Bản in
Băng tải lòng máng sâu: Thêm giải pháp cho vận chuyển than
Trong các khu hầm lò khai thác than, với độ dốc tương đối lớn, việc vận chuyển than gặp rất nhiều khó khăn. Do đó nghiên cứu, chế tạo thành công băng tải lòng máng sâu đã mở ra một hướng đi mới, thuận tiện hơn, hiệu quả hơn trong vận chuyển than.
Từ trước tới nay, do đường hầm để khai thác than của nước ta chủ yếu là các đường hầm lò dốc nên phương tiện chủ yếu để vận tải than tại các khu hầm lò là xe goòng. Phương tiện này được sử dụng rộng rãi do nhỏ, thuận tiện để di chuyển trong các hầm lò sâu, nghiêng, dễ dàng sử dụng. Tuy nhiên, chính vì đặc điểm là nhỏ gọn cho nên loại phương tiện này có một nhược điểm là không vận chuyển được nhiều than, tốn nhiều nhân công cho một mẻ than.
Trong điều kiện vận chuyển như vậy, vận tải bằng băng tải được đánh giá là có nhiều ưu điểm hơn so với vận chuyển bằng xe goòng do không tốn nhiều nhân công, lại có thể vận chuyển được một khối lượng than lớn hơn trong cùng một chuyến. Tuy nhiên, trước đây, do hệ thống băng tải vẫn phải nhập khẩu cho nên vẫn có những đặc điểm không phù hợp với điều kiện khai thác than hầm lò của nước ta. Cụ thể, hệ thống băng tải này chỉ cho phép góc vận tải đến 160, trong khi đó, các mỏ than hầm lò của nước ta lại có độ dốc lớn hơn nhiều. Bên cạnh đó, để trang bị một hệ thống băng tải cho mỗi hầm lò khai thác than đòi hỏi một lượng ngoại tệ khá lớn. Trước tình hình đó, Viện Cơ khí năng lượng và mỏ - TKV đã thực hiện nghiên cứu đề tài "Hoàn thiện thiết kế, chế tạo băng tải dốc dùng cho mỏ than hầm lò Việt Nam". Đề tài đã hoàn thành và khẳng định việc vận chuyển chuyển than bằng băng tải hoàn toàn có thể áp dụng được ở các đường lò có độ dốc lớn hơn nếu băng tải thường được chuyển thành băng tải lòng máng sâu.
Điểm cốt yếu nhất của thiết bị này – ông Nguyễn Văn Kháng - Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Để tạo ra một thiết bị băng tải có tác dụng vận chuyển vật liệu trên độ dốc lớn, vấn đề lớn nhất phải giải quyết là giữ dòng vật liệu ổn định trên băng, tức là không có hiện tượng trượt giữa các lớp vật liệu với nhau và giữa vật liệu với băng. Do vậy, để khắc phục được nhược điểm này, điểm đặc biệt nhất của hệ thống băng tải lòng máng sâu là tiết diện ngang của lòng máng đã được tính toán kỹ để có độ sâu thích hợp. Bởi khi vật liệu rời nằm trong lòng máng sâu, đặt trên độ dốc lớn sẽ sinh ra áp lực phụ bên hông, làm cho các lớp vật liệu ở trên bị nén lại, làm tăng ma sát giữa băng và vật liệu, giữa các lớp vật liệu với nhau, giữ cho chúng không bị trượt, bị lăn mà chuyển động cùng với băng tải. Lúc đó, băng tải không phải làm nhiệm vụ giữ vật liệu mà là giúp cho vật liệu tự giữ nó. Do vậy, dù điều kiện hầm lò có độ dốc cao, băng tải vẫn làm tốt nhiệm vụ vận chuyển nhiên liệu”.
Song song với việc thiết kế, chế tạo sản phẩm, nhóm đề tài đã không ngừng cải tiến sản phẩm, hiệu chỉnh quy trình công nghệ để sản phẩm được hoàn thiện. Việc đưa băng tải lòng máng sâu áp dụng vào các mỏ than hầm lò Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển công nghệ khai thác mỏ hầm lò hiện nay, nhằm góp phần nâng cao năng suất vận tải, nâng cao công suất mỏ, đồng thời giải quyết được những vấn đề khó về kỹ thuật đặt ra trong thực tế sản xuất. Nó còn khẳng định khả năng tự thiết kế, chế tạo băng tải dốc trong nước, thay thế nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ, tăng khả năng chủ động trong sản xuất và mang lại hiệu quả cao cho các doanh nghiệp khai thác than. Tính đến tháng 6/2009, Viện Cơ khí năng lượng và mỏ - TKV đã thực hiện thiết kế, chế tạo và cung cấp cho các mỏ hầm lò Việt Nam hơn 11 tuyến băng tải lòng máng sâu với chiều dài gần 6km. Độ dốc vận tải lớn nhất mà loại băng tải này có thể đạt được là 250. Hàng năm, doanh thu từ sản phẩm đạt từ 25-30 tỷ đồng./.
VEN