Bản in
Cơ hội quý cho giới trẻ yêu khoa học
Ngày 2-3, đoàn đại biểu các nhà nghiên cứu trẻ của Việt Nam tham dự "Chương trình giao lưu thanh thiếu niên các nước Châu Á - Thái Bình Dương" - JENESYS 2.0 do Chính phủ Nhật Bản tài trợ đã lên đường đến Tokyo. Những hoạt động giao lưu với giới trẻ Nhật Bản trong chuyến đi này thực sự là cơ hội quý cho họ trải nghiệm thực tế tại một quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, tích lũy kinh nghiệm học tập và nghiên cứu...

JENESYS 2.0 là tuyên bố của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong chuyến thăm Indonesia ngày 18-1-2013, tiếp nối và mở rộng chương trình giao lưu thanh thiếu niên Đông Á thế kỷ XXI (JENESYS). Thực hiện JENESYS 2.0, Chính phủ Nhật Bản dự kiến đón 35.000 thanh, thiếu niên đến từ 41 quốc gia và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - Bắc Mỹ. Chương trình có mục đích tái thiết kinh tế Nhật Bản, thúc đẩy sự quan tâm đối với xứ Phù Tang của thanh thiếu niên các nước, thế hệ gánh vác tương lai; đồng thời tăng cường sự hiểu biết của quốc tế về "giá trị của quốc gia Nhật Bản". 

Kết nối và tạo dựng niềm say mê nghiên cứu khoa học ngay từ lứa tuổi thanh niên, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cùng Trung tâm Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICE) tổ chức các đoàn đại biểu gồm các bạn trẻ yêu khoa học và có thành tích trong học tập và nghiên cứu khoa học tại các trường đại học và các viện nghiên cứu tham gia JENESYS 2.0. Theo kế hoạch dự kiến trong năm 2014 sẽ có 5 đoàn đại biểu là nhà nghiên cứu trẻ đến Nhật Bản giao lưu với số lượng hơn 200 người. Đoàn đầu tiên vừa lên đường sang đất nước Mặt trời mọc gồm 48 sinh viên xuất sắc và cán bộ nghiên cứu trẻ được lựa chọn từ nhiều trường ĐH: Quốc gia Hà Nội; Bách khoa Hà Nội; Thăng Long; Đà Nẵng; Quốc gia TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Tất Thành và Viện Ứng dụng công nghệ. Họ đều là những cá nhân đạt thành tích cao trong học tập và nghiên cứu khoa học, có kỹ năng giao tiếp và thành thạo ngoại ngữ.

Trong thời gian 10 ngày tại Nhật Bản, các bạn trẻ sẽ được tham quan các tập đoàn công nghệ hàng đầu, giao lưu với các sinh viên tại một số trường đại học, được trải nghiệm văn hóa sống của người Nhật Bản. 48 đại biểu sẽ thực sự là 48 đại sứ trẻ đến từ Việt Nam, không chỉ lắng nghe mà còn tham gia tích cực vào chương trình thông qua các nội dung giao lưu văn hóa phong phú.

Sau ngày đầu còn nhiều bỡ ngỡ, với sự đón tiếp chu đáo của Ban tổ chức, các bạn trẻ Việt Nam đã bắt nhịp ngay vào các hoạt động của chương trình một cách tích cực, chủ động và sáng tạo. Sinh viên Phạm Thị Minh Trang (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã từng đoạt giải 3 cuộc thi ACM/ICPC khu vực Châu Á - site Hà Nội 2010, đạt danh hiệu sinh viên 5 tốt, nữ sinh tiêu biểu trong lĩnh vực công nghệ thông tin do Bộ KH&CN và Trung ương Đoàn trao tặng cho biết: "Khi biết được mình là người được trường chọn, Trang mong muốn mình có thể tìm hiểu và khám phá văn hóa, con người Nhật Bản, công nghệ hiện đại tiên tiến của đất nước này". Còn Trần Đình Thi, sinh viên năm thứ tư, ngành Công nghệ phần mềm, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh mong muốn tìm hiểu thực tế về con người và đất nước Nhật Bản để học hỏi, sau này góp phần xây dựng đất nước. 

Thay mặt cho 48 đại sứ trẻ, Huỳnh Đức Huy (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đã khẳng định tại lễ tiễn đoàn, rằng đây là cơ hội quý để các nhà nghiên cứu trẻ khẳng định mình trong quá trình hội nhập quốc tế, phấn đấu trở thành công dân toàn cầu trong tương lai bằng sức trẻ với phương châm 3L: "Lửa - nhiệt huyết tuổi trẻ; Liều - tính tiên phong và Lĩnh - bản lĩnh thanh niên Việt Nam".

Đối với giới trẻ nói chung và những bạn trẻ say mê nghiên cứu khoa học nói riêng, những chương trình như JENESYS 2.0 thực sự là cơ hội để bước ra thế giới, tăng sự tự tin và thể hiện sức trẻ Việt trong giai đoạn đất nước đổi mới mạnh mẽ, hội nhập quốc tế.