|
|||
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Quất – Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, đơn vị chủ trì thực hiện Đề án về một số vấn đề xung quanh việc triển khai Đề án. PV: Xin ông cho biết những tiêu chí đặt ra đối với doanh nghiệp khởi nghiệp của Đề án? Khi tham gia Đề án, doanh nghiệp được hưởng lợi ích như thế nào, thưa ông? Ông Phạm Hồng Quất: Có nhiều tiêu chí đặt ra đối với start up như khả năng ngoại ngữ, yêu cầu về sản phẩm, công nghệ, thị trường, mô hình kinh doanh, nhân lực. Tuy nhiên, có hai yếu tố cơ bản các doanh nghiệp khời nghiệp cần có: thứ nhất là phải có ý tưởng kinh doanh tốt dựa trên công nghệ mới; thứ hai là cần nhóm thành viên có năng lực tiếp cận thị trường, có khả năng xây dựng phương án, mô hình kinh doanh tốt. Khi tham gia Đề án, doanh nghiệp được trang bị những kiến thức về kỹ năng xây dựng mô hình kinh doanh tốt. Thứ hai, được những người có kinh nghiệm chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm để lập mô hình kinh doanh phù hợp. Họ cũng có được sự trợ giúp của các chuyên gia trong và ngoài nước để tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là các quỹ đầu tư, thậm chí cả quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài. Khi doanh nghiệp tăng trưởng tốt, các quỹ này sẽ giới thiệu doanh nghiệp tiếp cận những thị trường đầu tư lớn như Hoa Kỳ hay các nước khác, nơi họ có mạng lưới hoạt động. Trước mắt, Đề án sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua hoạt động đào tạo, tư vấn, hướng dẫn khởi nghiệp. Đồng thời, cơ quan chủ trì cùng các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, nhà tư vấn thiết lập mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp, tạo ra hệ sinh thái, môi trường pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động. Các nhà đầu tư sẽ tham gia đầu tư và có vai trò tích cực hỗ trợ doanh nghiệp gọi vốn đầu tư từ xã hội tham gia ươm tạo và phát triển doanh nghiệp. Điểm khác biệt của các start up so với những trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao khác đang hoạt động như tại các trường đại học hay Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là gì, thưa ông? Đây là hình thức ươm tạo không tập trung dành cho đại đa số quần chúng, các sinh viên, nhóm nghiên cứu trẻ hay bất kỳ ai đều có thể tham gia với những công nghệ không quá cao, không đòi hỏi phải qua thủ tục thẩm định chặt chẽ theo các tiêu chí áp dụng đối với doanh nghiệp công nghệ cao. Đối với những khu ươm tạo tập trung như trung tâm ươm tạo tại các khu công nghệ cao, nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm kể trên sẽ có ít cơ hội tiếp cận hơn do phải đáp ứng nhiều điều kiện về thẩm định sản phẩm, trình độ công nghệ, thị trường,... Phân khúc còn lại của thị trường đầu tư dành cho khởi nghiệp dựa trên các sản phẩm sáng tạo là rất lớn và đại đa số các nước khuyến khích đầu tư xã hội vào khu vực này do vốn đầu tư ít hơn, sản phẩm dễ đưa ra thị trường, thời gian ươm tạo ngắn hơn. Còn ươm tạo công nghệ cao cần thời gian dài, vốn đầu tư lớn, hệ số rủi ro cao hơn. Chúng ta đã có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Ông có thể cho biết những khó khăn, thách thức phải đối mặt khi triển khai Đề án? Thách thức lớn nhất hiện nay là trình độ của các start up Việt Nam như ngoại ngữ, khả năng tiếp