Bản in
Điểm tin KH&CN từ ngày 7-13/12
Tiêu 13 tỷ nghiên cứu bò phối giống; Chế tạo giàn khoan tự nâng lớn nhất Việt Nam; Phát hiện loài ráy mới ở Đà Nẵng; Anh hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực điện hạt nhân;… là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.

Tiêu 13 tỷ nghiên cứu bò phối giống

Kể từ năm 2014, Sở Khoa học và Công nghệ ba tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận cùng chủ trì thực hiện nghiên cứu lai tạo và chọn lọc bò lai bò tót tại vùng rừng giáp ranh giữa ba tỉnh. Dự án sẽ tiến hành đánh giá ưu thế lai của bò lai có 25% máu bò tót về các chỉ tiêu năng suất, chất lượng thịt, khả năng chống chịu bệnh...

Mục tiêu cụ thể là sẽ tạo ra 5 bò lai F2, 40 con bò lai có 25% máu bò tót tại Phước Bình (Ninh Thuận); thu 10.000 liều tinh đông lạnh bò đực, trong đó có 5.000 liều từ bò lai bò tót F1, F2 và 5.000 liều từ bò lai 25% máu bò tót. Sau đó cả ba tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng tiếp tục tạo ra 180 con bò lai 25% và 12,5% máu bò tót từ thụ tinh nhân tạo bằng tinh bò lai.

Dự kiến kinh phí dành cho nghiên cứu là trên 13 tỷ đồng và thời gian triển khai kéo dài 3 năm. (Theo Đất việt 9/12).

Chế tạo giàn khoan tự nâng lớn nhất Việt Nam

Ngày 10/12, tại TP. Vũng Tàu, CTCP Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) tổ chức khởi công chế tạo giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05. Đây là công trình cơ khí lớn nhất ở Việt Nam tính đến thời điểm này và là giàn khoan tự nâng thứ hai do PV Shipyard chế tạo.

Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 do Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro làm chủ đầu tư và PV Shipyard làm tổng thầu. Giàn khoan được thiết kế theo mẫu JU-2000E hiện đại nhất của Hoa Kỳ, với tổng khối lượng 18.000 tấn, có thể hoạt động ở độ sâu nước biển 120m và khả năng khoan tới mỏ dầu, khí ở độ sâu 9km.

Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 có giá trị trên 200 triệu USD và theo dự kiến sẽ hoàn thành trong thời gian 32 tháng. (Theo Chinhphu.vn 10/12).

Đẩy mạnh thị trường khoa học công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ các sản phẩm quốc gia

Chiều ngày 10/12, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động làm trưởng đoàn kiểm tra thực hiện Cuộc vận động tại Bộ Khoa học và Công nghệ.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc.

Sau 4 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng Việt Nam" tại Bộ Khoa học và Công nghệ, bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực. Bộ đã ban hành cơ chế chính sách nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học để hỗ trợ các doanh nghiệp khoa học công nghệ và phát triển thị trường khoa học công nghệ…

Cùng với đó, Bộ đã đẩy mạnh tuyên truyền về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật, công bố tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận hợp quy phù hợp với tiêu chuẩn hàng hóa Việt Nam, xây dựng,…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đúng hướng và hợp nhu cầu thực tiễn. Qua đó góp phần làm cho việc quản lý hoạt động khoa học công nghệ ngày càng phong phú hơn… (Theo dangcongsan.vn 10/12).

Phát hiện loài ráy mới ở Đà Nẵng

Giới khoa học vừa công bố loài ráy mới trong chuyến khảo sát tại vườn quốc gia Bà Nà - Núi Chùa. Loài mới là Ráy Việt Nam, tên khoa học Alocasia vietnamensis V.D. Nguyen&de Kok.

Theo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), Ráy Việt Nam có thân rễ và cuống bông mo chỉ dài bằng 1/4 cuống lá, mo màu trắng ngà, chúng có đặc điểm giống với loài Ráy evrard (Alocasia evrardii Gagnep. ex V.D. Nguyen) do phần phụ của hai loài đều có cuống. (Theo vnexpress 10/12).

Anh hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực điện hạt nhân

Ngày 10/12, Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bộ Khoa học - Công nghệ đã tổ chức hội thảo về việc hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Ông Andrew Holt - Trưởng bộ phận Thịnh vượng (Đại sứ quán Vương quốc Anh) cho rằng: “Với kinh nghiệm hơn 60 năm phát triển điện hạt nhân cùng 41 lò phản ứng đang hoạt động và hơn 30 trường đại học có ngành đào tạo liên quan đến điện hạt nhân, Vương quốc Anh sẽ chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực. Để vận hành được nhà máy Ninh Thuận 1, Việt Nam cần tới 1.200 chuyên gia giỏi”. (Theo Công an nhân dân 11/12).

Nhiều nhà khoa học quốc tế điện tử - viễn thông đến Việt Nam

Ngày 11-12, hàng chục nhà khoa học uy tín của thế giới về điện, điện tử - viễn thông, tự động hóa, cơ điện tử… đã đến VN tham dự hội nghị quốc tế Các giải pháp công nghệ tiên tiến - lý thuyết và ứng dụng trong kỹ thuật điện, điện tử - viễn thông, khoa học máy tính và cơ điện tử 2013 (AETA).

Các nhà khoa học trao đổi bên thềm hội nghị AETA 2013.

Hội nghị do Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Ostrava (Cộng hòa Séc) phối hợp tổ chức. Cùng hàng chục nhà khoa học của 26 trường, viện nghiên cứu trong nước, hội nghị này bàn về nhiều chủ đề nóng trong lĩnh vực điện tử, viễn thông, cơ điện tử như hệ thống cơ khí - điện tử, điều khiển điện tử…

Thầy Võ Hoàng Duy, Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trưởng ban Tổ chức AETA 2013 cho biết, hội nghị là cơ hội để các nhà khoa học của trường và nhiều nhà khoa học của Việt Nam trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu, tìm kiếm đề tài mới và tìm hướng để phát triển những nghiên cứu trong lĩnh vực này. (Theo Tuổi trẻ 11/12).

16/1 trao giải thưởng báo chí về KH&CN 2013

Theo thông tin từ ban tổ chức ngày 16/1/2014, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sẽ tổ chức Lễ trao giải thưởng báo chí về KH&CN năm 2013. Giải thưởng báo chí về KH&CN sẽ được trao cho những tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc có nội dung phản ánh về KH&CN.

Giải thưởng báo chí về KH&CN là giải thưởng thường niên do Bộ KH&CN tổ chức. Qua 2 kỳ tổ chức (bắt đầu từ năm 2012) dần dần khẳng định được uy tín khi có sự tham gia của nhiều tác giả có tên tuổi, uy tín trong giới báo chí. (Theo VietQ.vn 12/12).

 

Hà Trang (Tổng hợp)