|
|||||
Đây là hội nghị do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ KH&CN cùng Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 21/09 tại Hà Nội. Ngoài sự tham gia của ba cơ quan Trung ương nói trên, còn có sự tham gia của đại diện các địa phương, hội nông dân, hội khuyến nông, các trường và viện nghiên cứu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, và một số nông dân có thành tích tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp. Các đại biểu đã đem đến cho hội nghị nhiều ý kiến phong phú, đa chiều về những kết quả đạt được, tồn tại yếu kém, và kiến nghị đề xuất về hoạt động KH&CN dành cho nông nghiệp.
Đa số các đại biểu cho rằng nguồn lực của Nhà nước và xã hội dành cho nghiên cứu KH&CN và giáo dục đào tạo trong nông nghiệp còn rất hạn chế và manh mún, các đề tài bị dàn trải, thiếu tính tập trung triệt để giúp đưa ra sản phẩm hoàn chỉnh. “Các nhà nghiên cứu phải tham gia quá nhiều đề tài tản mạn, rời rạc để kiếm thu nhập, rất hiếm ai đủ chuyên môn sâu để khi nói về từng con giống, cây trồng cụ thể người ta phải nhắc đến người đó”, PGS. Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phát biểu. Ông cũng cho rằng Nhà nước đang đầu tư nhiều về phần cứng là các phòng thí nghiệm trọng điểm, nhưng không song hành với việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhân lực để có thể sử dụng, khai thác có hiệu quả. Cùng quan điểm này, PGS. Trần Đức Viên, Hiệu trưởng Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho rằng “Ngân sách Nhà nước cho khoa học đang quá chú trọng khía cạnh quản lý tiền mà chưa chú trọng phát triển con người.” Ông phản ánh thực trạng nguồn kinh phí ít ỏi khiến các trường phải tăng quy mô để thu học phí, và hậu quả là các nhà khoa học phải dồn sức cho giảng dạy, không còn thời gian, tâm trí dành cho nghiên cứu.
Chưa chú trọng đến chất lượng và xây dựng thương hiệu quốc tế Tuy nhiên, cho đến nay đóng góp của KH&CN vẫn chưa đủ để giúp ngành nông nghiệp đạt được một số mục tiêu cơ bản mà Nghị quyết 26-NQ/TW đặt ra, đó là đào tạo nông dân “có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực” và “xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao”. Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng nhiều đại biểu nhất trí cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam sau thời kỳ Đổi mới thành công trong việc giải quyết nhu cầu về lượng, tạm đáp ứng đảm bảo về an ninh lương thực, đến những năm gần đây đã lộ ra những hạn chế lớn mà ngành KH&CN còn chưa giúp giải quyết và khắc phục một cách hiệu quả. Điển hình là vấn đề giá trị sản phẩm nông nghiệp còn thấp do trình độ sản xuất và hàm lượng công nghệ trong sản phẩm còn hạn chế, dẫn tới thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam còn rất thiếu hoặc được ít người biết đến. Điều nghịch lý là mặc dù Việt Nam vẫn tự hào là nước xuất khẩu gạo với số lượng nhất, nhì trên thế giới, nhưng hầu như chưa có thương hiệu, trong khi chính các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam lại xây dựng được thương hiệu gạo của họ. Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông cho biết, trong tất cả những hội chợ quốc tế ông từng tham dự, có thể thấy gạo Việt Nam xuất hiện nhiều nhưng đều dưới thương hiệu của quốc gia khác. Điển hình như hội chợ CAEXPO 2013 tổ chức ở Trung Quốc gần đây, Việt Nam không hề có thương hiệu nào, trong khi các nước vẫn nhập khẩu gạo Việt Nam là Philippines và Indonesia, hay thậm chí quốc gia có trình độ phát triển thấp hơn Việt Nam là Campuchia, đều có thương hiệu gạo của riêng mình và được giới thiệu, trình bày một cách nghiêm túc, chuyên nghiệp – “gạo của họ được đóng trong túi nilon không khác gì những gói kẹo”, ông Phong cho biết. Khi được hỏi vì sao những nước này một mặt nhập khẩu gạo khá nhiều của Việt Nam, mặt khác vẫn có sản phẩm đem đi xuất khẩu, các doanh nghiệp tại hội chợ cho ông Phong biết rằng nước họ chỉ nhập khẩu gạo giá thành thấp của Việt Nam, còn gạo mà họ đem đi xuất khẩu là thứ gạo không chú trọng vào số lượng, chỉ chú trọng vào chất lượng, được bán với giá thành cao nên không cần xuất khẩu nhiều mà vẫn mang về giá trị thương mại đáng kể. Mở rộng quy mô sản xuất: mối liên kết nông dân với doanh nghiệp Để hình thành được thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, trước mắt Việt Nam cần có những doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp một cách bài bản, chuyên nghiệp, đảm bảo được chất lượng ổn định từ khâu giống, các nguyên liệu đầu vào, cho tới sản phẩm cuối cùng. Một mặt họ liên kết với nông dân để gom ruộng đất thành những cánh đồng lớn cho phép áp dụng công nghiệp hóa và các tiến bộ khoa học kỹ thuật một cách hiệu quả, mặt khác họ có nhiều thuận lợi hơn so với các hộ nông dân trong công tác làm thương hiệu.
