Bản in
Cây trồng biến đổi gen: Hướng đi mới cho nông nghiệp
Công nghệ sinh học, cây trồng biến đổi gen là “chìa khóa” đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo cho nền sản xuất nông nghiệp bền vững trước tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh phát triển cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam vẫn đang còn nhiều trăn trở.

Từ “chìa khóa” thế giới...

Tại hội thảo mới đây về công nghệ sinh học do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, trước áp lực của sự gia tăng dân số; tác động của biến đổi khí hậu; nguồn tài nguyên như đất, nước... ngày càng khan hiếm, trong khi nhu cầu về lương thực ngày càng tăng đòi hỏi các quốc gia phải tìm kiếm các giải pháp về công nghệ sinh học.

Giáo sư Paul Teng, chuyên gia công nghệ sinh học của Viện Giáo dục Quốc gia Singapore (NIE) cho biết 2012 là năm thứ 17 cây trồng biến đổi gen được trồng trên quy mô lớn và diện tích trên 170 triệu ha, tăng gấp 100 lần so với năm 1996 khi diện tích và quy mô chỉ ở 1,7 triệu ha. Hiện nay, trong tổng số 28 quốc gia trồng cây biến đổi gen thì 52% diện tích là ở các nước đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc, Paraguay, Pakistan, Myanmar... với tốc độ tăng trưởng diện tích hàng năm khoảng 11%.

Việc ứng dụng cây trồng biến đổi gen trong sản xuất cây lương thực không chỉ là công cụ phát hiện và chẩn đoán sớm sâu bệnh để giảm thiệt hại mà còn giúp cải thiện, nâng cao năng suất thông qua việc tăng tính chịu nhiệt, chịu hạn, chịu mặn cũng như giảm phụ thuộc vào nhiệt độ để kích thích quá trình ra hoa hoặc nảy mầm và phát triển. Các giống cây trồng biến đổi gen còn chịu được khả năng gieo trồng trong những điều kiện khắc nghiệt của thời tiết cũng như giải quyết những nhu cầu về lương thực của nhân loại, giáo sư Paul Teng nhấn mạnh.

Tại hội thảo công nghệ sinh học, bà Claire Pierangelo, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, Australia… việc ứng dụng cây trồng biến đổi gen đã góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng sản lượng, lợi nhuận cũng như cải thiện môi trường. Những cây trồng biến đổi gen thế hệ thứ nhất đã làm giảm chi phí sản xuất và họ đang tạo ra những cây trồng chuyển gen thế hệ thứ hai có đặc điểm tăng giá trị dinh dưỡng hoặc có những tính trạng thích hợp cho công nghiệp chế biến. Điển hình, Mỹ đã sử dụng 80% ngô và 70% đậu tương chuyển gen để chế biến thức ăn cho gia súc... 

Lợi ích cây trồng biến đổi gen mang lại khoảng 78 tỷ USD trong giai đoạn 1996-2009 với tỷ lệ 50-50 cho các quốc gia phát triển và đang phát triển. Vì vậy, Hoa Kỳ cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, khảo nghiệm ứng dụng công nghệ sinh học, tiến tới thương mại hóa kết quả công nghệ sinh học tại thị trường Việt Nam cũng như thị trường quốc tế.

Từ những lợi ích thực tế, giáo sư Paul Teng cho rằng Việt Nam phụ thuộc lớn vào sản xuất nông nghiệp thì việc áp dụng công nghệ sinh học và đưa cây trồng biến đổi gen vào canh tác sẽ là động lực chính để giải quyết vấn đề an ninh lương thực. Việc sản xuất ngô, lúa và các loại thực phẩm khác với sản lượng lớn hơn trên cùng một diện tích, qua đó đảm bảo sản xuất bền vững cũng như có điều kiện để hỗ trợ sản xuất trong nước, thúc đẩy thương mại và quản lý nhu cầu lương thực cũng như khả năng chi trả của người dân. 

