Bản in
Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ báo chí không chỉ đam mê nghề mà còn phải có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực KH&CN
Phát biểu tại Hội thảo: “Báo chí với truyền thông KH&CN”, PGS.TS. Phạm Huy Kỳ, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã nhấn mạnh như trên khi nói về vấn đề đào tạo đội ngũ cán bộ báo chí trong các cơ sở đào tạo.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Truyền thông KH&CN năm 2013 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Bộ KH&CN phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức, diễn ra trong hai ngày 26-27/9 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Thứ Trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến và Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền Phạm Huy Kỳ chủ trì Hội thảo phiên thứ nhất. Hội thảo đã thu hút nhiều nhà khoa học, nhà truyền thông, nhà báo, nhà giáo tới dự và tham gia trao đổi. Đặc biệt, còn có sự góp mặt đông đảo của các Nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Tại phiên thứ nhất với chủ đề “Vai trò Báo chí với Truyền thông KH&CN”, tham luận của các đại biểu tập trung trao đổi về 4 nội dung chính, đó là: Làm rõ vai trò của báo chí với Truyền thông KH&CN; Làm rõ thực trạng báo chí và Truyền thông KH&CN (ưu điểm và những hạn chế còn tồn tại); Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng báo chí trong công tác Truyền thông KH&CN; Công tác đào tạo đội ngũ nhà báo phục vụ cho Truyền thông KH&CN nước nhà và kỹ năng truyền  thông về KH&CN.

Đề cập đến “Vấn đề đào tạo nhân lực cho truyền thông KH&CN- cần tạo bước đột phá trong chiến lược”, PGS,TS. Nguyễn Văn Dững – Trưởng khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã đưa ra 4 vấn đề hiện nay, đó là: Sự cần thiết và tính cơ bản của đào tạo nguồn nhân lực truyền thông; Cơ cấu nguồn lực truyền thông về KH&CN; Cần sự nỗ lực từ bên trên; Cần sự phối hợp có hiệu quả.

Nói về thực trạng chung của truyền thông về KH&CN hiện nay, Nhà báo Trần Đức Chính – Nguyên Tổng biên tập Báo Nhà báo và Công luận nhấn mạnh một thực trạng còn tồn tại, đó là: “Chúng ta chưa có một chính sách  quốc gia đầy đủ và chặt chẽ về truyền thông". 

TS. Hồ Ngọc Luật – Vụ trưởng Vụ phát triển KH&CN địa phương tham luận tại Hội thảo

Bàn về thực trạng của truyền thông về KH&CN tại các địa phương, TS. Hồ Ngọc Luận – Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN Địa phương (Bộ KH&CN) cho biết: hoạt động thông tin về KH&CN ở các địa phương  đã có nhiều phát triển hơn những năm trước với nhiều hình thức mô hình khác nhau, những mô hình mới được đưa vào sản xuất, phục vụ tốt cho nghiên cứu KH&CN, nâng cao kiến thức KH&CN cho cán bộ, nhân viên nói riêng và nhân dân nói chung. Tuy nhiên công tác này vẫn còn nhiều mặt hạn chế như: trình độ công nghệ thông tin của nhân viên ở các địa phương chưa cao, thông tin chưa được phong phú, đa dạng, chưa đáp ứng kịp thời cho công tác nghiên cứu cũng như phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo.

TS. Hà Huy Phượng, Phó Khoa Báo chí đã đưa ra một số yêu cầu của người  làm báo về lĩnh vực KH&CN, đó là, bên cạnh yêu cầu về phẩm chất nghề nghiệp, nhà báo cần phải có kiến thức chuyên sâu về KH&CN. Có hai con đường giúp  nhà báo có kiến thức nói chung, kiến thức về chuyên ngành KH&CN nói riêng, đó là được học và tự học.

Sáng 27/9, Hội thảo tiếp tục phiên thứ II (cũng là phiên cuối) với chủ đề: "Nghiên cứu - Đào tạo về Truyền thông KH&CN". Hội thảo phiên thứ II do PGS.TS. Nguyễn Văn Dững – Trưởng khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền và TS. Nguyễn Xuân Toàn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN (Bộ KH&CN) chủ trì.

PGS.TS. Nguyễn Văn Dững và TS. Nguyễn Xuân Toàn chủ trì Hội thảo phiên cuối

Tại đây, những vấn đề về: Trách nhiệm của báo chí – truyền thông đối ngoại với vấn đề truyền thông KH&CN trong thời kỳ hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh truyền thông KH&CN, nhiệm vụ quan trọng của báo chí và truyền thông Bộ KH&CN”; Vai trò của nhà báo trong phát triển nguồn lực, ứng dụng KH&CN ở nước ta hiện nay; Cách rèn nghề đối với nhà báo viết về KH&CN… cũng được chia sẻ và bàn thảo một cách thẳng thắn.

Tin, ảnh: Diệu Huyền