Bản in
Khoa học Đông Nam bộ gắn với sở hữu trí tuệ
Gần 700 đề tài/dự án đã được triển trong giai đoạn 2011 - 2013 tại các địa phương trong vùng Đông Nam bộ. Gắn liền với phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của vùng là hoạt động Sở hữu trí tuệ. Trên đây là con số thống kê từ báo cáo của các Sở KH-CN các tỉnh trong vùng tại Hội nghị giao ban KH-CN vùng Đông Nam bộ lần thứ 12 tại Tây Ninh diễn ra mới đây.

Đề tài, dự án gắn với thực tiễn

Trong chuyến công tác, Đoàn công tác của Bộ KH-CN và các Sở KH-CN khu vực Đông Nam bộ đã tổ chức tham quan các mô hình ứng dụng kết quả đề tài khoa học điển hình của tỉnh Tây Ninh. Trong đó, 3 mô hình có ứng dụng cao gồm “Ứng dụng công nghệ Biogas trong xử lý bèo lục bình”; “Mô hình nghiên cứu quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) đối với sản xuất mãng cầu ta” và “Mô hình nghiên cứu xây dựng mô hình xử lý khí thải của các lò nung gạch kiểu Hoffman, đốt trấu”.

Các đề tài, dự án trên chủ yếu thuộc các lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học nông nghiệp, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học y dược, khoa học xã hội và nhân văn. Tổng kinh phí đầu tư phát triển KH-CN cho các tỉnh/ thành phố trong vùng là hơn 2.285 tỷ đồng, kinh phí đã sử dụng hơn 1.721 tỷ đồng. Theo đánh giá, hoạt động khoa học - kỹ thuật trong vùng có nhiều kỹ thuật tiến bộ, các công nghệ mới, tiên tiến đã được ứng dụng, chuyển giao vào sản xuất và đời sống, đặc biệt là các trong doanh nghiệp.

Ngoài ra, một số kết quả nghiên cứu đã có tính ứng dụng cao, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học... tạo đà cho việc phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Điển hình như các đề tài "Nghiên cứu, chế tạo thuốc bảo vệ thực vật xử lý bệnh nấm hồng trên cây cao su bằng công nghệ nano của tỉnh Đồng Nai" hay "Xây dựng cơ sở dữ liệu và biên hội loạt bản đồ địa chất công trình tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu"...

Đánh giá về tầm quan trọng của vùng Đông Nam bộ, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt Thanh cho biết, Đông Nam bộ là vùng trọng điểm phát triển kinh tế và dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, GDP... với đóng góp gần 60% thu ngân sách của cả nước. Trong đó, các tỉnh có nguồn đầu tư nước ngoài lớn: Tp. HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Đối với các tỉnh này, Bộ KH-CN sẽ làm việc với các doanh nghiệp có yếu tố công nghệ cao, để có sự hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, Bộ sẽ làm việc về khu công nghệ cao công nghệ sinh học (tại xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ) để tạo mô hình khuyến khích.

Hoạt động sở hữu trí tuệ phong phú

Gắn liền với phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của vùng là hoạt động Sở hữu trí tuệ. Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Tp. HCM cho biết: "Việc tư vấn, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân về quyền sở hữu trí tuệ của vùng Đông Nam bộ được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú như: thông qua các lớp tập huấn, hội thảo, báo, đài PT-TH, website, tọa đàm"…

Ngoài ra, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã tiến hành hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù của vùng. Điển hình, tỉnh Lâm Đồng được cấp 4 nhãn hiệu chứng nhận: trà B'Lao, cà phê Di Linh, dứa Cayenne Đơn Dương, rau Đà Lạt và 2 nhãn hiệu tập thể: Cồng chiêng Langbiang, rượu cần Langbiang; tỉnh Tây Ninh được cấp Giấy chứng nhận đăng ký cho chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mãng cầu Bà Đen, nhãn hiệu tập thể bánh tráng phơi sương Trảng Bàng...

Vẫn còn những khó khăn

Ngoài các báo cáo tổng hợp tình hình KH-CN của vùng giai đoạn 2011 – 2013, gần 40 kiến nghị của đại biểu các Sở trong vùng xung quanh một số vấn đề như: Phát triển nguồn nhân lực; Chuyển đổi các tổ chức Khoa học & Công nghệ; Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng được gửi đến Bộ Khoa học & Công nghệ. Đặc biệt, vấn đề về phát triển nguồn nhân lực, tiêu chuẩn đo lường chất lượng… được nhiều đại biểu quan tâm trong buổi hội nghị

Tuy có 700 đề tài, dự án đã được triển trong giai đoạn 2011 - 2013 tại các địa phương trong vùng Đông Nam bộ, nhưng đại biểu các tỉnh, thành đánh giá thời gian qua, việc lồng ghép giữa các dự án KH-CN với các chương trình kinh tế, xã hội khác (xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm…) chưa được thực hiện tốt, đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ còn thiếu, chưa có nhiều kinh nghiệm. Các định mức chi cho công tác nghiên cứu đã lạc hậu, thủ tục thanh quyết toán còn gặp nhiều khó khăn, chưa có nhiều nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được cấp văn bằng bảo hộ…

Theo ông Trần Việt Thanh, hội nghị lần này không chỉ ghi nhận, biểu dương những kết quả đã đạt được thời gian qua mà còn phải kiểm điểm, đánh giá lại những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong hoạt động khoa học - công nghệ của từng địa phương. Các tỉnh thành vùng Đông Nam bộ cần chú trọng triển khai các hoạt động gắn liền với đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp. Lấy sản phẩm công nghệ tại doanh nghiệp làm sản phẩm chủ lực cho địa phương… Tiến tới liên kết và chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức KH-CN cho các địa phương khác trong vùng...