Để làm rõ hơn những đóng góp của khoa học, công nghệ đối với ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã nhấn mạnh, trong Nghị quyết của Đảng cũng như trong Luật Khoa học công nghệ đều khẳng định, khoa học công nghệ sẽ là động lực, nền tảng, quốc sách hàng đầu cho sự phát triển của đất nước. Trong nông nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng xác định khoa học công nghệ phải đóng vai trò quan trọng. Khi sơ kết 5 năm Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương về tam nông, được sự chỉ đạo của Chủ tịch QH, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sơ kết Nghị quyết 26 và đánh giá trong 5 năm qua khoa học công nghệ cũng đã có đóng góp nhất định cho sự phát triển của nông nghiệp. Vừa qua,Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 3 chương trình quốc gia lớn về khoa học công nghệ, trong đó có 2 chương trình rất gần gũi với nông nghiệp đó là chương trình về phát triển sản phẩm quốc gia và chương trình đổi mới công nghệ quốc gia. Trong 9 sản phẩm quốc gia được lựa chọn, trong đó có 6 sản phẩm chính thức và 3 sản phẩm dự bị. Đặc biệt, sản phẩm lúa gạo là một trong 6 sản phẩm chính thức, sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu, sản phẩm về cá da trơn là hai sản phẩm dự bị. Đây là những sản phẩm có tỷ trọng rất lớn trong sản xuất nông nghiệp cũng như là cho nền kinh tế. Hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các bộ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chúng tôi triển khai các chương trình thành phần của các chương trình sản phẩm quốc gia cũng như là chương trình đổi mới công nghệ quốc gia.
Trong nhiều năm qua, Bộ Khoa học - Công nghệ cũng luôn luôn quan tâm đến mảng nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong số 10 chương trình trọng điểm cấp nhà nước về khoa học công nghệ đã có 2 chương trình phục vụ trực tiếp cho ngành nông nghiệp đó là chương trình KC02 về công nghệ sinh học chủ yếu phục vụ cho nông nghiệp và y tế, chương trình KC07 về bảo quản chế biến sau thu hoạch. Ngoài ra, một chương trình được thực hiện năm nay là năm thứ 13 rất thành công là chương trình đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào nông thôn, miền núi.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã giúp cho các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh chủ yếu làm nông nghiệp, các tỉnh miền núi chủ yếu là cho các vùng còn rất khó khăn có những dự án ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Các dự án này có 2 loại: một loại là do trung ương quản lý, một loại là ủy quyền cho các địa phương quản lý. Các dự án này đã nâng cao đời sống của người dân, đóng góp cho phát triển KT - XH của các địa phương và được các địa phương đánh giá rất cao. Mặc dù, vốn đầu tư của nhà nước rất khiêm tốn, chương trình kéo dài 5 năm với nguồn vốn 700 tỷ đồng, tức là mỗi một năm khoảng trên 100 tỷ đồng nhưng các địa phương cũng đã có vốn bổ sung và các doanh nghiệp và nông dân cũng đã đóng góp công sức và tiền vốn của mình vào đó. Vì vậy, các dự án này cũng đã phát triển rất tốt. Ví dụ các dự án về nấm triển khai trên 30 tỉnh, cho đến nay có thể nói đã đem lại hiệu quả rất tốt, nông dân ở trên 30 tỉnh đã có cuộc sống tốt hơn và năng suất nấm, sản lượng nấm đã tăng lên trên 200.000 tấn và nếu đạt tới ngưỡng khoảng 500.000 tấn có thể sản phẩm dự bị nấm ăn và nấm dược liệu sẽ trở thành sản phẩm chính thức trong sản phẩm quốc gia.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt 3 chương trình lớn cho ba khu vực là Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc, trong đó khoa học công nghệ là nòng cốt và 3 chương trình này cũng hỗ trợ cho các ban chỉ đạo Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc với nội dung chủ yếu là đưa khoa học công nghệ vào phục vụ cho sản xuất, đời sống của đồng bào các dân tộc trong ba khu vực này. Ba chương trình này, Bộ đã giao cho các cơ quan khoa học lớn nhất của nước ta trực tiếp quản lý thực hiện đó là: Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, hai Viện Hàn Lâm khoa học công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội. Đặc biệt, Bộ đã thúc đẩy việc đưa một số tiến bộ khoa học công nghệ vào trong nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ khâu làm giống cho tới khâu canh tác, khâu chế biến, bảo quản chế biến và xuất khẩu.
|