Bản in
Đổi mới thông tin KHCN trên báo chí: Cần sự bắt tay của ba “nhà”
“Không đa nguyên nhưng đa dạng, lại chạy đua nhau thông tin để giành giật thị trường công chúng nên khoa học và công nghệ (KHCN) chưa phải là mối quan tâm hàng đầu của giới truyền thông Việt Nam.

Có thể dễ dàng nhận thấy, có nhiều cơ quan truyền thông rất ít có chuyên mục, chuyên đề về KHCN hay nói cách khác xu hướng tuyên truyền KHCN đều mang tính bán hàng, sản phẩm KHCN nào đang được thị trường nhất là giới trẻ ưa chuộng thì báo chí, nhất là báo mạng dành nhiều diện tích, thời lượng lớn hơn”, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận - Trần Đức Chính đề cập thẳng vào vấn đề truyền thông KHCN hiện nay.

Chưa như mong đợi

Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho rằng thời gian qua, báo chí và truyền thông đã phần nào thực hiện tốt vai trò của mình, là cầu nối giữa nhà khoa học, cơ quan quản lý với hoạt động KHCN và công chúng. Báo chí trở thành diễn đàn tranh luận tương đối sôi nổi giữa các nhà khoa học, là cầu nối tương tác giữa người dân và nhà khoa học. 

Nhưng ông Lợi cũng thẳng thắn cho rằng, báo chí còn nhiều khiếm khuyết khi truyền thông về lĩnh vực KHCN. Đó chính là việc hoạt động KH&CN có nhiều lĩnh vực chưa được báo chí phản ánh hết. Thậm chí, có một số trường hợp phản ánh chưa chính xác, thấu đáo. Hiện, Việt Nam chưa có một đội ngũ báo chí có kiến thức sâu, có kỹ năng về KHCN và thậm chí còn hiểu biết về lĩnh vực này khá sơ sài. Mối quan hệ giữa nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước về KHCN và giới báo chí vẫn chưa thực sự chặt chẽ, nhanh nhạy. 

Phó Tổng Biên tập báo Lao Động Nguyễn Đình Chúc đồng tình rằng, thông tin KHCN trên một số báo còn nghèo nàn, chủ yếu dừng ở mức phổ biến kiến thức, cơ chế chính sách. Một số báo thì săm soi vào các vụ tiêu cực để câu khách hơn là động viên, suy tôn những thành tựu KHCN ứng dụng thiết thực vào đời sống. Hình thức thông tin chưa phong phú, chưa có cách viết gần gũi, dung dị, để người dân bình thường nhất cũng hiểu được mà thiên về tính học thuật, hàn lâm. Bên cạnh đó, tính phản biện của thông tin KHCN trên báo chí còn khá hạn chế. Trong khi đây chính là những điểm nóng, rất cần các nhà khoa học lên tiếng.

Lý giải về những hạn chế trên, dưới góc nhìn của một nhà quản lý đứng đầu ngành KHCN, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân chia sẻ: Công tác truyền thông KHCN là lĩnh vực chuyên sâu, chuyên môn hóa cao. Trong khi đó, những người làm công tác truyền thông lại chưa am hiểu sâu về KHCN. Trong khi đó, những người làm khoa học hiểu rất rõ về chuyên môn nhưng không có nghiệp vụ truyền thông. 

Chưa kể, họ cũng có tâm lý ngại va chạm, né tránh dư luận xã hội. Cùng với đó, nguồn lực cho hoạt động truyền thông KHCN đang rất yếu và thiếu, tài chính còn khó khăn, cơ sở vật chất cũng hạn chế. Sự quan tâm của các cấp, kể cả cấp quản lý đến người dân về KHCN cũng như truyền thông KHCN còn hạn chế… “Do đó, mặc dù chúng ta đã rất nỗ lực triển khai nhưng công tác truyền thông KHCN vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi”, Bộ trưởng nói.

Tổ chức Tuần lễ Truyền thông KHCN là một động thái tích cực đưa KHCN vào đời sống xã hội

Hiệu quả phải từ hai phía 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, để hoạt động truyền thông KHCN hiệu quả hơn, nhà nước cần quan tâm đầu tư, tạo ra nguồn lực nhất định cho truyền thông. Ví dụ, bố trí kinh phí tuyên truyền vào đề tài, dự án của các nhà khoa học. Khi lập dự toán phải có mục đích tuyên truyền phổ biến kết quả nghiên cứu, tổ chức hội nghị hội thảo. Cần có kinh phí đào tạo nghiệp vụ cho phóng viên về KHCN, đào tạo về nghiệp vụ truyền thông cho cán bộ khoa học, thậm chí có cả những khóa đào tạo trong nước và nước ngoài; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở truyền thông chuyên nghiệp. 

