|
|||
Hội nghị khoa học tập trung vào các lĩnh vực như: Địa chất khu vực, địa tầng, magma và tiến hoá Biển Đông; Địa hoá, khoáng sản thềm lục địa, khoáng sản biển sâu và tài nguyên vị thế; Địa chất biển, vấn đề chủ quyền quốc gia và phát triển bền vững; Đặc điểm các trường địa vật lý Biển Đông; Địa chất môi trường, địa chất công trình, tai biến địa chất, biến đổi khí hậu toàn cầu, tương tác lục địa-đại dương; Ứng dụng viễn thám trong điều tra nghiên cứu biển. PGS. TS Phạm Huy Tiến, Trưởng Ban tổ chức hội nghị, Chủ tịch Hội đồng khoa học ngành biển và công nghệ biển, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam nhận định, Hội nghị là nơi để các nhà khoa học trong lĩnh vực địa chất biển trong và ngoài nước thông báo trao đổi kết quả nghiên cứu đã đạt được từ hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ nhất (2008) đến nay. Đây cũng là nơi để các nhà khoa học báo cáo về công tác điều tra, nghiên cứu địa chất biển và ứng dụng đối với phát triển kinh tế biển và phòng tránh thiên tai. Qua đó, các nhà khoa học sẽ thảo luận hướng nghiên cứu địa chất biển trong thời gian tới, gắn với mục tiêu điều tra cơ bản, khai thác tài nguyên phục vụ phát triển bền vững và đảm bảo an ninh quốc phòng. Hội nghị lần này đã tuyển chọn được 91 công trình của các nhà khoa học từ hầu hết các bộ, ngành, viện nghiên cứu, các trường đại học và nhà khoa học quốc tế các quốc gia như: Cộng hòa Pháp, Liên bang Nga, Cộng hòa liên bang Đức. Các công trình nghiên cứu này bao hàm hầu hết các lĩnh vực chuyên môn địa chất biển, từ cầu trúc, kiến tạo địa động lực, cổ sinh, địa tầng, địa mạo, địa vật lý, tài nguyên khoáng sản, năng lượng, viễn thám đến môi trường, tai biến thiên nhiên và phát triển bền vững. Tin, ảnh: Hoàng Anh
|