Bản in
Dự án FIRST: Tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học
Mới đây, tại Hà Nội, Bộ KH&CN đã tổ chức Hội thảo “Khởi động dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ” (FIRST). Dự án có tổng mức đầu tư là 110 triệu USD được thực hiện bằng khoản tài trợ IDA của Ngân hàng thế giới (WB) cho các nội dung nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp,…

Bên lề Hội thảo, TS. Trần Quốc Thắng – Giám đốc Dự án FIRST đã trao đổi với phóng viên một số vấn đề xoay quanh dự án.

-PV: Xin ông cho biết mục tiêu của dự án FIRST?

- TS. Trần Quốc Thắng: Mục tiêu dài hạn của Dự án FIRST là góp phần hỗ trợ nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam thông qua việc tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST), tạo thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Dự án tập trung vào ba cấu phần. Cấu phần thứ nhất là hoàn thiện thể chế chính sách và có tính chất thí điểm để  rút kinh nghiệm đưa ra những cơ chế chính sách chung thúc đẩy ĐMST. Ví dụ như, những chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, kết hợp với các viện, trường để đổi mới công nghệ. Hoặc các viện, trường cùng các doanh nghiệp kết nối với các nhà khoa học nước ngoài. Cụ thể là kết nối với các nhà khoa học Việt kiều để xây dựng những đề án đổi mới công nghệ, góp phần nâng cao trình độ sáng tạo công nghệ của các viện, trường.

Dự án tập trung khá mạnh vào cấu phần thứ hai là hỗ trợ cho các tổ chức KH&CN công lập đang chuyển đổi theo cơ chế 115. Tạo cho họ sức bật để kỳ vọng khoảng 5 đến 10 năm nữa chúng ta có từ 10 đến 15 viện nghiên cứu mạnh có đủ năng lực ngang tầm với khu vực và quốc tế. Đồng thời sẽ có nhiều những sáng tạo về công nghệ đóng góp vào ĐMST, hỗ trợ cho đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp.

Cấu phần thứ ba là của bất kỳ dự án nào đó là quản lý dự án và nghiên cứu một số chính sách có liên quan trong quá trình thực hiện dự án.

Việt Nam đã có nhiều dự án về đổi mới sáng tạo, vậy điểm khác biệt của dự án này là gì, thưa ông?

- Mục tiêu chung của các dự án ĐMST hiện nay Bộ KH&CN đang thực hiện và hợp tác với các nhà tài trợ quốc tế là nâng cao hiệu quả hoạt động ĐMST tại Việt Nam, hoàn thiện và tăng cường năng lực của hệ thống ĐMST quốc gia. Hay nói cách khác là tăng cường liên kết. Có ba chủ thể trong hệ thống ĐMST quốc gia: Một là cơ quan nhà nước, nơi xây dựng những cơ chế chính sách để thúc đẩy, tạo động lực kết nối giữa các viện, trường, nơi tạo ra tri thức với các doanh nghiệp nơi sử dụng trí thức. Ba chủ thể đó phải có một sự kết hợp hài hòa và tạo động lực để cho mối quan hệ liên kết giữa nơi sản sinh ra tri thức và nơi sử dụng tri thức một cách hiệu quả nhất. Tất cả các dự án đều tập trung như vậy.

Tuy nhiên dự án WB có tính chất hệ thống ở chỗ vừa xây dựng những cơ chế chính sách, vừa tập trung vào vấn đề như thống kê, đánh giá trình độ công nghệ để biết được hiện nay chúng ta đang ở đâu. Trên cơ sở đó tập trung vào hỗ trợ một số viện có đủ năng lực, có tiềm năng để viện lớn mạnh lên, gắn với nhu cầu của thị trường, nhu cầu doanh nghiệp. Đồng thời dự án cũng nghiên cứu xây dựng cơ chế tài trợ hỗ trợ cho các doanh nghiệp KH&CN, các doanh nghiệp start-ups, spin–offs… và chuyển giao công nghệ.

