Tại buổi họp báo “Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan: Từ chiến lược tới hiện thực” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Bộ Ngoại giao Phần Lan tổ chức mới đây tại Hà Nội, các nhà quản lý, các chuyên gia và nhà khoa học trong nước cũng như đối tác nước ngoài đã đánh giá cao dự án IPP bởi những hiệu quả thiết thực.
Nhiều thành công từ dự án
Chương trình Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) bắt đầu giai đoạn 1 từ năm 2009 đến năm 2013 với ngân sách hoạt động trên 7 triệu Euro (trong đó 89% do Phần Lan tài trợ và 11 % là vốn đối ứng Việt Nam) dưới sự quản lý của Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Ngoại giao Phần Lan. Dự án đã xem xét trên 300 đề xuất của các tổ chức, cá nhân và đã lựa chọn hỗ trợ trên 60 tiểu dự án bao gồm cả 4 hợp phần từ việc hoàn thiện thể chế cho hoạt động KHCN; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của các tổ chức KH&CN, cho đến khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng đổi mới sáng tạo, tạo ra các sản phẩm mới và tăng cường hợp tác Phần Lan – Việt Nam.
Trong quá trình triển khai, nhiều doanh nghiệp đã được dự án hỗ trợ và gặt hái được thành công như Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, hiện là doanh nghiệp đi đầu trong sản xuất đèn Led tiết kiệm điện, hiệu quả chiếu sáng cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hay Công ty sơn Hải Phòng, hiện đã sản xuất được rất nhiều loại sơn đạt trình độ quốc tế. Ngoài ra, nhiều cơ quan quản lý của Bộ KH&CN, Sở KH&CN tại các địa phương đã hoàn thiện khung pháp lý tiếp cận với thông lệ quốc tế và phù hợp với nền kinh tế thị trường; thúc đẩy đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao năng lực quản lý hoạt động KH&CN nhờ dự án IPP.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, đây là một dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình đổi mới quản lý hoạt động KH&CN ở Việt Nam nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đi vào giai đoạn nước rút của quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, đang đổi mới một cách cơ bản, toàn diện hệ thống quản lý KH&CN bằng việc trình Quốc hội thông qua luật KHCN sửa đổi năm 2013 và hiện nay đang triển khai nhiều văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn, đưa luật vào thực tiễn cuộc sống. “Giai đoạn đầu đã được triển khai và có nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Chúng tôi đánh giá rất cao sự giúp đỡ của chính phủ Phần Lan thông qua dự án IPP giao cho bộ Ngoại giao Phần Lan phối hợp với Bộ KH&CN Việt Nam tổ chức thực hiện dự án này. Mong muốn Phần Lan sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam làm sao để khối doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học có khả năng tạo ra được những giải pháp mới bước vào thị trường”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
Ông Kimmo Lahdevirta, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam cũng khẳng định Chính phủ Phần Lan cam kết hỗ trợ chương trình giai đoạn 2 từ năm 2014 – 2018 với kinh phí dự kiến khoảng 10 triệu Euro. “Chúng tôi đều nhận thấy rằng, dự án đã mang lại những hiệu quả thiết thực. IPP sẽ là nhân tố đổi mới sáng tạo được kỳ vọng thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Phần Lan” ông Kimmo Lahdevirta nói.
Mở ra nhiều cơ hội
Theo Ban quản lý Chương trình IPP, trong giai đoạn 2, IPP sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa học, doanh nghiệp có thể đến được với nhau, ứng dụng các kết quả nghiên cứu của các viện nghiên cứu, trường đại học tạo ra nhiều sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, có năng suất lao động cao và có hàm lượng khoa học công nghệ cao trong sản phẩm của mình đóng góp một cách có hiệu quả vào việc nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm việt nam trên thị trường trong nước và thế giới; hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN xây dựng các đề án, các văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng cơ chế chính sách đề phát triển khoa học và công nghệ của đất nước.
|
Sản xuất bòng đèn tại Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, một trong nhiều doanh nghiệp thành công nhờ dự án IPP. |
Các chuyên gia cũng cho rằng, tham gia vào dự án IPP, doanh nghiệp Việt Nam và cả doanh nghiệp Phần Lan không những được hỗ trợ về mặt tài chính mà còn được hỗ trợ về mặt công nghệ thông qua trao đổi chuyên gia, thông qua xây dựng các tiểu dự án. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam phải xác định được hướng đi, công nghệ cần phải đổi mới và sản phẩm mình cần tạo ra. Nếu không xác định được đúng mục tiêu và hiệu quả thì các doanh nghiệp sẽ khó có thể trụ vững được trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay.
PGS.TS Trần Quốc Thắng, Giám đốc chương trình IPP khẳng định, IPP là một dự án mở nên bất kể doanh nghiệp nào thuộc nhà nước hay tư nhân đều có thể tham gia đề xuất để được hỗ trợ. “Chỉ cần trong đề xuất, đơn vị đó phải thể hiện quyết tâm, ý chí đổi mới sáng tạo; phải có kế hoạch cụ thể và có năng lực quản lý, đáp ứng yêu cầu của dự án thì ban quản lý dự án đề xem xét và xét duyệt” TS Thắng cho hay.
Cũng theo TS Thắng, giai đoạn 2 của Chương trình sẽ có một số nội dung mới như: Giao lưu học hỏi kinh nghiệm chuyên gia Việt Nam- Phần Lan; xây dựng chương trình Giải thưởng cho các viện, trường, doanh nghiệp và cá nhân thành công trong đổi mới sáng tạo; đặc biệt IPP giai đoạn 2 sẽ xây dựng kế hoạch lồng ghép với các chương trình chiến lược như chương trình sản phẩm quốc gia, chương trình nâng cao năng suất chất lượng…. tạo nên các sản phẩm đặc trưng không chỉ vùng miền mà có tính chất quốc gia, tạo cơ hội cạnh tranh trên thị trường quốc tế. |