Bản in
Khoa học công nghệ đang vượt qua con đường quanh co...
Trong bước chuyển mới và nhằm thay đổi manh mẽ cách làm cũ, thiếu hiệu quả, quanh co với "bầu sữa ngân sách", ngành KHCN đang tiến hành xây dựng mô hình viện nghiên cứu cao cấp phục vụ hoạt động sản xuất với những cơ chế quốc tế. Nếu thành công, mô hình này sẽ được nhân rộng ra toàn quốc, tạo động lực để KHCN nước nhà phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của quốc gia.

Khi các viện nghiên cứu mãi dựa vào bầu sữa ngân sách

Cả nước hiện có trên 600 viện, trung tâm nghiên cứu KHCN với số lượng giáo sư, tiến sỹ nhiều nhất Đông Nam Á; Ngân sách nhà nước hàng năm rót vào hệ thống các viện, trung tâm nghiên cứu này cũng rất lớn song hiệu quả hoạt động của các cơ quan này rất hạn chế. Chỉ tính riêng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hiện có hơn 30 viện thành viên, tập trung hơn 3 nghìn cán bộ khoa học. Mỗi năm ngân sách nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng để trả lương và duy trì cơ sở vật chất. Tuy nhiên, sản phẩm khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam rất ít; không tương xứng với đầu tư của nhà nước và kỳ vọng của quốc gia.

Rất nhiều nguyên nhân đã được chính các nhà khoa học tâm huyết chỉ ra. Trong đó, tất cả các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học của nước ta đều hoạt động theo một cơ chế chung từ nhiều năm nay với nhiều nút thắt về cơ chế tài chính, chế độ đãi ngộ và phương thức đầu tư cũ, thiếu khoa học. Cơ chế quản lý thiết chặt đầu vào nhưng lại buông lỏng đầu ra, hầu như chưa chú trọng đến hiệu quả cuối cùng khiến cho thành tựu chung của nhiều viện, trường, trung tâm nghiên cứu trong suốt nhiều năm qua là những dự án, công trình… trên giấy, bỏ ngăn kéo.

Cách đây 9 năm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 115 Quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập với các quy định cho phép các viện có quyền tự chủ để chủ động phát triển. Tuy nhiên, sau 9 năm, bên cạnh một số ít các trung tâm nghiên cứu bước đầu thực hiện thành công cơ chế tự chủ, đại bộ phận các viện nghiên cứu KHCN từ trung ương đến địa phương vẫn phớt lờ Nghị định này. Sự phớt lờ thay đổi, áp dụng cơ chế tự chủ của những cơ quan tiên phong trong các nghiên cứu, sáng tạo và đổi mới này bắt nguồn từ đâu?

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, cơ chế bao cấp trong hoạt động nghiên cứu KHCN đang ru ngủ các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học. Có vẻ như các viện, trường đã quen dựa vào bầu sữa ngân sách, an nhàn và an toàn hơn thì phải. Với cơ chế hiện hành, các viện dù hoạt động hay hay dở, dù kết quả nghiên cứu được ứng dụng hay cất ngăn kéo thì các viện vẫn được ngân sách trả lương, vẫn tồn tại. Để thay đổi phương thức từ chế độ dù làm ít hay làm nhiều, thậm chí không làm hoặc làm không có kết quả vẫn có lương, sang cơ chế thị trường, có làm có hưởng, không làm không có gì, thu nhập theo năng lực thông qua hiệu quả nghiên cứu và các sản phẩm mới không phải là chuyện dễ dàng.

Hơn nữa, với cơ chế cũ, người đứng đầu các viện, trung tâm nghiên cứu an nhàn nhưng nếu chuyển sang cơ chế tự chủ, người đứng đầu sẽ giống như ông chủ doanh nghiệp, phải lao tâm khổ tứ để xây dựng uy tín và hiệu quả hoạt động của cơ quan, qua đó xây dựng thương hiệu và uy tín của các viện, trường thông qua kết quả nghiên cứu, các sản phẩm mới được ứng dụng. Nếu không xây dựng được danh tiếng, uy tín và hiệu quả của viện, đồng nghĩa với không có được các hợp đồng và kinh phí. Khi đó sẽ không tập hợp được người giỏi và ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của các viện, trung tâm. Vậy nên, bên cạnh việc khung pháp lý hiện hành chưa cho phép thay đổi thì bản thân người đứng đầu các viện, trung tâm nghiên cứu không muốn thay đổi đã làm cho một chính sách đột phá không được thực thi triệt để trong thực tế.

