Bản in
Phát triển mô hình doanh nghiệp KH - CN
Vấn đề phát triển doanh nghiệp khoa học - công nghệ (KH-CN) ở Việt Nam được nói tới nhiều trong những năm qua. Thế giới đã khẳng định, những doanh nghiệp phát triển dựa trên nền tảng công nghệ, giá trị sáng tạo khoa học thì bao giờ cũng tiên phong và có tính bền vững, ổn định rất cao. Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân (ảnh) đã nói về những vấn đề phát triển doanh nghiệp KH-CN ở Việt Nam hiện nay và những mô hình thành công.

* PV: Đến thời điểm này, bộ trưởng đánh giá như thế nào về mô hình hoạt động của hệ thống doanh nghiệp KH-CN ở Việt Nam?

* Bộ trưởng NGUYỄN QUÂN: Doanh nghiệp KH-CN là loại hình doanh nghiệp ứng dụng thành công các hoạt động nghiên cứu của chính họ hoặc những kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, các trường đại học, thậm chí là chuyển giao từ nước ngoài mà họ được quyền sở hữu và sử dụng hợp pháp. Đây chính là những doanh nghiệp đã kết nối được với các nhà khoa học, có tốc độ tăng trưởng rất nhanh và giá trị gia tăng lớn. Đặc biệt là họ có đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, bởi sự phát triển rất ổn định và bền vững, nhất là ở thời điểm có khủng hoảng kinh tế hoặc những khó khăn khác.

Trong 7 năm qua, Chính phủ Việt Nam, trực tiếp là Bộ KH-CN đã quan tâm và chủ trương hình thành một hệ thống doanh nghiệp KH-CN đất nước. Cụ thể là Nghị định 80/2007/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp KH-CN. Cho đến nay có khoảng 2.000 doanh nghiệp Việt Nam thuộc nhóm đối tượng này, đáp ứng được các tiêu chí về doanh nghiệp KH-CN. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn, vướng mắc khác nhau, chỉ mới có chưa đến 200 doanh nghiệp chính thức được công nhận, cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH-CN. Lý do là còn nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được những chính sách ưu đãi của Chính phủ, cũng như chưa có đủ thông tin về mô hình hoạt động này. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính còn rất nhiều vướng mắc, nhất là ở địa phương, nên việc cấp giấy chứng nhận còn hạn chế.

* Theo bộ trưởng, cần phải làm gì để 2.000 doanh nghiệp đã được “nhắm đến” đó sẽ chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH-CN?

* Bộ KH-CN đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ các tổ chức KH-CN chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hình thành các doanh nghiệp KH-CN. Chương trình sẽ được khởi động từ năm 2014 này. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ cho các tổ chức tổ chức KH-CN, tức là các viện, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học khi có kết quả nghiên cứu thì chuyển ngay sang thành lập các doanh nghiệp trực thuộc mình, hoặc chuyển đổi chính các tổ chức ấy thành doanh nghiệp KH-CN, nhằm thương mại hóa, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào đời sống kinh tế - xã hội. Chúng tôi cũng đã xây dựng các chương trình, dự án hợp tác quốc tế nhằm tìm các nguồn lực hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi này. Chính phủ đặt yêu cầu đến năm 2020, Việt Nam phải có 5.000 doanh nghiệp KH-CN. Chúng tôi đang hy vọng với những chính sách mới, quyết liệt và cởi mở hơn, số lượng doanh nghiệp KH-CN ở Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới.

Sản xuất thiết bị viễn thông tại nhà máy Viettel

* Thời gian qua, khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển đổi mô hình hoạt động, hướng đến những doanh nghiệp công nghệ. Bộ trưởng đánh giá như thế nào việc Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel từ kinh doanh dịch vụ viễn thông thuần túy đã tuyên bố hướng đến mô hình hoạt động tập đoàn công nghệ?

* Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Viettel. Trước đây họ có một trung tâm nghiên cứu và đã nâng cấp lên thành viện nghiên cứu thuộc tập đoàn. Chúng ta đều biết Viettel là một đơn vị kinh doanh hiệu quả và theo số liệu chúng tôi được biết, năm 2012 họ đã dành 10% lợi nhuận trước thuế, tương đương khoảng 2.400 tỷ đồng cho hoạt động nghiên cứu, phát triển. Tuy nhiên, do những vướng mắc về cơ chế chính sách và những quy định bất cập về mặt tài chính đối với Quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp, Viettel mới sử dụng được khoảng 400 tỷ đồng. Nhưng chỉ với chừng đó, Viettel đã đầu tư nghiên cứu và có được những sản phẩm hết sức quan trọng. Trong cuộc triển lãm của ngành công nghiệp quốc phòng cuối năm 2013 vừa rồi, Viettel đã trình bày và giới thiệu những sản phẩm hết sức ấn tượng đối với quân đội nói riêng và KH-CN nói chung. Nổi bật là những máy thông tin quân sự thế hệ mới, hệ thống radar tầm trung để cảnh giới vùng trời và vùng biển. Đây là những thiết bị được thiết kế, chế tạo hoàn toàn ở Việt Nam, đều do Viettel làm chủ công nghệ, đảm bảo tối đa về an ninh, bảo mật. Đặc biệt, chất lượng các thiết bị này tương đương nhập ngoại, nhưng giá thành rẻ hơn rất nhiều, có loại chỉ bằng 1/4 đến 1/5.

* Thành công của Viettel nói lên điều gì, thưa bộ trưởng?

* Viettel là một tập đoàn nhà nước đi đầu trong lĩnh vực viễn thông của Việt Nam hiện nay, nhưng nếu không có đầu tư cho nghiên cứu, phát triển KH-CN, chắc chắn rằng Viettel không thể có những kết quả rất ấn tượng về doanh thu, lợi nhuận cũng như những sản phẩm về KH-CN phục vụ quốc phòng. Viettel chỉ làm một lĩnh vực hẹp trong quốc phòng là viễn thông và thông tin liên lạc; nhưng do sự phát triển về KH-CN, nên sức lan tỏa của Viettel đã vượt ra ngoài phạm vi của nó. Mô hình chuyển đổi của Viettel sang doanh nghiệp công nghệ là rất tốt. Đương nhiên, nếu cả tập đoàn chuyển thành doanh nghiệp công nghệ thì khó khăn, phức tạp, nhưng nếu từng đơn vị thành viên trở thành doanh nghiệp KH-CN thì phù hợp nhất. Tôi cho rằng, Nhà nước, Bộ KH-CN, Bộ Tài chính cần sớm hiện thực hóa những tư tưởng của Luật KH-CN để giúp những doanh nghiệp như Viettel sử dụng tối đa nguồn kinh phí dành cho hoạt động KH-CN để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao quay trở lại phục vụ sự phát triển của doanh nghiệp cũng như quốc gia.

* Bộ trưởng có thể cho biết, hiện nay ở Việt Nam đã có bao nhiêu doanh nghiệp đã trích 10% lợi nhuận trước thuế của mình dành cho hoạt động nghiên cứu, phát triển KH-CN?

* Trước đây, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã quy định doanh nghiệp có thể trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho KH-CN thông qua quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp. Nhưng do chưa có chế tài, cũng như quy định về mức sàn nên rất nhiều năm qua hầu như các doanh nghiệp đều không thực hiện. Nay Luật KH-CN 2013 và nghị định hướng dẫn thực hiện luật đang được trình Chính phủ đã có quy định rõ, doanh nghiệp phải trích tối thiểu từ 1% và mức trần là 10% lợi nhuận trước thuế. Sẽ có sự phân loại theo loại hình doanh nghiệp, quy mô thu nhập tính thuế để thực hiện và đây là điều bắt buộc. Thời gian qua, khi nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến nghiên cứu, ứng dụng KH-CN, một số doanh nghiệp lớn đã làm và thành công.

Luật KH-CN 2013 sẽ bắt buộc các doanh nghiệp Nhà nước, các tổng công ty 90-91 phải trích lợi nhuận trước thuế thành lập Quỹ phát triển KH-CN, còn các thành phần kinh tế khác thì được khuyến khích áp dụng. Làm sao để ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhà nước thực sự phát triển mạnh, bền vững nhờ đầu tư nghiên cứu phát triển, đổi mới, áp dụng KH-CN.