Bản in
TPHCM: Khánh thành khu nhà nuôi cấy tế bào thực vật
Ngày 4/1, Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM khánh thành khu nhà lưới, nhà kính nuôi cấy tế bào thực vật tại quận 12.

Khu nhà lưới, nhà kính là nơi nghiên cứu ứng dụng kết quả nghiên cứu lĩnh vực công nghệ sinh học thực vật từ phòng thí nghiệm vào sản xuất; triển khai các nghiên cứu, thử nghiệm trên phạm vi nhà kính, nhà lưới và đồng ruộng đối với các loại cây trồng; lưu trữ nguồn gen giống cây trồng, chọn lọc, lai tạo bằng công nghệ sinh học để tạo ra các giống cây trồng mới…

Hạng mục chính khu nhà lưới, nhà kính là nhà nuôi cấy mô tế bào thực vật, có khả năng sản xuất nhân giống trên 2 triệu cây giống cấy mô các loại/năm. Nhà kính có thể tiến hành tối thiểu 8 thí nghiệm cùng lúc với chế độ dinh dưỡng và điều kiện sinh trưởng khác nhau… Trong khi đó, nhà lưới có chức năng bảo tồn nguồn gen, trồng thử nghiệm, nhân giống hoa trong chậu.

Khu nhà là nơi triển khai quy trình vi nhân giống nhanh các loại cây trồng (rau, hoa, cây kiểng, cây dược liệu) với quy mô công nghiệp; thực hiện việc lưu trữ nguồn gen giống cây trồng, tiến hành chọn lọc, lai tạo bằng công nghệ sinh học để tạo ra các giống cây trồng mới có các tính nổi trội theo mục tiêu kháng sâu bệnh, chịu hạn, năng suất cao, chất lượng tốt...

Khu nhà kính, nhà lưới cũng được sử dụng tiến hành trồng thử nghiệm các giống cây trồng mới nhằm đánh giá hiệu quả và tính thích nghi trước khi chuyển giao ra sản xuất.

Dự án Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM có tổng vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD, được xây dựng trên diện tích 23ha. Trong những năm qua, Trung tâm đã sưu tập, bảo quản và nhân giống khoảng 330 giống hoa lan, trong đó có 111 giống lan rừng Việt Nam; bộ giống cây dược liệu với gần 90 giống các loại; nghiên cứu, sản xuất các phẩm sinh học phục vụ trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.