cận, phân tích kinh doanh. Ý tưởng công nghệ tốt nhưng khả năng phân tích về thị trường, khả năng thuyết phục nhà đầu tư chưa cao, chưa chuyên nghiệp. Cùng với đó, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý cho đầu tư mạo hiểm chưa đầy đủ. Vấn đề này sắp tới cần được tháo gỡ. Nhà nước cũng cần có đầu tư mạo hiểm cùng với các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước để các start up yên tâm và được hưởng thụ ngay phần vốn hỗ trợ đầu tiên (khi chỉ có ý tưởng), bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân sẽ ngại đề xuất những trường hợp mới chỉ có ý tưởng, chưa có thành phẩm. Ở các nước, trong giai đoạn đầu tiên, nhà nước sẽ đầu tư khoản kinh phí khoảng từ vài chục nghìn USD hoặc nhiều hơn, từ 200.000 - 500.000 USD để nhóm khởi nghiệp phát triển ý tưởng, đến một giai đoạn nhất định, khối tư nhân mới tham gia đầu tư. Việt Nam đang thiếu nguồn đầu tư từ Nhà nước cho giai đoạn đầu, gọi là ươm tạo hạt giống. Nếu để khối tư nhân làm tất cả ngay từ đầu, e là rất khó vì tính rủi ro cao. Do vậy, môi trường đầu tư này cần được tháo gỡ từ nhận thức của những người làm chính sách, phải có giải pháp để những người dùng tiền ngân sách nhà nước nhưng không thành công không bị truy cứu hình sự. Những BA Hoa kỳ đưa ra sẽ làm tăng tỉ lệ đầu tư thành công cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Khu vực nhà nước khi có kinh phí thường chuyển cho các vườn ươm tư nhân để vận hành và nhà nước đóng vai trò quản lý chứ không phải nhà đầu tư quản lý trực tiếp các dự án như hiện nay. Chừng nào cả nhà nước, nhà đầu tư, gồm cả các quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần, thực chất là người thân, người giàu có trong xã hội, nhà khoa học hay doanh nhân đã thành đạt từ khởi nghiệp doanh nghiệp KH&CN đều cùng chung tay tham gia đầu tư, tài trợ, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nhân công nghệ trẻ, chúng ta mới có thể có được hệ sinh thái bền vững cho các doanh nghiệp KH&CN khởi nghiệp. Đề án này cũng là một trong các hoạt động nhằm góp phần xây dựng hệ sinh thái đó. Sinh viên, nhóm nghiên cứu trẻ,... có ý tưởng sáng tạo đều có cơ hội nhận được sự hỗ trợ của Đề án. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như ông vừa nói, ông nhận định thế nào về thành công của Đề án và có đưa ra mục tiêu cụ thể nào cần hướng đến trong quá trình thực hiện không, thưa ông? Đầu tiên, chúng tôi chỉ tham gia vào khâu hỗ trợ đào tạo, tư vấn và một phần hành lang về cơ chế chính sách. Còn các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ triển khai một số đề án thí điểm để thấy được đầu tư vào lĩnh vực công nghệ đem lại nguồn lợi cho tất cả mọi người, kể cả nhà đầu tư. Sau đó, sẽ thuyết phục nhà nước có cơ chế chính sách, có các quỹ đưa vào ươm tạo, đầu tư mạo hiểm cho start up. Hiện nay, hệ thống cơ chế chính sách cho phép cơ quan nhà nước như Bộ KH&CN tạo hành lang, nền tảng, môi trường về đào tạo, tư vấn, hỗ trợ. Đó cũng là một hình thức để chung tay, chia sẻ cùng các nhà đầu tư tư nhân. Khi các doanh nghiệp khởi nghiệp được tư vấn tốt, đào tạo tốt, chắc chắn sẽ có nhà đầu tư “bỏ tiền” vào. Theo đó, từ nay đến hết năm 2013, Đề án sẽ triển khai thí điểm một khóa đào tạo, chương trình thúc đẩy khởi nghiệp (BA) theo mô hình Thung lũng Silicon với sự hướng dẫn của các nhà đầu tư, tư