|
|||
Say mê với nghiên cứu cơ bản GS. Pierre Darriulat từng được trao giải thưởng André Lagarrigue năm 2008, giải thưởng dành cho các nhà nghiên cứu tiên phong trong việc chế tạo và khai thác thành công các thiết bị khoa học lớn như máy gia tốc, hệ thiết bị đo tại các phòng thí nghiệm Pháp và của các cộng đồng quốc tế có Pháp tham gia. Tình yêu với khoa học đã giúp ông lựa chọn Việt Nam là nơi để ông cùng các nhà khoa học Việt Nam xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu về tia vũ trụ đầu tiên cho Việt Nam cũng như Đông Nam Á. Phòng thí nghiệm VATLY được thành lập từ năm 2001 với phần lớn trang thiết bị của phòng được GS mang về từ những thí nghiệm đã hoàn thành tại Trung tâm hạt nhân Châu Âu, những nghiên cứu ban đầu của phòng nằm trong khuôn khổ hợp tác với Đài thiên văn Pierre Auger. Mục đích của Phòng thí nghiệm VATLY là thành lập ở Việt Nam một nhóm nghiên cứu khoa học cơ bản có trình độ tương đương với các nhóm nghiên cứu ở các nước phát triển. Và đây cũng là lần đầu tiên tiên đưa vật lý thiên văn hiện đại vào giảng dạy tại Đại học Quốc gia Việt Nam. Nói về công việc tại phòng thí nghiệm VATLY, GS. Pierre Darriulat chia sẻ: hiện nay, chúng tôi đang thực hiện công tác đào tạo thông qua công việc nghiên cứu, đạo tạo từ bậc đại học cho đến sau tiến sĩ. Từ khi thành lập phòng thí nghiệm chúng tôi luôn thực hiện nghiên cứu theo hai hướng: hợp tác với các thí nghiệm lớn nơi có thiết bị hiện đại và đắt tiền ở nước ngoài; xây dựng và thực hiện những thí nghiệm ngay tại Hà Nội với mục đích chính là đào tạo. Về kết quả nghiên cứu, hợp tác với Đài thiên văn Pierre Auger (Thí nghiệm lớn nhất trên thế giới nghiên cứu về tia vũ trụ, bao phủ hơn 3.000 km2 trên cao nguyên Argentina), chúng tôi là đồng tác giả của nhiều bài báo quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu tia vũ trụ năng lượng siêu cao, đặc biệt, bài báo về phát hiện mối quan hệ giữa nguồn phát của các tia vũ trụ này và các tâm thiên hà hoạt động, đăng trên tạp chí Science và được bình chọn là một trong mười sự kiện vật lý của Hội vật lý Mỹ năm 2007. Với hệ thiết bị trong nước, một vài kết quả nổi bật, chúng tôi đã xây dựng hệ viễn kính nghiên cứu đặc điểm thông lượng tia vũ trụ tại Hà Nội, nơi có độ cứng địa từ cao nhất trên thế giới. Chúng tôi đã xây dựng một hệ đo giống như tại Đài thiên văn Pierre Auger đặt trên nóc phòng thí nghiệm. Nhiều thí nghiệm đo, nghiên cứu về tính chất của hệ ghi đo này đã được thực hiện. Trong hơn 10 năm qua, phòng thí nghiệm VATLY hoạt động rất có hiệu quả đã có những đóng góp nhất định cho các dự án quốc tế và sẽ còn tiếp tục hoạt động trong những năm sắp tới để nhằm sẵn sàng phục vụ cho công tác đào tạo nhân lực tại Viện Khoa học Kỹ thuật hạt nhân và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Khơi dậy tiềm năng cho các nhà khoa học trẻ GS.Pierre Darriulat không chỉ là một nhà cố vấn đơn thuần, mà ông còn trực tiếp tham gia vào công tác đào tạo các nhà khoa học trẻ say mê với ngành vật lý thiên văn. Trong suốt thời gian qua, ông cùng các cộng sự tại phòng thí nghiệm VATLY đã trực tiếp đào tạo được 5 nghiên cứu sinh, 9 thạc sĩ và 12 sinh viên tốt nghiệp đại học. Bên cạnh đó, ông và các cộng sự đã tích cực tham gia giảng dạy tại các trường đại học, các lớp học mùa hè tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM; tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực tập sinh viên tại đại học Pháp Việt. GS.Pierre Darriulat luôn đặt lòng tin vào những bạn trẻ mới bước chân vào con đường khoa học. Để thực hiện được ước nguyện của mình sẽ giúp thế hệ các nhà khoa học trẻ khơi dậy niềm đam mê với ngành khoa học vật lý thiên văn, ông đã làm hết khả năng của mình để tạo ra điều kiện cho các bạn trẻ sống và làm khoa học thực sự. GS.Pierre Darriulat chia sẻ: mục đích lớn nhất trong quãng đời còn lại của tôi là tạo ra một đội ngũ các nhà khoa học trẻ Việt Nam có hiểu biết căn bản, đầy đủ để sau này nếu tôi không còn nữa, họ sẽ tiếp tục dạy dỗ cho sinh viên, tiếp tục khảo cứu về phóng xạ vũ trụ. Có trang bị kiến thức cơ bản và ra nước ngoài trao đổi kết quả nghiên cứu thường xuyên với các nước có nền khoa học tiên tiến thì các nhà khoa học Việt Nam mới có thể nâng cao trình độ chuyên môn. Không chỉ tập trung vào đào tạo, điều tôi quan tâm hơn là làm sao cho các sinh viên có thể gắn bó cùng nhau, tập trung cho công việc nghiên cứu trong một thời gian dài. Tôi rất mong nhà nước sẽ tạo mọi điều kiện cả về vật chất và tinh thần để các nhà khoa học trẻ có thể theo đuổi sự nghiệp khoa học đến cùng. Ông đã quyết định sống và gắn bó với Việt Nam và dành hết tâm huyết cho nghiên cứu ngành vật lý hạt nhân của Việt Nam. Là một người có tài năng lớn nhưng ông lại sống một cuộc đời giản dị. Nhưng chính cuộc sống giản dị đó đã đem lại lợi ích thực tế cho những cuộc đời khác và cả nền vật lý Việt Nam, một lĩnh vực nghiên cứu đầy mới mẻ và ít người theo đuổi.
Ánh Tuyết |