Bản in
Đại học Quốc gia Hà Nội: Lấy nghiên cứu khoa học làm nền tảng
Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã có những bước phát triển quan trọng khẳng định vị thế trong khu vực và trên thế giới. Đây là một trung tâm đào tạo lớn, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài về khoa học cơ bản, khoa học xã hội mũi nhọn, khoa học nhân văn tiên tiến, công nghệ cao, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước.

Phát triển theo mô hình đại học nghiên cứu

Trên cơ sở kế thừa truyền thống đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu đất nước của Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm Ngoại ngữ trước đây, cùng với việc phát huy cao độ quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm, ĐHQGHN đã phát triển đại học theo hướng gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học theo mô hình đại học nghiên cứu tiên tiến, đào tạo gắn với nghiên cứu và thông qua nghiên cứu. 

Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐHQGHN cho biết, ngoài phát triển các ngành, chuyên ngành truyền thống về khoa học cơ bản, ĐHQGHN còn tiên phong xây dựng nhiều ngành, chuyên ngành mới có tính liên ngành cao như khoa học môi trường, toán – tin, quản lý tài nguyên thiên nhiên, hóa dược, Việt Nam học, nhân học, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững… Một số đơn vị trực thuộc có chức năng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức được thành lập, góp phần từng bước hoàn thiện cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực, theo định hướng đại học nghiên cứu.

Bên cạnh đó, ĐHQGHN chú trọng xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu được đầu tư và hoạt động theo mô hình trung tâm nghiên cứu xuất sắc theo chuẩn của nhóm 100 các đại học hàng đầu châu Á làm nền tảng cho việc phát triển đội ngũ cán bộ, cho đào tạo và NCKH chất lượng cao. 

“Hiện nay, ĐHQGHN đang phấn đấu xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, tiến tới có một số trường phái học thuật có uy tín, vừa làm nòng cốt cho phát triển khoa học công nghệ vừa làm tiền đề phát triển đào tạo đại học và sau đại học”, ông Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

ĐHQGHN xác định rõ vai trò chủ đạo của KH&CN đối với việc xây dựng đại học nghiên cứu và ưu tiên đầu tư phát triển nhanh KH&CN, làm động lực thúc đẩy sự phát triển chất lượng đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng đào tạo và thương hiệu các sản phẩm KH&CN. 

Theo đó, các sản phẩm KH&CN phát triển đồng bộ trên cơ sở kết hợp chặt chẽ cả 4 trụ cột: Khoa học tự nhiên và y dược; Kỹ thuật và công nghệ; Khoa học xã hội nhân văn và kinh tế; và khoa học liên ngành. ĐHQGHN phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để hình thành một số nhóm khoa học mạnh, thực hiện một số chương trình nghiên cứu trọng điểm, tạo ra những sản phẩm nghiên cứu khoa học đỉnh cao, đủ năng lực giải quyết những vấn đề trọng yếu quốc gia. Trong đó, chương trình KH&CN trọng điểm phát triển bền vững vùng Tây Bắc là một trọng tâm.

Vật liệu hấp phụ từ tro bay và diatomit ứng dụng xử lý đất, nước bị ô nhiễm kim loại nặng

Khoa học vị nhân sinh

ĐHQGHN xác định hoạt động KH&CN là nền tảng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học, đào tạo và gia tăng các yếu tố cạnh tranh cho nền kinh tế tri thức. Theo đó, khoa học phải vị nhân sinh, luôn hướng về yêu cầu của cuộc sống. 

Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQGHN cho biết, nghiên cứu khoa học cơ bản của ĐHQGHN đã vươn lên tiếp cận trình độ khoa học của thế giới. Mỗi năm các cán bộ khoa học ĐHQGHN đã công bố hàng trăm bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín ở trong nước và quốc tế. Năm 2013, đã có gần 200 công trình khoa học công bố trong hệ thống tạp chí quốc tế ISI. Đặc biệt, có công trình được đăng trên tạp chí Nature hàng đầu của thế giới. Trên 100 sản phẩm khoa học công nghệ của ĐHQGHN đã có mặt trên thị trường, tham gia các hội chợ thiết bị khoa học công nghệ toàn quốc.

Các công trình nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã góp phần bảo đảm luận cứ khoa học cho việc xây dựng các định hướng chiến lược, chính sách, chủ trương, kế hoạch, quy hoạch phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước. Nhiều chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như các công trình “Luận cứ khoa học lịch sử, địa lý và pháp lý của nước CHXHCNVN trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, “Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ, biên giới Tây Nam”… 

Nhiều công trình nghiên cứu đã góp phần làm sáng tỏ những đặc trưng cơ bản của hệ thống chính trị và bộ máy điều hành, quản lý đất nước trong các thời kỳ lịch sử. Bên cạnh đó còn có các nghiên cứu xác lập cơ sở cho việc hình thành ngành Hồ Chí Minh học, làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là vấn đề dân tộc, chiến lược đại đoàn kết. Nhiều nghiên cứu đã trực tiếp góp phần xây dựng chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Các nghiên cứu về quá trình biến đổi cơ cấu kinh tế - xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, về vấn đề bình đẳng giới, bình đẳng xã hội… cũng góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách kinh tế - xã hội ở tầm vĩ mô, trong đó có Báo cáo thường niên về kinh tế Việt Nam đã trực tiếp cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho quá trình hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội của Đảng. 

Nhiều công trình khoa học công nghệ  được tặng những giải thưởng lớn, trong đó có 19 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 18 Giải thưởng Nhà nước và hàng chục giải thưởng khoa học có uy tín trên thế giới. Hiện nay, ĐHQGHN đang được Chính phủ giao chủ trì Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc. 

Trong giai đoạn 2009-2013, các nhà khoa học ĐHQGHN đã đăng ký hơn 10 sáng chế. Tại triển lãm và hội nghị thương mại hóa sản phẩm KH&CN đã có 26 sản phẩm KH&CN tiêu biểu của trường đã được giới thiệu. Ví dụ như: Thiết bị lọc nước sinh hoạt thành nước uống trực tiếp, màng lọc diamond, công nghệ sinh học kết hợp màng vi lọc xử lý nước thải phục vụ tái sử dụng… Thông qua sự kiện này nhằm thúc đẩy hoạt động sáng tạo của sinh viên và giảng viên trong các Viện nghiên cứu, Trường đại học và đẩy mạnh hoạt động thương mại hóa sản phẩm KH&CN.

Ông Nguyễn Hữu Đức cho biết, cùng với việc thúc đẩy các nghiên cứu cơ bản và triển khai các hợp đồng, văn bản hợp tác với các doanh nghiệp, địa phương, giai đoạn 2014-2015, ĐHQGHN ưu tiên tập trung xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình nghiên cứu trọng điểm hướng tới các sản phẩm và giải pháp KH&CN có khả năng thương mại hóa.

ĐHQGHN có quan hệ đối tác với hàng trăm trường đại học, trong đó có những trường đại học hàng đầu trên thế giới. ĐHQGHN là thành viên của Mạng lưới các đại học Đông Nam Á đồng thời là thành viên trong trụ cột văn hóa – xã hội ASEAN của Việt Nam. ĐHQGHN cũng là điểm đến thăm và làm việc của nhiều chính khách từ các nước và các nhà khoa học danh tiếng trên thế giới. Từ năm 2012 ĐHQGHN đã được tổ chức xếp hạng đại học quốc tế xếp trong top 250 các trường đại học hàng đầu châu Á, trong đó lĩnh vực khoa học tự nhiên lọt vào top 100.

Bài, ảnh: Mai Chi