Nhưng để mở rộng mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, Nhà nước cần giúp doanh nghiệp hạn chế bớt những rủi ro trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, vốn là đặc thù tự nhiên không tránh khỏi, bằng cách tăng cường xây dựng và giám sát thị trường bảo hiểm dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo ông Nguyễn Hồng Phong, chính sách bảo hiểm hợp lý là điều kiện tiên quyết giúp các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp yên tâm phát triển một cách bền vững, và ngược lại việc tham gia ngày càng nhiều các khách hàng là doanh nghiệp sẽ giúp ngành bảo hiểm nông nghiệp phát triển thành công. Không thể chỉ trông chờ vào Ngân sách Nhà nước Theo nhận định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường nguồn lực đầu tư cho KH&CN trong nông nghiệp mà hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào Ngân sách Nhà nước – tỷ trọng đầu tư của Nhà nước cho KH&CN ở nước ta là 70%, của xã hội là 30%, trong khi ở các nước phát triển tỷ trọng đầu tư của xã hội cho KH&CN lên tới 70%. Các doanh nghiệp cũng như toàn xã hội cần ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của đầu tư cho KH&CN trong nông nghiệp, khi mà các sản phẩm ngày càng chịu sự cạnh tranh gay gắt về giá cả và chất lượng từ nước ngoài, đặc biệt trọng bối cảnh tới đây Việt Nam sẽ phải tăng cường thực hiện các thỏa thuận WTO, đồng thời sắp tới sẽ gia nhập TPP. Trước mắt, ông cho rằng các nhà khoa học cần tăng cường nghiên cứu để tư vấn cho các nhà quản lý và doanh nghiệp về vấn đề cải thiện công tác quy hoạch, tổ chức và quản lý trong nông nghiệp, qua đó tạo ra những điều kiện, nền tảng căn bản phù hợp cho việc ứng dụng hiệu quả các thành tựu công nghệ vào nông nghiệp, và đáp ứng những đòi hỏi của thị trường quốc tế đối với các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Chất xám của các nhà khoa học chính là yếu tố thu hút nguồn lực của xã hội dành cho KH&CN, vì vậy các tổ chức nghiên cứu và trường đại học không thể chỉ trông chờ Nhà nước tăng kinh phí, mà cần chủ động tăng cường mối liên kết với doanh nghiệp, nông dân, và thị trường. “Nếu chúng ta vừa muốn được Nhà nước bao cấp, vừa muốn đẩy mạnh đào tạo, nghiên cứu, thì không có cách gì thỏa mãn”, ông nhận định. Ba vấn đề trọng yếu Hội nghị còn để ngỏ Để cải thiện đời sống người nông dân, một vấn đề cốt lõi lâu nay chưa được đề cập là tăng cường tính cạnh tranh lành mạnh. Điều này hàm ý hai vấn đề. Thứ nhất, cần có những nghiên cứu giúp Nhà nước cải thiện thể chế thị trường, đảm bảo tăng cường tính cạnh tranh giữa những doanh nghiệp thu mua nông sản và xuất khẩu, qua đó giúp người nông dân có nhiều lựa chọn cung ứng nông phẩm và nâng cao giá bán, tránh tình trạng thị trường bị chi phối bởi một nhóm doanh nghiệp đầu mối độc quyền khiến giá thu mua nông phẩm bị ép xuống mức tối thiểu. Thứ hai, cần có những nghiên cứu giúp Nhà nước tăng cường năng lực kiểm soát chất lượng và độ an toàn của nông phẩm. Điều này một mặt giúp bảo vệ sức khỏe và lợi ích người dân, mặt khác sẽ khiến các hộ nông dân và doanh nghiệp có động lực đầu tư tiến bộ KH&CN để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng và độ an toàn cao hơn. Có như vậy những thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam mới thực sự có sức sống trên thị trường. Vấn đề trọng yếu thứ ba mà Hội nghị còn để ngỏ là phát triển nông nghiệp hài hòa bền vững với các điều kiện môi trường và tài nguyên thiên nhiên, mặc dù đây cũng là một mục tiêu cơ bản của Nghị quyết 26-NQ/TW. Ngành nông nghiệp có đặc thù gắn bó và tương tác mật thiết hai chiều với môi trường tự nhiên, hiện đang đối diện với những vấn đề ngày càng lộ rõ như quỹ đất bị thu hẹp do quy hoạch chưa hợp lý, đất bị mất chất do canh tác quá mức, chất lượng nước và phù sa suy giảm do mất rừng đầu nguồn, bên cạnh đó là tác động đang gia tăng từ biến đổi khí hậu. Đây là những thách thức không nhỏ cần sự tham gia giải quyết của các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực để có thể đưa ra những giải pháp đồng bộ thích hợp.
|