Bản in
Truyền thông KH&CN: Nhân lực là yếu tố quan trọng nhất
Trong lần trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho rằng, thời gian qua nhờ sự nỗ lực không ngừng của ngành KH&CN, của các cơ quan thông tấn, báo chí, công tác này đã có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Để hoạt động này hiệu quả hơn, vấn đề quan trọng nhất là con người.

Nâng cao tiềm lực truyền thông KH&CN

Truyền thông có sức mạnh đặc biệt trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có KH&CN. Không chỉ cung cấp thông tin về những thành tựu KH&CN mới, truyền thông còn có vai trò định hướng dư luận và đưa các cơ chế, chính sách, các quy định của Nhà nước đến với công chúng. Đây cũng là công cụ hữu hiệu, cầu nối giữa nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân.

Gần đây, KH&CN ngày càng nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ Việt Nam, được xem là quốc sách hàng đầu, động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững,… Hoạt động truyền thông KH&CN vì vậy cũng được quan tâm, chú trọng đầu tư, là một trong sáu giải pháp chủ yếu để thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011- 2020.


Hiện cả nước có hơn 800 ấn phẩm báo in, hơn 100 trang báo và website điện tử, gần 70 đài phát thanh truyền hình, trong đó nhiều báo, đài có chuyên trang, chuyên mục KH&CN. Bộ KH&CN hiện đã có một tờ báo, 2 tạp chí, Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật và 36 website của các đơn vị trực thuộc Bộ. Ngoài ra, 63 sở KH&CN của các tỉnh, thành phố hầu hết đều có website phục vụ hoạt động truyền thông KH&CN.

Truyền thông KH&CN là lĩnh vực còn khá mới ở Việt Nam. Trước đây khi hoạt động này chưa được chú trọng, nhiều chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về KH&CN chưa tới được các tầng lớp nhân dân. Nhằm tạo một làn sóng mới về truyền thông KH&CN, Bộ KH&CN đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN trực thuộc Bộ với mục đích có một cơ quan chuyên trách chăm lo công tác truyền thông và nâng cao năng lực truyền thông KH&CN. Cùng với đó, Bộ tổ chức ký kết Chương trình phối hợp hoạt động truyền thông với các cơ quan thông tấn, báo chí lớn; tổ chức nhiều hội nghị tập huấn cho các phóng viên báo đài, đầu mối tuyên truyền của Bộ, của các tỉnh, thành phố, Sở KH&CN; tổ chức nhiều trang chuyên đề, chuyên mục KHCN trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, nhờ sự nỗ lực không ngừng của ngành KH&CN, các cơ quan thông tấn, báo chí, thời gian qua hoạt động truyền thông KH&CN đã có những bước tiến đáng kể. Trong 4 - 5 năm qua, cộng đồng khoa học cũng như giới khoa học đều đánh giá hoạt động này đã có những bước phát triển rất tốt, cung cấp thông tin tương đối đầy đủ, đa chiều, từ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong xã hội đối với hoạt động KH&CN. Đồng thời, góp phần lớn tạo nên sự đồng thuận của xã hội với hoạt động KH&CN. Thể hiện rõ nhất qua Nghị quyết số 20-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế cũng như Luật KH&CN (sửa đổi) được Quốc hội thông qua mới đây đã nhận được sự đồng thuận rất cao của Trung ương, Quốc hội và những đánh giá tốt của dư luận, nhà khoa học về những nội dung đổi mới trong quản lý hoạt động KH&CN.

Nhân lực là yếu tố quan trọng nhất

Tại hội nghị khoa học Báo chí với Truyền thông KH&CN do Bộ KH&CN tổ chức mới đây, nhiều đại biểu tham dự đều cho rằng những thông tin về KH&CN còn rất mờ nhạt nếu so với tầm quan trọng cũng như vai trò ứng dụng của lĩnh vực này với đời sống xã hội. Thông tin KH&CN còn nghèo nàn, hình thức thông tin chưa phong phú, chưa có cách tuyên truyền hấp dẫn, tính phản biện chưa cao hoặc còn chậm,…

Lý giải điều này, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, thứ nhất, KH&CN là lĩnh vực chuyên sâu, chuyên môn hóa cao. Trong khi đó, những người làm công tác truyền thông lại chưa am hiểu sâu về KH&CN. Còn những người làm khoa học hiểu rất rõ về chuyên môn nhưng lại không có nghiệp vụ truyền thông. Chưa kể họ cũng có tâm lý ngại va chạm, né tránh dư luận xã hội.


