Bản in
Gia tăng hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp
Nhu cầu đổi mới sáng tạo phải xuất phát từ các doanh nghiệp. Nhưng, hiện nay nhiều doanh nghiệp còn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và hiệu quả của hoạt động đổi mới sáng tạo. Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần quan tâm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo.

Doanh nghiệp chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ

Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với sức ép về cạnh tranh trong nước và quốc tế cùng với những chính sách của Nhà nước, các doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, đào tạo nâng cao trình độ quản lý và nghiệp vụ chuyên môn, kỹ thuật, quan tâm thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong doanh nghiệp. 

“Ước tính cả nước có khoảng 13 nghìn doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ. Các cuộc khủng hoảng kinh tế cũng đòi hỏi phải có những thay đổi, đặc biệt là về công nghệ mới, trong mỗi doanh nghiệp để có thể tồn tại và phát triển. Vấn đề này cũng đưa đến nhiều cơ hội gia tăng hoạt động đổi ĐMST trong KH&CN”, ông Phạm Văn Diễn, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN cho hay.

Ông Phạm Ngọc Minh, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN cho biết, ở khu vực phía Nam, nhất là thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố, như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ,… là địa bàn trọng điểm tập trung sản xuất công nghiệp, thương mại - dịch vụ, giáo dục - đào tạo, KH&CN, thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển rất năng động. Trong đó, hoạt động KH&CN cùng ĐMST có nhiều khởi sắc, đóng góp có hiệu quả vào sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Công ty Cổ phần sơn Hải Phòng đã nghiên cứu thành công sản phẩm sơn thân thiện với môi trường

Tính đến nay, tại khu vực phía Nam, trong ngành lương thực – thực phẩm đã có 3 doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển KH&CN, có 17 doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới công nghệ.  Việc áp dụng các hệ thống quản lý và các công cụ cải tiến năng suất chất lượng đã được đa số các doanh nghiệp quan tâm thực hiện, nhất là các hệ thống quản lý liên quan đến chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm, HACCP, GMP, GAP,… Phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật và hoạt động ĐMST đã được  doanh nghiệp chú trọng và phát triển.

Hoạt động R&D được đẩy mạnh không chỉ ở các trường đại học, viện nghiên cứu mà còn cả ở các doanh nghiệp. Một số kết quả R&D của các cơ sở nghiên cứu đã trở thành nền tảng hình thành các doanh nghiệp rất thành công như Công ty Cổ phần an ninh mạng BKAV, Công ty Cổ phần Robot TOSY,… Một số doanh nghiệp trực tiếp tiến hành các hoạt động R&D để giải quyết những vấn đề thực tiễn trong sản xuất, sau đó trực tiếp đưa các kết quả vào hoạt động kinh doanh mang lại những lợi ích rất lớn như Công ty Cổ phần giống cây trồng miền Nam, Công ty Cổ phần nhựa Tiền Phong, Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông,…

Các hoạt động ĐMST thuộc lĩnh vực dịch vụ KH&CN cũng có những kết quả nhất định. Hoạt động của các sàn giao dịch công nghệ, các chợ công nghệ - thiết bị được tổ chức góp phần chuyển giao thành công các tài sản trí tuệ đến các địa chỉ ứng dụng. Mối liên kết giữa các nhà khoa học, các viện nghiên cứu/trường đại học và các doanh nghiệp đã từng bước được chú trọng, đưa nghiên cứu đến gần hơn với thực tiễn sản xuất kinh doanh.

ĐMST cần được quan tâm đúng mức

Hoạt động ĐMST trong KH&CN đã có những thành tựu quan trọng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Phạm Văn Diễn, hoạt động này vẫn còn một số hạn chế. Đó là, chỉ có 6,6% số doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu; 77% số doanh nghiệp không theo đuổi hoạt động R&D; số lượng các nghiên cứu được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam còn hạn chế. Tính đến năm 2010, số lượng sáng chế và giải pháp hữu ích của người Việt Nam được bảo hộ tại Việt Nam tương ứng là 418 và 530. Việc nghiên cứu của các nhà khoa học chưa thực sự theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Mối liên kết giữa viện nghiên cứu/trường đại học với khu vục công nghiệp còn mới ở điểm xuất phát, cần thêm nhiều xung lực để phát triển. Hoạt động mua bán công nghệ với nước ngoài vẫn nặng về phần thiết bị hơn là phần công nghệ,...

Đánh giá về hoạt động ĐMST của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực phía Nam, ông Phạm Ngọc Minh cho rằng, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp còn lạc hậu. Hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm, cải tiến công nghệ, đổi mới hoạt động kinh doanh - tiếp thị và phong trào phát huy sáng kiến, lao động sáng tạo trong các doanh nghiệp vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Năng suất lao động còn thấp, sản phẩm hàng hóa rất khó thâm nhập vào thị trường các nước phát triển, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn hạn chế. Theo ông Minh, trong thời gian tới các doanh nghiệp cần quan tâm thúc đẩy hoạt động ĐMST để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Phạm Văn Diễn nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng của hoạt động ĐMST trong KH&CN cần có sự đóng góp tích cực của công tác truyền thông. Cụ thể là cần đầu tư phát triển nguồn lực cho công tác truyền thông KH&CN, đổi mới hoạt động truyền thông cả về nội dung và hình thức. Cùng với đó là tập trung hoạt động truyền thông về ĐMST cần hướng đến đối tượng doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Mai Chi