Mô hình V-KIST tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc                             Nguồn: khoahoc.com.vn


Xây dựng mô hình nghiên cứu khoa học mới ở Việt Nam


Nghị quyết Trung ương 6, Khóa XI về phát triển Khoa học và Công nghệ cũng như Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) đặt ra yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính cũng như đổi mới cơ chế hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ. Vấn đề đặt ra là lựa chọn một viện đang hoạt động theo cơ chế cũ để đổi mới mô hình hoạt động hay đầu tư phát triển một viện nghiên cứu KHCN hoàn toàn mới với mô hình tổ chức hoạt động tương tự quốc tế?

Sau khi tính toán và lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định đề xuất xây dựng Viện nghiên cứu cao cấp Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là mô hìnhViện nghiên cứu cao cấp về khoa học và công nghệ, nghiên cứu phục vụ hoạt động sản xuất, tương tự Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST), nơi đóng góp tới 30% giá trị gia tăng của công nghiệp Hàn Quốc thông qua các sản phẩm nghiên cứu. Dự kiến, số vốn đầu tư của dự án là hơn 3.000 tỷ đồng. V-KIST hoạt động dựa vào nguồn thu từ các hợp đồng đặt hàng nghiên cứu của các doanh nghiệp, Nhà nước chứ không phải từ ngân sách nhà nước. Viện cũng có một cơ chế hoạt động riêng với những đổi mới về cơ chế tài chính, đãi ngộ so với hiện nay, tiến gần tới đẳng cấp quốc tế.

Một số ý kiến đặt vấn đề, thay vì phát triển một viện hoàn toàn mới, không chọn một viện đã có để tập trung đầu tư mô hình mới. Theo lãnh đạo ngành KH-CN, ngành đã tính toán về vấn đề này nhưng nếu làm như vậy thì rất khó thành công khi vấp phải trở lực rất lớn từ cung cách hoạt động cũ. Đặc biệt, bên cạnh số ít các nhà khoa học tâm huyết muốn đổi mới thì phần đông những người hoạt động ở các viện này không muốn thay đổi. Bởi mọi người cũng không chắc chắn sự thay đổi có tốt hơn không bởi chưa có một mô hình thực tế nào ở nước ta. Nếu có tiến hành thay đổi thì việc thay đổi sẽ thực hiện từ từ, từng bước và như thế thì không bao giờ chúng ta có các viện nghiên cứu có danh tiếng, đẳng cấp.

Lý lẽ này không phải không có lý. Cũng giống như tình trạng tắc đường ở thành phố lớn ở nước ta, nếu như khoa học công nghệ vẫn đi con đường cũ với những ưu tiên, đổi mới từng bước theo kiểu dành cho xe ưu tiên thì gặp cảnh tắc đường cũng chẳng thể di chuyển nổi. Vấn đề là để những ý tưởng tốt đẹp, cởi trói và chắp cánh cho các nhà khoa học sáng tạo trở thành thực tế và phổ biến, rất cần vượt lên khuôn khổ thông thường hiện tại. Và chúng ta có chấp nhận được điều này hay không.

Đề án xây dựng V-KIST dự kiến sẽ được trình Chính phủ trong quý I này. Khi được phê duyệt sẽ mất khoảng 3 năm để xây dựng cơ sở vật chất. Cũng trong năm nay, Bộ Khoa học và Công nghệ dự kiến sẽ trình Chính phủ, Quốc hội một văn bản quy định các cơ chế đặc thù riêng cho V-KIST. Các cơ chế đặc thù bao gồm các chính sách ưu đãi về tài chính, về chính sách đãi ngộ. Chẳng hạn, về tài chính là các quy định ưu đãi về thuế, về kiểm toán, về chế độ thu nhập cho cán bộ của viện cũng như chế độ thuê chuyên gia nước ngoài… Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, V-KIST sẽ là mô hình áp dụng các cơ chế chính sách, tổ chức, hoạt động mới tương tự mô hình Viện KIST của Hàn Quốc cũng như mô hình của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore… Nếu mô hình này thành công sẽ được nhân rộng ra các viện, trường trên cả nước, mang lại thành công cho sự nghiệp nghiên cứu, phát triển KHCN của quốc gia, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.