đồng thời, nghiên cứu kỹ thuật nhân nhanh giống chất lượng, kỹ thuật thâm canh để mở rộng diện tích trồng cây rau rừng và tăng công suất chế biến, từng bước đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu các nhóm khách hàng mục tiêu. Thành công của dự án giúp Sannamfood nâng cao năng lực về công nghệ chế biến thực phẩm, đặc biệt là công nghệ chế biến bột rau rừng. Đồng thời, góp phần nâng cao năng lực và kỹ năng của đội ngũ nhân viên trong lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra sản phẩm mới cho Sannamfood. Bên cạnh đó, dự án đã làm thay đổi nhận thức của người nông dân cũng như cán bộ công nhân viên về nghiên cứu và áp dụng KH&CN để nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam. Dự án có những tác động tích cực với môi trường. Cụ thể là gìn giữ và phát triển nguồn tài nguyên cây trồng bản địa chưa được quan tâm khai thác sử dụng. Qui trình nhân giống in vitro và qui trình canh tác sẽ thúc đẩy sản xuất tạo vùng nguyên liệu cho sản xuất bột rau rừng, góp phần nâng cao năng lực thị trường của Công ty. Sản phẩm bột rau rừng Núi Tản dần được người dân biết đến và sử dụng. Bài, ảnh: Mai Chi
|