vấn nước ngoài và trong nước. Bắt đầu từ 2014, chúng tôi sẽ nhân rộng tại các địa phương, trường đại học và nhiều lĩnh vực. Dường như cách làm của Việt Nam có vẻ ngược so với thế giới, nghiên cứu thành công rồi mới vận động nhà nước hỗ trợ. Có phải vậy không, thưa ông? Các nước cũng có kênh đầu tư cho R&D và những sản phẩm theo nhu cầu của doanh nghiệp, theo đơn đặt hàng của chính phủ. Việt Nam cũng đang làm như vậy. Nhưng quốc tế có thêm kênh đầu tư cho những người có khả năng tạo dựng doanh nghiệp mới dựa trên ý tưởng công nghệ mới, ý tưởng kinh doanh mới. Đây là kênh đầu tư mang tính mạo hiểm nhưng khả năng thu lợi nhuận cao. Chúng ta thì chưa có hệ thống chính sách, pháp luật cho dạng đầu tư như vậy, chứ không phải làm ngược. Chính sách đầu tư cho KH&CN của chúng ta cũng đang đổi mới theo xu hướng quốc tế nhưng vẫn chưa đầy đủ. Cần có chính sách khuyến khích thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, cổ vũ các nhà đầu tư thiên thần đầu tư cho những nhà khoa học có tinh thần khởi nghiệp, đặc biệt các bạn trẻ có ý tưởng kinh doanh mới dựa trên công nghệ dám mạnh dạn thành lập doanh nghiệp. Nhà nước cần có vai trò từ giai đoạn phát hiện, đào tạo, huấn luyện, đầu tư ươm hạt giống, chăm sóc, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Hiện nay, trong lĩnh vực KH&CN, Nhà nước vẫn mới chỉ đầu tư theo các đề án, đề tài từ đề xuất của viện, trường, doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước chứ chưa có một kênh đầu tư riêng theo cơ chế đặc biệt dành cho các bạn trẻ có hoài bão, quyết tâm, năng lực khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp dựa trên công nghệ. Thưa ông, liên quan đến việc ứng dụng các nghiên cứu sáng chế, hiện chúng ta có đánh giá được tỉ lệ các nghiên cứu sáng chế ứng dụng vào thực tiễn không? Hầu như tại các nước, việc nghiên cứu ra sáng chế, rồi từ sáng chế đến sản phẩm cuối cùng là hoạt động rất dài. Do phải thử nghiệm, chọn thị trường và cần đầu tư. Ở nhiều nước trên thế giới, tỉ lệ khoảng 10-15% sáng chế được ứng dụng trong thực tế đã được coi là rất thành công. Trong hàng triệu sáng chế được công bố và lưu giữ tại kho thông tin sáng chế quốc gia có thể chỉ vài trăm sáng chế có khả năng đưa vào khai thác ứng dụng. Nhưng vấn đề ở chỗ, chỉ cần một nhóm nhỏ sáng chế được đầu tư khai thác hiệu quả cũng có khả năng tạo ra được những doanh nghiệp KH&CN tiên phong và khối lượng hàng hóa công nghệ có giá trị khổng lồ. Do vậy, chúng ta cần phải giúp các nhà sáng chế liên kết với nhà đầu tư, doanh nghiệp chọn ra những sáng chế, giải pháp công nghệ tiềm năng để đầu tư tạo ra sản phẩm hay chuỗi giá trị sản phẩm có khả năng mang lại giá trị gia tăng, lợi nhuận lớn, chứ không nên đầu tư dàn trải. Từ sáng chế đến sản phẩm thử nghiệm, sản phẩm sản xuất ở quy mô công nghiệp có khả năng cạnh tranh là cả một quá trình đầu tư lâu dài, chứa đựng nhiều rủi ro. Bởi vậy, cần có cơ chế hỗ trợ đầu tư của Nhà nước cùng với cơ chế phân chia lợi ích hợp lý giữa các bên để tạo động lực thúc đẩy mối liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học, nhà sáng chế và nhà đầu tư, doanh nghiệp trong thương mại hóa sáng chế. Nếu thiếu cơ chế hỗ trợ và kết hợp nói trên, không ai có thể đem ngay kết quả nghiên cứu và sáng chế đi áp dụng được. Xin cảm ơn ông! Bài, ảnh: Nguyễn Hạnh - Phương Nga |