Bản in
Truyền thông về khoa học công nghệ: Đi một ngày đàng…
Chuyến công tác cùng Trung tâm Nghiên cứu phát triển và truyền thông khoa học công nghệ (KHCN), Bộ KHCN, để tìm hiểu cách làm giáo dục, truyền thông về lĩnh vực này tại Đài Loan (Trung Quốc) đã giúp các nhà báo chuyên viết về KHCN có thêm trải nghiệm về chuyện làm nghề. Hóa ra, truyền thông về KHCN không hẳn là "vừa khó, vừa khô, vừa khổ" nếu phần việc này được quan tâm đầu tư đúng mức, có chiến lược rõ ràng…

Có hẳn một chiến lược về truyền thông

Hành trình đi thăm các đơn vị nghiên cứu và làm truyền thông về KHCN ở Đài Bắc, Tân Trúc hay Cao Hùng cho các thành viên trong đoàn một cảm nhận chung, rằng Đài Loan đã đầu tư lớn cho nghiên cứu khoa học, và ngược lại, KHCN đã đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng đất này. Đơn giản như, khi các kết quả nghiên cứu được ứng dụng có hiệu quả vào thực tiễn, công tác quản lý xã hội trở nên dễ dàng hơn. 7 ngày ở Đài Loan, không thấy cảnh sát giao thông xuất hiện trên đường, nhưng cũng chẳng có ai vượt đèn đỏ. Tham tán khoa học tại Văn phòng Văn hóa - Kinh tế Việt Nam tại Đài Loan, ông Đào Văn Thông lý giải, ở đây có hệ thống theo dõi tự động và người dân Đài Loan hiểu rõ rằng, nếu họ vi phạm thì sẽ bị phạt ngay. Xe ô tô khi đi vào đường cao tốc mất phí cũng không mất thời gian dừng tại các trạm thu phí vì việc này đã có máy làm thay người. 

Đầu tư cho nghiên cứu khoa học được coi là đầu tư cho phát triển, trong đó, Ủy ban Khoa học Đài Loan đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực truyền thông. Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế của ủy ban, ông Zong - Tai Lin cho biết, ủy ban có chiến lược về truyền thông KHCN nhằm nâng cao sự hiểu biết của người dân về KHCN, làm cho người dân có thái độ tích cực đối với KHCN… Hiện nay, Đài Loan đang thực hiện giai đoạn 3 của chiến lược nói trên - kéo dài trong 4 năm với kinh phí 180 triệu Đài tệ. 55% nguồn kinh phí được hỗ trợ cho các cơ quan truyền thông như các đài truyền hình, phát thanh, báo in… thông qua các dự án cụ thể.

Xem một số chương trình và nghe các đồng nghiệp trao đổi về cách họ làm chương trình truyền thông về KHCN, có thể thấy sự quan tâm, đầu tư của Đài Loan đối với hoạt động truyền thông, sự tham gia tích cực của các nhà khoa học đã khiến cho hoạt động truyền thông KHCN thực sự mang ý nghĩa hỗ trợ tích cực cho công tác nghiên cứu. Tập trung vào giới trẻ, đề cập tới các vấn đề thiết thực đối với đời sống và mang tính thời sự, chuyển từ ngôn ngữ KHCN thành ngôn ngữ đời thường để tạo nên sự hứng thú cho đối tượng cần truyền thông là cách mà hầu hết cơ quan truyền thông ở Đài Loan đang làm một cách chuyên nghiệp, đạt hiệu quả cao. Không những thế, sản phẩm truyền thông về KHCN còn đem lại nguồn thu không nhỏ cho các đơn vị này.

Say mê khoa học từ tấm bé

Hình ảnh những học sinh, từ tuổi mầm non đến tiểu học, hứng thú khi được tới Trung tâm Triển lãm giới thiệu truyền thông khoa học của Trường ĐH quốc lập Đài Loan tại Đài Bắc hay Bảo tàng Khoa học công nghệ quốc gia tại Cao Hùng cho chúng tôi cảm nhận rằng, ngay từ tấm bé các em đã được giáo dục kiến thức khoa học thường thức, về vai trò của KHCN đối với cuộc sống một cách sinh động. Giám đốc Trung tâm Triển lãm giới thiệu truyền thông khoa học Chu-Nan Shyan cho biết, trung tâm trực thuộc Bộ Giáo dục Đài Loan, mỗi năm đón 1,8 triệu lượt học sinh, chủ yếu là tiểu học đến tham gia các hoạt động giáo dục và truyền thông KHCN. Ra đời năm 1999, đến nay, trung tâm có quy mô gấp 20 lần so với ban đầu và sự phát triển ấy xuất phát từ chính nhu cầu của hoạt động giáo dục và truyền thông KHCN. Đến đây, học sinh tham gia vào các chương trình giáo dục được thiết kế song song với nội dung giáo dục chính khóa tại các phòng thí nghiệm để hiểu sâu sắc hơn về các kiến thức khoa học được học ở trường; được tham gia các trò chơi mang tính trí tuệ để kích thức niềm đam mê, được tiếp cận với những thành quả khoa học của Đài Loan và thế giới. Kinh phí hoạt động của trung tâm lên đến 200 triệu Đài tệ/năm, lấy từ nguồn ngân sách và các nguồn thu khác. 

Sự nhiệt tình, say mê và hiểu biết của bà Lương - một tình nguyện viên vốn làm kinh doanh, sau khi nghỉ hưu đến làm việc tại trung tâm - khi giới thiệu với chúng tôi về sự kỳ diệu của khoa học đã chứng minh rằng KHCN có sức hút lớn nếu biết cách làm cho nó trở nên sinh động nhờ những mô hình phù hợp. Trung tâm có hơn 250 tình nguyện viên như bà Lương, những người đến với công việc này không vụ lợi, bằng tình yêu với KHCN, bằng ý thức rằng giáo dục, khơi dậy niềm say mê của thế hệ trẻ đối với KHCN có ý nghĩa lớn lao đối với sự phát triển xã hội.

Dẫu chỉ mới tiếp cận với một vài mô hình giáo dục, truyền thông về KHCN của Đài Loan, song những điều được thấy cũng đủ để nuôi ước mong, rằng Việt Nam rồi sẽ có bảo tàng về KHCN để các thế hệ tương lai của đất nước có điều kiện tìm hiểu, nuôi dưỡng hứng thú đối với khoa học ngay từ những năm đầu của tuổi học đường.