Thứ hai, nguồn lực cho hoạt động truyền thông KH&CN đang rất yếu và thiếu. Tài chính còn khó khăn. Cơ sở vật chất cũng hạn chế. Khó khăn thứ ba, đất nước ta ở trình độ phát triển còn thấp, mới vượt qua ngưỡng của nước có thu nhập trung bình. Người dân còn nghèo, phải lo cuộc sống thường nhật và những vấn đề cấp bách như giáo dục, y tế, sản xuất... Vì thế, sự quan tâm của các cấp, kể cả cấp quản lý đến người dân về KH&CN cũng như truyền thông KH&CN còn hạn chế,…

Do đó, dù đã rất nỗ lực triển khai nhưng công tác truyền thông KH&CN vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi. Theo Bộ trưởng, để hoạt động này hiệu quả hơn, vấn đề quan trọng nhất là con người. Thời gian tới cần đào tạo đội ngũ cán bộ truyền thông giỏi cả chuyên môn lẫn nghiệp vụ báo chí. Những người làm chuyên môn cần chủ động cung cấp thông tin, những người làm truyền thông cũng chủ động đến với nhà khoa học.

Bên cạnh đó, nhà nước cần quan tâm đầu tư, tạo nguồn lực nhất định cho truyền thông. Cần có kinh phí đào tạo nghiệp vụ cho phóng viên về KH&CN, đào tạo nghiệp vụ truyền thông cho cán bộ khoa học; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở truyền thông chuyên nghiệp. Hay xây dựng những chương trình, hoạt động thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Khi nhận thức của toàn xã hội về KH&CN thay đổi, thấy KH&CN thực sự là một trong những yếu tố quyết định của quá trình CNH, HĐH, là yếu tố quyết định cho sự phát triển của quốc gia, thì khi đó, truyền thông KH&CN mới có chỗ đứng xứng đáng trong xã hội.


Năm 2013, Bộ KH&CN lần đầu tiên tổ chức Tuần lễ truyền thông KH&CN

Bộ trưởng cho biết thêm, những năm tới, Bộ KH&CN sẽ vẫn duy trì Tuần lễ truyền thông KH&CN và có thể sẽ kết hợp với các hoạt động của sự kiện Ngày KH&CN Việt Nam. Hoạt động truyền thông sẽ gắn với hoạt động của các viện, trường, nhà khoa học cả nước. Trong thời gian đó, các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học có thể sẽ mở cửa phòng thí nghiệm để mọi người đến thăm quan, nghe nhà khoa học giới thiệu các kết quả nghiên cứu, trình diễn công nghệ, trao đổi, giải đáp các thắc mắc của người dân, học sinh,... Cùng với đó, duy trì Giải thưởng báo chí về KH&CN nhằm ghi nhận, tôn vinh những người làm công tác truyền thông KH&CN.

Bộ cũng sẽ đầu tư cơ sở vật chất để có những sản phẩm truyền thông chất lượng cao và được nhiều người quan tâm hơn. Bộ đang hướng tới sẽ hình thành kênh truyền hình riêng về KH&CN, trước mắt tập trung vào phục vụ sản xuất các chương trình KH&CN trên các phương tiện thông tin đại chúng; các báo và tạp chí của Bộ sẽ nâng cao về chất lượng, tăng số lượng, tần suất phát hành; Trung tâm Truyền thông KH&CN của Bộ phấn đấu trở thành một đơn vị báo chí mạnh, kỳ vọng trở thành một tập đoàn truyền thông. Để làm được điều đó, việc đầu tư cho nguồn nhân lực vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu, Bộ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Nguyễn Hạnh