Bản in
Điểm tin KH&CN từ ngày 28/9 – 4/10
Máy vớt lục bình làm sạch mặt sông; Robot 6 bậc của Việt Nam; Trưng bày 60 thiết bị tại Techmart Công nghệ Thực phẩm 2013; Việt Nam-Italy thỏa thuận hợp tác khoa học và công nghệ; Ứng dụng liệu pháp oxy cao áp điều trị tai nạn lặn biển… là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.

Máy vớt lục bình làm sạch mặt sông

Trung tâm nghiên cứu và phát triển Công nghệ Máy công nghiệp, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, đã chế tạo, đưa vào thử nghiệm máy vớt lục bình, rong rêu, cỏ dại làm sạch mặt sông. Năng suất dọn rác tăng rất cao.

Hệ thống gồm có 1 máy chính và 2 thiết bị phụ. Máy chính là một thiết bị tự hành có hai bánh xe nước lắp hai bên, nó  truyền động bằng hai mô tơ thủy lực, có thể điểu chỉnh số vòng quay độc lập, đổi chiều để quay trở dễ dàng. Rong, cỏ sau khi cắt lần lượt được chuyển lên 3 loại băng tải. Khi đầy, máy tiến vào bờ trút rác, sau đó lại tiếp tục chu trình…
Máy tự hành với tốc độ di chuyển từ 1,5 đến  2 km/giờ, thay thế cho hàng trăm người vớt dọn trên diện tích 1ha.
(Theo chinhphu.vn 30/9).

Robot 6 bậc của Việt Nam

Viện Cơ học thuộc Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam vừa chế tạo thành công “Tay máy 6 bậc tự do” - eRobot,  phục vụ đào tạo và định hướng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp và đời sống.

Với bậc tự do ≥ 6 (lớn hơn hoặc bằng 6), eRobot có thể chuyển động đa hướng với các “khớp” xoay trở linh hoạt, chính xác, đạt mức khéo léo, được các nhà công nghệ trong nước đánh giá cao.

Qua nhiều thực nghiệm, eRobot đã khẳng định tính linh hoạt trong vận hành, động tác tinh vi, nhanh và chuẩn xác. Nhờ vậy bên cạnh ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp, đào tạo, eRobot còn mở rộng tính năng kết nối từ xa và còn có tác dụng lớn khi phát triển các robot trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng. (Theo chinhphu.vn 1/10).

Trưng bày 60 thiết bị tại Techmart Công nghệ Thực phẩm 2013

Sáng nay 3/10, Trung tâm thông tin Khoa học & Công nghệ TP.HCM kết hợp với Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM đã khai mạc Chợ Công nghệ & Thiết bị chuyên ngành Công nghệ Thực phẩm – Techmart Công nghệ Thực phẩm 2013.

Chợ Công nghệ thực phẩm lần này thu hút sự tham gia của 19 đơn vị là các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm phân tích thí nghiệm… với hơn 60 thiết bị được trưng bày. Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến – Trưởng phòng Thông tin Công nghệ, đơn vị tổ chức chương trình cho biết, đây là sự kiện phục vụ cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp tìm mua công nghệ và thiết bị.

Qua đó, đẩy mạnh việc phát triển, cung cấp và chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp với nhau, tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào để có thể cạnh tranh tốt hơn trong xu hướng phát triển và hội nhập kinh tế thế giới. (Theo khampha.vn 3/10).

Sản phẩm, thiết bị được trưng bày, giới thiệu tại Techmart Công nghệ Thực phẩm 2013

VN-Italy thỏa thuận hợp tác khoa học và công nghệ

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 2/10, phiên họp Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Khoa học và Công nghệ và Lễ ký “Chương trình Hợp tác lần thứ 5 về Khoa học và Công nghệ” giữa Việt Nam và Italy đã được tổ chức tại trụ sở Bộ Ngoại giao Italy.

Đại diện cho phía Việt Nam tham dự phiên họp là Đoàn đại biểu Bộ Khoa học và Công nghệ gồm 4 thành viên do ông Lương Văn Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế làm trưởng đoàn cùng với Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Hoàng Long. Về phía Italy có ông Andrea Melodi, Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Xúc tiến Quốc gia Bộ Ngoại giao Italy cùng một số nhà nghiên cứu khoa học, các nhà quản lý đến từ các trường đại học, cơ sở đào tạo, nghiên cứu Italy.

Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Hoàng Long cho hay trong thời gian qua, quan hệ hợp tác khoa học và công nghệ song phương đã có nhiều tiến triển. Tuy nhiên, trong thời gian tới, quan hệ hợp tác song phương về khoa học và công nghệ cần được thúc đẩy để đi vào chiều sâu với nhiều kết quả cụ thể hơn, nhất là khi hai nước đã nâng cấp quan hệ lên thành “đối tác chiến lược” sau chuyến thăm cấp Nhà nước đến Italy của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng Một năm nay. (Theo vietnamplus 3/10).

Ứng dụng liệu pháp oxy cao áp điều trị tai nạn lặn biển

Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng Khánh Hòa đã thành công trong việc nghiên cứu và ứng dụng liệu pháp oxy cao áp để điều trị liệt chi do tai biến khi lặn biển.

Sau hơn hai năm nghiên cứu và ứng dụng đề tài “Đánh giá hiệu quả điều trị liệt chi do tai biến lặn bằng liệu pháp oxy cao áp” do bác sỹ Bùi Minh Thuận, Giám đốc bệnh viện làm chủ nhiệm, đến nay việc ứng dụng liệu pháp này đã cứu sống và phục hồi các chức năng cho 92 ngư dân bị liệt chi do giảm áp khi lặn biển.

Theo bác sỹ Bùi Minh Thuận, phương pháp này có nhiều ưu điểm như thời gian điều trị ngắn, chi phí thấp, bệnh nhân hồi phục nhanh đồng thời khắc phục được tình trạng ngộ độc oxy hoặc tai biến do điều trị bằng oxy cao áp gây nên. (Theo vietnamplus 3/10).

Chương trình 712 - Điểm tựa cho doanh nghiệp hội nhập quốc tế

Trên 500 đại biểu tham dự “Hội nghị Quốc gia về thúc đẩy hoạt động năng suất, chất lượng và sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình 712” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Việt Thanh – Thứ trưởng Bộ KH&CN - Phó Trưởng ban điều hành Chương trình 712 cho biết, Bộ KH&CN được Chính phủ giao là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện, điều hành hoạt động của Chương trình. Bộ KH&CN cũng thực hiện 2 dự án chính được phân công là Dự án “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” và dự án “Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng”. Đồng hành cùng 2 dự án trên là các dự án thuộc các bộ, ngành và nhơn 35 dự án năng suất, chất lượng địa phương đã được UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt cho thấy hoạt động năng suất và chất lượng đã có xu hướng lan tỏa và ảnh hưởng tới nhiều hoạt động và đời sống kinh tế xã hội trong cả nước.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh phát biểu tại Hội nghị.

Chương trình 712 với 9 dự án được triển khai tại 6 bộ, ngành và 63 thành phố đặt mục tiêu tăng thêm sức mạnh cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Bộ KH&CN, các cơ quan bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp trong sự nghiệp nâng chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam lên tầm cao hơn. (Theo vietq.vn 3/10).

Hà Lan tài trợ hơn 3 triệu Euro giúp Việt Nam phát triển kinh tế sinh học

Ngày 3/10, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Tổ chức BE Basic (tổ chức sử dụng 50% vốn ngân sách từ Chính phủ Hà Lan) đã khởi động chương trình VN-Basic về hợp tác đổi mới khoa học hướng tới phát triển kinh tế dựa trên nền tảng sinh học.

Trong giai đoạn 2012-2013, BE Basic đã chấp thuận tài trợ cho 2 dự án của Việt Nam, gồm dự án "Giám sát, xử lý sinh học và đánh giá chất lượng đất trồng, mùa vụ và chất thải nông nghiệp tại Việt Nam"; "Chất trợ sinh mới, gen và các hợp chất sinh học trong môi trường tự nhiên Việt Nam" và một dự án đang chờ phê duyệt "Tiền xử lý, sản xuất sinh phẩm và thí điểm".

Tổng kinh phí được tài trợ từ phía BE-Basic cho các dự án nói trên vào khoảng 3,05 triệu euro và phía Việt Nam cũng sẽ có một khoản tài trợ tương đương. (Theo Công an nhân dân 4/10).

Hà Trang (Tổng hợp)