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ sinh học còn giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, cụ thể sẽ giảm lượng khí thải CO2 thông qua việc giảm sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ trong canh tác. Tuy nhiên để đẩy nhanh tiến trình đưa cây trồng biến đổi gen vào canh tác, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác công tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Khu vực tư nhân phải chuyển đổi loại cây trồng, vật nuôi cũng như chuyển đổi thời gian trồng, thu hoạch và sắp xếp lại cấu trúc nông trại, trang trại. Khu vực nhà nước phải chủ động chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi thích hợp và thay đổi nhận thức cộng đồng thông qua các chương trình khuyến nông, bảo hiểm nông nghiệp… trên quy mô toàn quốc.

... đến thực tiễn Việt Nam

Về lộ trình ứng dụng cây trồng biến đổi gen, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt-Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết từ năm 2011, Bộ và các thành viên Hội đồng An toàn sinh học quốc gia đã tiến hành khảo nghiệm hạn chế một số giống ngô kháng sâu, kháng thuốc trừ cỏ như BT11, TC 1507… và khảo nghiệm trên diện rộng, đồng thời kiểm tra kỹ lưỡng ngô biến đổi gen của Công ty trách nhiệm hữu hạn Dekalb Việt Nam tại Vĩnh Phúc. Từ khảo nghiệm này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công nhận kết quả khảo nghiệm đối với 5 giống ngô biến đổi gen là BT11, GA21, MON98034, NK603, TC1507 và đang trình Bộ Tài nguyên Môi trường cấp phép an toàn sinh học.

Là đơn vị được giao đầu mối khảo nghiệm các giống cây trồng áp dụng công nghệ sinh học, cây trồng biến đổi gen, ông Đặng Trọng Lương, Phó viện Trưởng Viện di truyền nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm đến lĩnh vực công nghệ sinh học, tạo điều kiện cho công tác nghiên cứu và áp dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Công nghệ sinh học của Việt Nam hiện nay đang áp dụng theo hướng phục vụ sản xuất, đời sống. 

Trong lĩnh vực cây trồng, các chuyên gia đã nghiên cứu công nghệ biến đổi gen, chỉ thị phân tử để lựa chọn, lai tạo giống cây trồng, tìm ra các gen có ích phục vụ chọn tạo giống theo định hướng có lợi như các cây trồng có tính kháng về sâu bệnh, chịu lạnh, chịu mặn, chịu ngập để đối phó với những biến đổi khí hậu trong tương lai.

Riêng về hành lang pháp lý, đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành hàng loạt nghị định, thông tư để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học như Nghị định số 69/2010/NĐ-CP ngày 21/6/2010 về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, Thông tư 72/2009/TT-BNNPTNT ngày 17/11/2009 ban hành danh mục loại cây trồng biến đổi gen được phép khảo nghiệm đánh giá rủi ro đối với đa dạng sinh học và môi trường...

Đặc biệt để đảm bảo an toàn sinh học tuyệt đối, ông Trần Xuân Định, Cục Trồng trọt cho biết nếu vì lý do nào đó mà điều kiện phê chuẩn đồng ruộng bị vi phạm thì ngay lập tức việc khảo nghiệm phải chấm dứt. Các cây ngô sẽ được nhổ lên, chặt nhỏ và tiêu hủy triệt để với sự có mặt của hội đồng thẩm định và giám sát của các bên liên quan...

Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang xây dựng lộ trình tham mưu Chính phủ đồng thời phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường khảo nghiệm và đánh giá mức độ an toàn của các sản phẩm giống cây trồng biến đổi gen như ngô, đậu tương... trong điều kiện sản xuất ở Việt Nam. 

Hiện tại, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nghiên cứu phát triển và hệ thống nhà lưới khảo nghiệm đánh giá rủi ro cây trồng biến đổi gen chưa đồng bộ và chưa được đầu tư đúng mức. Cục Trồng trọt cho biết sắp tới, việc đầu tư cũng như tiếp tục nghiên cứu cơ bản tạo cây trồng biến đổi gen sẽ được đẩy mạnh, tăng cường kiểm soát và đào tạo nguồn nhân lực. 

Song song với đó công tác nghiên cứu giám định cây trồng, sản phẩm biến đổi gen và đánh giá an toàn sinh học ngoài đồng ruộng sẽ được quan tâm nhiều hơn, góp phần đẩy nhanh quá trình áp dụng cây trồng biến đổi gen trên diện rộng./.