Bản in
Đổi mới sáng tạo tăng lực cạnh tranh cho nền kinh tế (Bài 2)
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh, để đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phát triển đất nước nhanh và bền vững, con đường tất yếu phải dựa vào đổi mới sáng tạo và KH&CN.

 Về chỉ số cạnh tranh toàn cầu, năm 2013, Việt Nam xếp thứ 70/148 quốc gia; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp thứ 76/141 quốc gia. Trong khi Singapore ở tốp 3 thế giới và các nước Malaysia, Thái Lan đều đứng trên Việt Nam. Tỷ lệ kết quả nghiên cứu trong nước được thương mại hóa và ứng dụng trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh rất thấp. Tình trạng đề tài, dự án nghiệm thu xuất sắc nhưng “cất vào ngăn kéo” còn chưa khắc phục được.

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới các hạn chế, yếu kém về tiềm lực cũng như trình độ KH&CN và đổi mới sáng tạo trong nước. Nhưng một trong những nguyên nhân cơ bản nhất là nhận thức về tầm quan trọng của KH&CN và đặc biệt là về đổi mới sáng tạo (Innovation) còn quá hạn chế ở Việt Nam.

KH&CN và đổi mới sáng tạo chưa được xem là nhân tố quan trọng quyết định tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, thay vào đó, tính cạnh tranh của nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào phát triển theo chiều rộng, tận dụng lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên sẵn có và tăng vốn đầu tư. Bên cạnh đó, sự duy trì bao cấp của Nhà nước và độc quyền thực tế của doanh nghiệp nhà nước không tạo động lực đủ mạnh để các doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho đổi mới và phát triển công nghệ; ngoài ra việc chưa có chính sách đồng bộ, hiệu quả để phát triển nhanh lực lượng doanh nghiệp KH&CN cũng là một cản trở lớn đối với nỗ lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực của nền kinh tế.

Việt Nam đang trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện với nhiều cơ hội và thách thức to lớn đan xen. Cuộc cách mạng KH&CN hiện đại với các bước tiến mạnh mẽ diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa đã tạo ra cơ hội hết sức thuận lợi để các nước đi sau như Việt Nam tranh thủ rút ngắn khoảng cách tụt hậu nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức, yêu cầu mới nặng nề hơn.

Theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, để khắc phục các yếu kém, trở ngại, đạt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có một nền KH&CN phát triển nằm trong nhóm các nước dẫn đầu ASEAN, đến năm 2030, một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới (như Nghị quyết Trung ương 6 - khóa XI và Chiến lược phát triển KH&CN đã đề ra), hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo của Việt Nam giai đoạn tới cần bám sát các định hướng để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN.

Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động KH&CN theo hướng đẩy mạnh thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng nhiệm vụ KH&CN; cấp phát tài chính linh hoạt theo cơ chế quỹ; Nhà nước hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao và có cơ chế đầu tư đặc biệt để triển khai một số dự án KH&CN quy mô lớn.

Đổi mới hệ thống tổ chức KH&CN theo hướng quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống tổ chức KH&CN và các trường đại học; xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc; nâng cao năng lực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng trong các trường đại học. 

Đổi mới cơ chế, chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN theo hướng có chính sách trọng dụng đặc biệt đối với 3 nhóm cán bộ tài năng: cán bộ đầu ngành, cán bộ chủ trì nhiệm vụ quốc gia đặc biệt quan trọng, cán bộ trẻ tài năng. Có chính sách cử người đi làm việc các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp ở nước ngoài.

Triển khai các định hướng nhiệm vụ KH&CN chủ yếu và tăng cường tiềm lực KH&CN quốc gia. Xây dựng chương trình phát triển khoa học cơ bản trong một số lĩnh vực toán, vật lý, khoa học sự sống, khoa học biển. Ưu tiên phát triển một số công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ liên ngành: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo máy và tự động hóa, công nghệ môi trường.

Phát triển mạnh KH&CN nông nghiệp, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về lúa gạo, thủy sản và sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới. Chuẩn bị tích cực cho việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Tập trung đầu tư phát triển một số viện KH&CN, trường đại học cấp quốc gia theo mô hình tiên tiến thế giới. Phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, các nhóm nghiên cứu trẻ tiềm năng. Đẩy mạnh hình thành doanh nghiệp KH&CN.

Phát triển mạnh thị trường KH&CN theo hướng hình thành mạng lưới các tổ chức trung gian môi giới, đánh giá, định giá công nghệ. Đầu tư xây dựng các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Xây dựng bộ chỉ số thống kê, đo lường kết quả và hiệu quả hoạt động KH&CN.

Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN. Xác định rõ đối tác chiến lược trong hợp tác nghiên cứu chung và địa bàn trọng điểm có công nghệ nguồn cần khai thác, chuyển giao. Triển khai hợp tác KH&CN tầm quốc gia với các nước tiên tiến về KH&CN, là đối tác chiến lược của Việt Nam. Có cơ chế, chính sách ưu đãi để tạo đột phá trong thu hút các chuyên gia, nhà KH&CN Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia, nhà KH&CN nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN ở Việt Nam.

Để triển khai có hiệu quả các mục tiêu, định hướng phát triển KH&CN, trong những năm tới, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và KH&CN, Bộ KH&CN sẽ tập trung các nguồn lực để triển khai có hiệu quả Chiến lược và 9 chương trình, đề án trọng điểm quốc gia về KH&CN trong các lĩnh vực ưu tiên tới năm 2020, trong đó có các chương trình quan trọng như Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình phát triển công nghệ cao, Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia;...