Bản in
Truyền thông khoa học và công nghệ: Đổi mới, chủ động và hiệu quả
Truyền thông khoa học và công nghệ (KH&CN) không chỉ giúp cung câp thông tin về những thành tựu khoa học, công nghệ mới mà còn có vai trò định hướng dư luận, đưa các cơ chế, chính sách, các quy định của nhà nước đến với công chúng…

Báo chí đóng góp to lớn cho sự phát triển KH&CN…

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nghiêm Vũ Khải thống kê, trong số trên 720 cơ quan báo chí, có rất nhiều ấn phẩm đã có chuyên trang KH&CN đặt song song với các chuyên mục khác với tần suất phát hành khá dày. Nội dung chuyển tải về KH&CN kịp thời, phong phú, dễ hiểu và đã có những phản hồi tích cực từ công chúng như các bài viết, phóng sự truyền hình, phát thanh về chính sách KH&CN, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, nặng lượng nguyên tử, năng lượng mới…

Lấy thực tế từ cơ quan mình, ông Hà Huy Hồng – Trưởng ban Khoa giáo (Báo Nhân Dân) – cho biết, Báo Nhân dân có riêng một Ban khoa giáo với nhiệm vụ thông tin về lĩnh vực KH&CN, giáo dục đào tạo, môi trường…

“Không chỉ dừng lại ở việc đăng tải các bài viết, Ban Khoa giáo còn phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN tổ chức nhiều buổi tọa đàm khoa học. Kết quả của các cuộc tọa đàm là những bài tổng thuật về KH&CN được đăng tải trên báo sau đó” – ông Hồng nói.

Tái khẳng định sự quan tâm đặc biệt đối với KH&CN, ông Nguyễn Hữu Quý – Tổng Biên tập Báo Công Thương – cho biết, trên các ấn phẩm Báo Công Thương, Vietnam Economic News, Kinh tế Việt Nam và Báo Công Thương điện tử… Báo Công Thương không chỉ dành thời lượng đáng kể cho KH&CN mà còn hình thành các chuyên mục thường kỳ về lĩnh vực quan trọng này.

Ông Quý cho biết thêm, với vai trò là cơ quan báo chí thuộc ngành Công Thương, trong nhiều năm qua, Báo đã dành sự quan tâm đặc biệt trong hoạt động tuyên truyền về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, lộ trình phát triển KH&CN; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất; an toàn thực phẩm trong công nghệ chế biến; an toàn sinh học… của ngành Công Thương .

“KH&CN là động lực then chốt, đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới và phát triển bền vững kinh tế-xã hội nói chung. Trong tiến trình ấy, truyền thông KH&CN có vai trò hết sức quan trọng, góp phần vào quá trình đổi mới và phát triển công nghệ, thiết bị sản xuất của tất cả các lĩnh vực, giúp nâng cao tỷ trọng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, công nghệ mới… giúp giảm dần sự phân tầng trình độ công nghệ trong từng ngành công nghiệp” – ông Nguyễn Hữu Quý khẳng định.

… Nhưng vẫn còn những hạn chế

Truyền thông là 1 trong 6 giải pháp chủ yếu để thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, công tác truyền thông KH&CN vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục.

Nói về những trở ngại trong truyền thông về KH&CN đối với bản thân nhà báo, ông Hà Huy Hồng cho rằng, có 3 vấn đề. Thứ nhất là khó, vì nhà báo phải hiểu bản chất khoa học của vấn đề mình viết và phải lý giải những điều khó hiểu một cách rễ hiểu. Thứ hai là khô, bởi lĩnh này này số liệu nhiều, thuật ngữ phức tạp. Thứ ba là khổ, vì cũng như nhiều lĩnh vực khác, phóng viên KH&CN phải lăn lộn vào cuộc sống để tìm hiểu, học hỏi, điều tra… để tìm ra bản chất vấn đề.

Trong khi đó, công tác đào tạo, tập huấn KH&CN cho đội ngũ nhà báo chuyên trách chưa được quan tâm nên việc tiếp cận thông tin, kiến thức về KH&CN, nhất là những kiến thức mới của đội ngũ người viết báo còn hạn chế.

