|
|||
Đại hội là dịp thúc đẩy hợp tác rộng rãi và trao đổi những ý tưởng mới từ các chuyên gia trong nước và quốc tế để củng cố những tiến bộ gần đây của ngành cơ học chất lỏng và các ngành công nghiệp liên quan. Đại hội Cơ học chất lỏng châu Á lần thứ 14 đã thu hút hơn 200 báo cáo của các nhà khoa học đến từ 20 quốc gia trên thế giới với các đề tài nghiên cứu chuyên ngành. Phát biểu tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nhận định, tại Việt Nam, lĩnh vực cơ học chất lỏng đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội như nông nghiệp, giao thông, hóa học và năng lượng bao gồm dầu khí, công nghiệp, điện hạt nhân, các công trình nhiệt và thủy điện, kiểm soát chất lượng không khí, nước, quản lý sông hồ, dự báo hậu quả biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phòng chống thiên tai trên đất liền và biển đảo...
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân phát biểu tại Lễ khai mạc ACFM 14 Là một trong 10 quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ hiện tượng nước biển dâng và biến đổi khí hậu, bên cạnh các biện pháp ứng phó với những vấn đề trên, Việt Nam đã xây dựng Chiến lược phát triển điện hạt nhân của Việt Nam vì mục đích hòa bình. Theo kế hoạch, đến năm 2020, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam sẽ đi vào hoạt động. Cùng với sự phát triển của đất nước, trong tương lai gần, các phương tiện giao thông cũng ngày càng hiện đại và có tốc độ cao. Bởi vậy, Việt Nam cần nhận thức được tầm quan trọng của lĩnh vực cơ học hóa chất lỏng để triển khai ngày càng nhiều ứng dụng phục vụ kinh tế-xã hội trong tương lai. Đại hội diễn ra từ ngày 15 đến 19/10 tại Hà Nội và Hạ Long (Quảng Ninh).
Tin, ảnh: Diệu Huyền
|