Cũng theo Bộ trưởng, bản thân cơ quan KHCN cũng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng những chương trình, hoạt động thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Khi nhận thức của toàn xã hội về KHCN thay đổi, thấy KHCN thực sự là một trong những yếu tố quyết định của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, là yếu tố quyết định cho sự phát triển của quốc gia, thì khi đó, truyền thông KHCN mới có chỗ đứng xứng đáng trong xã hội.

Về phía báo chí, ông Nguyễn Đức Lợi cho rằng, cần thiết phải xây dựng một đội ngũ làm báo chuyên ngành, được trang bị đầy đủ kiến thức báo chí cũng như kiến thức chuyên sâu về KHCN. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan đào tạo, quản lý báo chí nhưng cũng rất cần sự phối hợp với ngành KHCN và các cơ quan liên quan. 

Nguyên Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận Trần Đức Chính nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc tổ chức Tuần lễ Truyền thông KHCN, ông cho rằng có thể coi đây như là một động thái tích cực đưa KHCN vào đời sống xã hội thông qua truyền thông. Còn theo PGS. TS Đinh Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Quan hệ Công chúng và Quảng cáo (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhà báo phải viết ra bài báo sinh động, chân thành, nhiệt tình, nắm vững kiến thức và có nhiều dữ kiện cụ thể để minh chứng thêm cho thông điệp của mình. Bởi đặc thù của lĩnh vực KHCN là số liệu rất nhiều với thuật ngữ khô khan mà không phải ai cũng hứng thú, nếu chỉ viết chính xác thôi sẽ rất khó thu hút độc giả quan tâm. 

Nói về công tác truyền thông trong lĩnh vực KHCN, Vụ trưởng, Trưởng ban Khoa giáo Báo Nhân Dân Hà Huy Hồng chia sẻ, nhà báo phải am hiểu bản chất của vấn đề KHCN. Khi đối diện với những thuật ngữ hóc búa, phải biết lý giải để biến vấn đề khó hiểu thành những điều dễ hiểu. Bởi độc giả không phải ai cũng biết về KHCN, hơn nữa đây cũng là trọng trách đặt ra cho những nhà báo viết về lĩnh vực này, làm sao đưa vấn đề khoa học vừa trúng, vừa đúng lại vừa gần gũi với đời sống người dân. 

Thách thức đặt ra cho phóng viên viết về KHCN, buộc họ phải đi, phải đến và tìm hiểu nhằm đưa thông tin thiết thực đến với người dân. Thực tế cho thấy, đa phần các nhà khoa học ít đăng tải thông tin về những sáng tạo, ứng dụng KHCN của mình trên phương tiện thông tin đại chúng. Nếu có thì thông tin cũng không dồi dào lại phức tạp nên khó hấp dẫn người đọc. “Để thông tin KHCN  đăng tải trên báo chí được đổi mới một cách căn bản, tạo ra sự đột phá cả về chất lẫn lượng thì rất cần sự cộng tác, bắt tay vào cuộc của cả “ba nhà”: nhà quản lý - nhà khoa học - nhà báo”, nhà báo Nguyễn Đình Chúc chia sẻ.

TSKH Nghiêm Vũ Khải - Thứ trưởng Bộ KHCN: Trong giai đoạn 2011 – 2015 và thời gian xa hơn nữa chúng ta sẽ không thể không tuyên truyền mạnh mẽ những gì chúng ta đã đạt được trong hoạt động (KHCN) trong thời gian vừa qua. Vì vậy chúng ta phải nhìn nhận lại những gì còn chưa làm được. Đây được coi là tiền đề, định hướng cho những hoạt động KHCN trong thời gian tới. Qua đó chúng ta sẽ nhận định được công tác truyền thông KHCN có vai trò quan trọng như thế nào. Cần khẳng định đây là một mảng rất quan trọng trong hoạt động KHCN. 

Nhà báo Hà Huy Hồng, Vụ trưởng, Trưởng ban Khoa giáo Báo Nhân dân: Chúng tôi đã xây dựng giải pháp làm trang chuyên đề (diện tích chỉ ½ trang), làm tờ trình để Tổng biên tập duyệt. Khi đã được Tổng biên tập duyệt, chúng tôi tổ chức trang chuyên đề. Với cách làm này từ đầu năm tới nay chúng tôi đã thực hiện được khoảng 5 trang chuyên đề. Đây là giải pháp từ nay tới cuối năm và cả năm tiếp sau chúng tôi áp dụng để xây dựng các trang chuyên đề về lĩnh vực KHCN với những nội dung cập nhật tình hình hoạt động của ngành và những vấn đề có liên quan về KHCN đang được xã hội quan tâm. Đây cũng chính là một trong những giải pháp đưa ra trong Đề án đổi mới trang Khoa giáo mà chúng tôi xây dựng để trình Ban Biên tập vào cuối năm nay.