Bản in
Ký kết Hiệp định Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam -Phần Lan giai đoạn 2
Chiều 6/3/2014, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Đại sứ quán Phần Lan đã tổ chức Lễ ký kết Hiệp định khung Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP) giai đoạn II (2014-2018).

Tham dự Lễ ký kết có Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Kimmo Lahdevirta. Về phía Việt Nam có Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, GS. Hoàng Văn Phong – Phái viên Thủ tướng về KH&CN, Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cùng sự tham dự của đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ KH&CN và Ban Quản lý Dự án IPP.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân và Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Kimmo Lahdevirta đã thay mặt Chính phủ hai nước Ký kết Hiệp định Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2.

Chương trình IPP giai đoạn I ký kết và triển khai từ 8/2009 đến 2/2014 với tổng kinh phí 7,19 triệu Euro, trong đó 89% là vốn hỗ trợ không hoàn lại do Chính phủ Phần Lan tài trợ và 11% là vốn đối ứng. Trong giai đoạn 1 dự án đã tập trung vào các mục tiêu chính như hỗ trợ hoàn thiện một số văn bản pháp lý về KH&CN, xây dựng chương trình quản lý KH&CN đổi mới sáng tạo và tổ chức các khóa đào tạo cho khối quản lý KH&CN; hỗ trợ đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp và thúc đẩy hợp tác KH&CN giữa hai nước Việt Nam – Phần Lan. 

Dự án IPP được Chính phủ Phần Lan đánh giá cao, được xem là một trong những dự án trọng điểm của Chính phủ Phần Lan hỗ trợ Việt Nam vào giai đoạn hiện nay, lấy KH&CN làm động lực phát triển kinh tế - xã hội. Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nhấn mạnh “Chương trình IPP giai đoạn 1 đã thu được những kết quả tốt đẹp tạo xung lực để hai Chính phủ cùng nhau cam kết thực hiện tiếp giai đoạn 2 của dự án (2014-2018)”.

Giai đoạn 2 của Dự án với tổng kinh phí là 11 triệu Euro. Trong đó phía Phần Lan viện trợ không hoàn lại là 9,9 triệu Euro và phía Chính phủ Việt Nam đối ứng 1,1 triệu Euro. Mục tiêu chính của giai đoạn này là tập trung hỗ trợ hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng để Luật KH&CN năm 2013 và Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020 của Việt Nam đi vào cuộc sống; tăng cường đào tạo về đổi mới sáng tạo thông qua việc hoàn thiện giáo trình về đổi mới sáng tạo và tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu cho các nhà quản lý khoa học công nghệ ở các địa phương, các doanh nghiệp, cácviện nghiên cứu; hỗ trợ phát triển một số sản phẩm cấp vùng, hình thành đội ngũ chuyên gia tư vấn đổi mới công nghệ để tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, hình thành các nội dung hợp tác cụ thể giữa cộng đồng các nhà sáng tạo của hai nước và tổ chức thí điểm Giải thưởng về đổi mới sáng tạo. Đây là những nội dung rất thiết thực, là những quan tâm ưu tiên thực hiện của chính phủ Việt Nam trong giai đoạn đặc biệt quan trọng này. Đồng thời thể hiện được những giá trị quý báu từ kinh nghiệm và bài học thành công của đất nước Phần Lan. 

Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Kimmo Lahdevirta cho biết, Chương trình IPP đã hỗ trợ phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo ở cả khu vực công và tư tại Việt Nam. Chương trình cũng đã góp phần vào việc thiết lập các hình thức hợp tác và đối tác giữa hai quốc gia Việt Nam, Phần Lan. IPP được xem là chương trình có tính phù hợp cao và đã chứng tỏ được sự đúng đắn trong phương pháp tiếp cận sau quá trình triển khai thực hiện giai đoạn 1. 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân và Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Kimmo Lahdevirta đã thay mặt Chính phủ hai nước Ký kết Hiệp định

Chương trình IPP giai đoạn 2 (IPP2) sẽ thúc đẩy sức cạnh tranh của Việt Nam thông qua việc tiếp cận mở thông tin và tri thức cho tất cả mọi người. IPP2 sẽ hỗ trợ đổi mới sáng tạo toàn diện vào khu vực doanh nghiệp. Phương pháp tiếp cận đa chiều bao gồm: doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu khu vực công và các tổ chức, cộng đồng sẽ là hướng tập trung của chương trình hỗ trợ, cũng như dành cho việc phát triển toàn diện và ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo cho người nghèo. Các hoạt động phát triển kỹ năng và tăng cường năng lực sẽ triển khai cho toàn bộ các bên có liên quan trong hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam và kết nối giữa các khu vực, bộ, ngành khác sẽ được tăng cường. Cơ hội bình đẳng cho cả nam giới và phụ nữ sẽ được thúc đẩy tại tất cả cấp độ của chương trình, chính sách để thực hiện. 

Ngài Kimmo Lahdevirta khẳng định chương trình ký kết cho thấy quan hệ giữa Việt Nam –Phần Lan đã chín muồi, có thể chuyển các quan hệ này từ phát triển truyền thống sang hình thức hợp tác mới và quan hệ đối tác bền vững. IPP2 này sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như làm sâu sắc hơn tình hữu nghị thân thiết giữa hai quốc gia. 

Phương Nga