|
|||
Năm mới với những vận hội mới, toàn ngành KH&CN sẽ nỗ lực đóng góp cho sự phát triển KH&CN nước nhà, sớm đưa nước ta từ một nước nông nghiệp trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Hoàn thiện hành lang pháp lý về KH&CN Năm 2013 hành lang pháp lý về KH&CN được hoàn thiện thêm một bước cơ bản với việc Quốc hội chính thức thông qua Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) với tỷ lệ nhất trí cao. Luật KH&CN năm 2013 là căn cứ pháp lý quan trọng để Bộ KH&CN cùng các bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ các chính sách đổi mới về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính trong KH&CN, chính sách sử dụng và trọng dụng đội ngũ cán bộ KH&CN trong nước và ở nước ngoài (thông qua các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật). Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nhấn mạnh “với vị trí là luật gốc trong lĩnh vực KH&CN, Luật KH&CN năm 2013 tiếp tục thể chế hóa những quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN phục vụ mục tiêu phát triển đất nước nhanh và bền vững, phù hợp với tình hình mới và tiệm cận với thông lệ quốc tế. Luật KH&CN năm 2013 đánh dấu mốc son mới, tiếp tục khẳng định phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững; đổi mới thực sự cơ chế quản lý KH&CN, trọng tâm là đổi mới phương thức đầu tư và cơ chế tài chính, khắc phục yếu kém trong thời gian qua; phát huy và tận dụng mọi cơ hội trong và ngoài nước để tăng cường tiềm lực KH&CN đáp ứng mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ KH&CN đang triển khai chương trình cụ thể xây dựng hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, với mục tiêu Luật KH&CN là đạo luật thí điểm về tính đáp ứng, nghĩa là khi Luật có hiệu lực thi hành thì các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật cũng được ban hành đồng bộ, kịp thời. Đồng thời, đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến triển khai Luật cho mọi đối tượng trong xã hội, từ các cơ quan quản lý, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Trong năm 2013, toàn ngành KH&CN cũng đã tập trung triển khai Nghị quyết số 20- NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và “Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-20120”. Bộ KH&CN cũng đã chủ trì thực hiện nhiều nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 27- NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Tín hiệu tốt cho tương lai phát triển KH&CN Việt Nam Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, năm 2013 cũng là năm thành công của các chương trình, dự án có tầm ảnh hưởng lớn. Nhiều chương trình, dự án lớn đã được khởi động, phát đi những tín hiệu tốt cho tương lai phát triển KH&CN. Đặc biệt là Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020, Dự án FIRST, Dự án V-KIST, Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình “thung lũng Silicon”… Nhà nước quan tâm đến vấn đề bảo tồn nguồn gen và coi nhiệm vụ KH&CN về quỹ gen làm nhiệm vụ quốc gia cần được thực hiện thường xuyên và hàng năm Tiềm lực KH&CN từng bước được cải thiện, đã kiện toàn tổ chức, hình thành tổ chức KH&CN và mạng lưới nghiên cứu mạnh. Nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp đi tiên phong trong ứng dụng và đổi mới công nghệ. KH&CN đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Xác định doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới công nghệ, ngành KH&CN đã triển khai nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ tạo tác động tích cực làm tăng đầu tư của khu vực ngoài ngân sách cho KH&CN. Bộ KH&CN đã triển khai nhiều nội dung để hỗ trợ, hình thành doanh nghiệp KH&CN. Năm 2013 có 87 doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Bình quân doanh thu của doanh nghiệp KH&CN đạt gần 60 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân là 6,4 tỷ đồng. Hoạt động hợp tác quốc tế đã đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận. Lần đầu tiên Việt Nam giả mã thành công hệ gen của 36 giống lúa bản địa góp phần cải tạo và chế tạo giống lúa cho năng suất và chất lượng cao; hoàn tất việc đưa 16 kg uranium ra khỏi Việt Nam trả về Nga an toàn được quốc tế đánh giá cao; đàm phán thành công với Hoa Kỳ về Hiệp định và bản ghi nhớ về hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, trong đó bảo lưu được quyền làm giàu và tái chế uranium của Việt Nam. Công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và bảo hộ sở hữu trí tuệ đã hướng mạnh tới việc thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng KH&CN và hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất - kinh doanh, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ để củng cố năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Các nghiên cứu KH&CN đã góp phần tăng tỷ lệ các yếu tố về năng suất lao động tổng hợp (TFP), đạt 27% trong năm 2013. Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, từ đổi mới cơ chế chính sách tác động đến hiệu quả hoạt động KH&CN, năm 2013, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã xếp hạng Việt Nam ở vị trí 76 trong tổng số 142 nền kinh tế, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN. Đặc biệt, chỉ số đầu ra đổi mới sáng tạo Việt Nam được xếp hạng 54/142 và tỷ số hiệu quả đổi mới sáng tạo được xếp hạng 17/142, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định, năm 2014 Bộ KH&CN sẽ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ với kết quả cao nhất, sớm đưa Nghị quyết Trung ương 6, Khóa XI, Luật KH&CN và Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 đi vào cuộc sống, nhằm tạo động lực mới cho phát triển KH&CN, đưa KH&CN thực sự trở thành động lực then chốt của công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững đất nước. Theo đó, Bộ sẽ tập trung vào 6 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về KH&CN, đổi mới cơ chế tài chính và chính sách sử dụng, trọng dụng cán bộ KH&CN; triển khai các định hướng nhiệm vụ KH&CN chủ yếu và phát huy, tăng cường tiềm lực KH&CN quốc gia; hỗ trợ tổ chức KH&CN công lập chuyển đổi, phát triển thị trường KH&CN và đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp; tăng cường hiệu quả hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Cùng với đó, Bộ KH&CN sẽ thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững đất nước; đẩy mạnh hội nhập quốc tế về KH&CN. Bài, ảnh: Phương Nga
|