|
|||
Nhiều thành tựu nổi bật Một trong những thành tựu nổi bật nhất của ngành nông nghiệp là sản xuất lúa gạo, sản lượng lúa gạo tăng theo hàng năm, đỉnh cao là năm 2012 đạt 8,1 triệu tấn với kim ngạch 3,7 tỷ USD. Tiếp đó là kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đã bước phát triển vượt bậc. Đã có những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như cao su, cà phê, gạo, sắn,… góp phần không nhỏ vào việc nâng cao đời sống nhân dân, thay đổi bộ mặt kinh tế nông thôn. Các nghiên cứu, nuôi trồng thủy sản một mặt tập trung vào các đối tượng nuôi chủ lực nhằm tạo ra lượng hàng hóa lớn như tôm sú, các tra, tôm thẻ trắng phục vụ cho xuất khẩu, mặc khác cũng tâp trung nghiên cứu đa dạng hóa các đối tượng nuôi, thức ăn chăn nuôi,… Ông Phan Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy Sản cho biết, công tác phát triển giống thủy sản cơ bản đã đáp ứng yêu cầu về giống cho người nuôi thủy sản, với hơn 4000 trại sản xuất tôm giống sản xuất gần 30 tỷ con giống và khoảng 400 trại cá giống sản xuất khoảng 20 tỷ cá giống,… Trong giai đoạn 2008 – 2013, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã thực hiện nhiều nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN các cấp. Từ những đề tài nghiên cứu này đã tạo ra nhiều giống mới và tiến bộ kỹ thuật mới, trong đó có 11 giống quốc gia, 57 giống tiến bộ kỹ thuật, 30 tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn ngành, 95 quy trình hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng, chế biến và bảo quản lâm sản. Những đề tài khoa học này đã mang lại nhiều kết quả tốt cho việc trồng mới rừng, phủ hoang đất trống, đồi trọc, hạn chế xói mòn lở đất tại các tỉnh miền núi. Khoa học công nghệ không chỉ là yếu tố mang tính quyết định cho sự phát triển của phát triển rừng, sản xuất lúa gạo,… mà còn là nhân tố quyết định cho sự tồn vong của ngành chăn nuôi. Trong 5 năm qua, Viện chăn nuôi đã được nhà nước đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. Trong đó đáng chú ý là phòng thí nghiệm trọng điểm tế bào động vật và các cơ sở triển khai thực nghiệm. Nhờ sự đầu tư lớn đó tiềm lực về KH&CN của Viện đã được cải thiện thêm một bước. TS. Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi chia sẻ, từ năm 2008 đến nay, mỗi năm bình quân số lượng đề tài, dự án các cấp của Viện tăng 5,66%, số lượng kinh phí tăng mỗi năm 16,46%. Trong 5 năm qua Viện có 134 công trình nghiên cứu khoa học nổi bật và phần lớn những công trình này đã được ứng dụng vào thực tế. Đã có 48 tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất với quy mô lớn và có hiệu quả kinh tế cao. Cũng thông qua hoạt động tư vấn, chuyển giao những công nghệ, thiết bị của Viện Khoa học Thủy lợi ngày càng được ứng dụng rộng rãi vào thực tế với tốc độ tăng trưởng mạnh, doanh thu từ 20 – 30% đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định đời sống cán bộ công nhân viên của Viện. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực kế cận Tuy vậy việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp ở nước ta cũng đang gặp nhiều khó khăn. Dù mang yếu tố quyết định nhưng khoa học nông nghiệp của nước ta hiện nay có tỷ suất cống hiến mới chỉ đạt khoảng 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông lâm nghiệp. Ông Nguyễn Công Tạn, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ cho rằng, với đà phát triển này, nếu tỷ lệ cống hiến của khoa học nông lâm nghiệp chỉ tăng 1% năm thì phải sau 50 năm Việt Nam mới đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới. Còn nhiều vấn đề cần giải quyết để tăng cường hơn nữa việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông lâm nghiệp. Tại hội nghị “Đánh giá hoạt động khoa học và công nghệ thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành TW Đảng Khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn”, ông Nguyễn Công Tạn cho rằng, đang có nhiều vấn đề đang đặt câu hỏi về trách nhiệm của khoa học nông lâm nghiệp trước đòi hỏi bức xúc của sản xuất và đời sống nhân dân. Đó là vấn đề trong ngành trồng trọt. Có lẽ nhiều năm nay chúng ta tập trung quá mức vào phát triển lúa gạo, có phần buông lơi nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN đối với các ngành trồng trọt khác. Ngành chăn nuôi cho đến nay cũng còn hạn chế trong việc ra được giống con gì là thành quả KH&CN tự thân của Việt Nam. TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cũng cho rằng, nông nghiệp Việt Nam đang bước vào một giai đoạn của quá trình tái cơ cấu. Một trong những yếu tố quyết định thành bại của quá trình này là có phát huy được tiềm lực KH&CN của đất nước hay không. Đã đến lúc các cấp lãnh đạo, các tổ chức KH&CN và mỗi cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu khoa học, cán bộ khuyến nông phải thẳng thắn nhìn nhận lại mình để thực sự xác định quyết tâm đổi mới. Ở tất cả các Viện khoa học đã diễn ra quá trình thay đổi thế hệ. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu trụ cột đã rất mỏng nay càng vắng bóng trong khi lực lượng kế cận ở nhiều nơi chưa sẵn sàng. Chưa hình thành các ekip quản lý đoàn kết và giải quyết hài hòa giữa việc tạo thu nhập cho đơn vị và hoàn thành nhiệm vụ chính trị chung. Chưa hình thành một đội ngũ các cán bộ khoa học trẻ vừa nắm sát tình hình sản xuất, vừa theo kịp trình độ khoa học chung của thế giới. Đây là thách thức lớn nhất đòi hỏi phải có quyết sách kịp thời để tạo ra động lực cho người giỏi và đến với ngành khoa học nông nghiệp. Ông Sơn nêu ví dụ, khi cán bộ khoa học về làng quê, với mức thu nhập thấp nhiều rủi ro, điều kiện sống và vị thế xã hội chênh lệch so với đô thị rất khó để giữ chân lực lượng lao động trẻ có trình độ, có khả năng tiếp thu tiến bộ kỹ thuật dẫn đến việc rất khó thu hút các doanh nghiệp tham gia các dự án nghiên cứu. Đây cũng là thách thức không nhỏ để tạo ra môi trường thuận lợi áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Phương Hoàn – Phương Nga |