-Về việc hỗ trợ chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập sang 115, dự kiến những viện nào sẽ nhận được sự hỗ trợ từ dự án?

-Thực ra, hiện nay tất cả các viện công lập theo 115 đang có kế hoạch và có những viện chuyển sang cơ chế 115. Khi tham gia vào dự án FIRST, các viện phải thể hiện ý chí quyết tâm, tiềm năng của mình về mặt con người, thành tích, đặc biệt quan trọng là định hướng chiến lược phát triển của viện đó. Chúng tôi mở cửa để tất cả các viện đề xuất dự án. Ban quản lý sẽ xây dựng tiêu chí đánh giá và có một hệ thống chuyên gia đánh giá dự án đó. Sau đó sẽ xếp thứ tự ưu tiên, chúng tôi chọn từ 10 đến 15 viện, ưu tiên một số lĩnh vực như công nghệ sinh học, nông nghiệp, công nghệ vật liệu, công nghệ thông tin truyền thông, công nghệ cơ khí, tự động hóa. Ngoài ra, một số viện liên quan đến cung cấp những dịch vụ công, chúng tôi cũng quan tâm và có thể có kêu gọi đề xuất.

- Đối với các doanh nghiệp tiêu chí cũng sẽ phải thực hiện như vậy, thưa ông?

- Các doanh nghiệp cũng tương tự như vậy, các gói tài trợ đều phải thông qua những tiêu chí rất cụ thể, thống nhất giữa WB và Bộ KH&CN. Ban Quản lý dự án sẽ đưa ra tiêu chí cụ thể và công khai để cho tất cả các viện, trường, doanh nghiệp cộng đồng nhà khoa học có thể đề xuất dự án.

Cần tạo động lực kết nối giữa viện, trường, doanh nghiệp góp phần nâng cao trình độ sáng tạo công nghệ (Ảnh: Bảo Hà)

-Theo ông, khi thực hiện dự án này đâu là thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt?

- Khó khăn của dự án chúng tôi cho rằng việc chọn lựa các viện, trường, đơn vị được tham gia dự án. Vì nhu cầu, mong muốn tham gia rất nhiều nhưng dự án chỉ tài trợ có tính chất đại diện chứ không thể tài trợ hết cho tất cả mọi người mong muốn, nên việc lựa chọn đưa ra tiêu chí là một trong những khó khăn, thử thách đối với chúng tôi. Chúng tôi đưa ra tiêu chí rất cụ thể chính xác và công khai.

-Để đẩy mạnh ĐMST trong doanh nghiệp góp phần hình thành và phát triển đội ngũ doanh nghiệp KH&CN thì cần thực hiện những gì? Liệu dự án FIRST sẽ có tác động mạnh mẽ đối với sự phát triển đội ngũ doanh nghiệp KH&CN không thưa ông?

- Để đẩy mạnh ĐMST trong doanh nghiệp thì bản thân doanh nghiệp phải thể hiện ý chí và phải có năng lực, phải có tư duy khoa học và phải biết tìm được các đối tác là các đơn vị nghiên cứu hoặc các nhà khoa học đặt hàng cho họ, yêu cầu họ giải quyết những vấn đề khoa học cho mình. Thông qua cơ chế của nhà nước hỗ trợ cho sự liên kết đó, lúc bấy giờ mới thành công. Nếu doanh nghiệp làm một mình rất khó vì trong ĐMST thì ngoài ý tưởng ra, việc thực hiện ý tưởng như thế nào và tìm hiểu tính khả thi của ý tưởng đó là cả một chuỗi hoạt động. Tôi nghĩ rằng cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khoa học, viện, trường, các nhà sáng chế với doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp phải biết mình cần cái gì, mình đặt hàng cái gì cho các nhà khoa học, các viện, trường.

-Xin cảm ơn ông!

Bảo Hà (thực hiện)