|
|||
Chú trọng công tác truyền thông KH&CN Quan tâm, đầu tư, tạo nguồn lực cho truyền thông KH&CN Mặc dù hoạt động truyền thông KH&CN đã có vai trò và kết quả nhất định song vẫn chưa đáp ứng được thực tiễn nhu cầu phát triển. Đặc biệt, trong giai đoạn vượt khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, xu thế toàn cầu hóa cũng như để đáp ứng mục tiêu đưa nước ta vào năm 2020 trở thành nước công nghiệp cơ bản theo hướng hiện đại. Phó Tổng biên tập báo Lao Động Nguyễn Đình Chúc cho rằng, thông tin KH&CN trên một số báo còn nghèo nàn, chủ yếu dừng ở mức phổ biến kiến thức, cơ chế chính sách. Một số báo thì săm soi vào các vụ tiêu cực để câu khách hơn là động viên, suy tôn những thành tựu KH&CN ứng dụng thiết thực vào đời sống. Hình thức thông tin chưa phong phú, chưa có cách viết gần gũi, dung dị, để người dân bình thường nhất cũng hiểu được mà thiên về tính học thuật, hàn lâm. Bên cạnh đó, tính phản biện của thông tin KH&CN trên báo chí còn khá hạn chế. Trong khi đây chính là những điểm nóng, rất cần các nhà khoa học lên tiếng. Ông Nguyễn Đức Lợi, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho rằng, báo chí còn nhiều khiếm khuyết khi truyền thông về lĩnh vực KH&CN. Hoạt động KH&CN có nhiều lĩnh vực chưa được báo chí phản ánh hết, có một số trường hợp phản ánh chưa chính xác, thấu đáo. Là nhà quản lý đứng đầu ngành KH&CN, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân chia sẻ, công tác truyền thông KH&CN là lĩnh vực chuyên sâu, chuyên môn hóa cao. Trong khi đó, những người làm công tác truyền thông lại chưa am hiểu sâu về KH&CN, người làm khoa học hiểu rõ về chuyên môn nhưng không có nghiệp vụ truyền thông. Cùng với đó nguồn lực cho hoạt động truyền thông KH&CN đang rất yếu và thiếu; sự quan tâm của các cấp, kể cả cấp quản lý đến người dân về KH&CN cũng như truyền thông KH&CN còn hạn chế… Với vai trò tích cực và với tốc độ phát triển nhanh như thời gian qua, truyền thông Việt Nam cũng bộc lộ một số khiếm khuyết do thiếu nguồn nhân lực làm việc theo đúng yêu cầu của truyền thông và PR, tức là cần tính chuyên nghiệp từ nhận thức, hiểu biết đến kỹ năng làm việc. Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, để hoạt động truyền thông KH&CN hiệu quả hơn, nhà nước cần quan tâm đầu tư, tạo ra nguồn lực nhất định cho truyền thông. “Để thông tin KH&CN được đăng tải trên báo chí được đổi mới một cách căn bản, tạo ra sự đột phá cả về chất lẫn lượng rất cần sự cộng tác, bắt tay vào cuộc của cả “ba nhà”: nhà quản lý – nhà khoa học – nhà báo”, nhà báo Nguyễn Đình Chúc bày tỏ. Theo ông Nguyễn Đức Lợi cần phải xây dựng một đội ngũ làm báo chuyên ngành, được trang bị đầy đủ kiến thức báo chí cũng như kiến thức chuyên sâu về KH&CN. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan đào tạo, quản lý báo chí nhưng cũng rất cần sự phối hợp với ngành KH&CN và các cơ quan liên quan. Bài, ảnh: Mai Chi |