Đây chính là nguyên nhân khiến thông tin KH&CN của các cơ quan báo chí còn khiêm tốn. Nếu nhìn nhận đúng vị trí, tầm quan trọng của KH&CN trong mọi mặt đời sống xã hội với những gì được phản ánh trên báo chí thì rõ ràng là lĩnh vực này vẫn ít được các cơ quan báo chí quan tâm.

“Hiện cả nước có trên 800 ấn phẩm báo in, hơn 100 báo và trang web điện tử, gần 70 đài phát thanh truyền hình, tuy nhiên, thông tin về KH&CN dường như chỉ giới hạn trong các ấn phẩm chuyên ngành, các tạp chí của các cơ quan nghiên cứu khoa học, kỹ thuật” – ông Nguyễn Đình Chúc – Phó Tổng biên tập Báo Lao Động thống kê.

Cũng đề cập đến nội dung này, ông Trần Đức Chính – Nguyên Tổng biên tập Báo Nhà báo và Công luận - cho rằng, các cơ quan truyền thông đang chạy đua về thông tin để giành giật thị trường công chúng nên KH&CN chưa phải là mối quan tâm của giới truyền thông Việt Nam.

“Hơn nữa, xu hướng tuyên truyền về KH&CN phần lớn mang tính bán hàng. Sản phẩm KH&CN nào được thị trường ưa chuộng thì báo chí, nhất là báo mạng dành thời lượng đưa tin lớn” – ông Chính nói.

Cần những đổi mới

Từ những phân tích, đánh giá ưu, nhược điểm của công tác truyền thông KH&CN, các đại biểu cho rằng, để làm tốt hơn công tác này, trước hết ngành KH&CN và giới truyền thống phải hiểu rằng đây là việc làm có tính tuyên truyền cho đường lối KH&CN của Đảng, hoạt động KH&CN của nhà nước.

Từ đó, bộ chủ quản, các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp ứng dụng KH&CN cần quan tâm hơn nữa đến công tác truyền thông bằng việc chủ động cung cấp và cung cấp thường xuyên, tạo điều kiện để các cơ quan truyền thông tiếp cận các thông tin KH&CN, nhất là những thông tin mới. Các đại biểu cũng nhấn mạnh, các cơ quan làm KH&CN, ngoài việc cung cấp thông tin cho báo chí cũng cần phối hợp xây dựng mô hình thông tin hiệu quả, dễ hiểu.

Lấy ví dự từ chương trình “Chuyện nhà nông” của GS. Nguyễn Lân Dũng trên truyền hình, ông Nguyễn Đình Chúc nhận xét, dù lý giải về khoa học nhưng bằng cách thể hiện dí dỏm, dễ hiểu và giải thích những vấn đề cao siêu của khoa học qua những ví dụ rất sinh động, gần gũi với cuộc sống, nên chương trình này được người xem đánh giá cao.

Đặc biệt, theo ông Chúc, bản thân các nhà khoa học cần thể hiện vai trò phản biện của mình, nhất là trước những vấn đề nổi cộm, bức xúc của dư luận liên quan đến KH&CN, chất lượng sản phẩm, công trình, tránh tình trạng không hoặc lên tiếng chậm trễ, gây sự hoài nghi, mất lòng tin của nhân dân.

Với các cơ quan báo chí, nhiều đại biểu cho rằng, mỗi loại hình báo chí cần xây dựng hình thức thông tin KH&CN đặc thù sao cho hiệu quả và hấp dẫn người đọc. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch bỗi dưỡng, đào tạo các nhà báo chuyên viết về KH&CN không chỉ ở kiến thức chuyên môn mà cả cách thức truyền tải hấp dẫn, dễ hiểu và hiệu quả.

Cuối cùng, để thông tin KH&CN đăng tải trên báo chí được đổi mới một cách căn bản, tạo sự đột phá về cả chất và lượng, rất cần sự cộng tác, “bắt tay” và vào cuộc thực sự của “3 nhà”: Nhà nước – nhà khoa học và nhà báo.